"Trái thuần phong mỹ tục"
Đó là khẳng định của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) trong công văn gửi các Sở VH-TT-DL các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola, được đăng trên Cổng thông tin Điện tử của Bộ VH-TT-DL vào chiều 28/6/2019. Ngay lập tức công văn này vấp phải ý kiến trái chiều của dư luận.
Nội dung công văn đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ VH-TT&DL. |
Cụ thể, công văn của Cục Văn hóa cơ sở cho biết, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam". Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Để kịp thời xử lý và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VH-TT-DL: Kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam"; yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo… đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn.
PV Báo NNVN đã liên hệ với ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL để làm rõ nội dung của công văn nêu trên.
Ông Bình cho biết đó là văn bản do Cục Văn hóa cơ sở ban hành, đề nghị liên hệ với Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương.
Khi PV liên hệ với bà Hương thì bà cho biết đang bận họp, đề nghị gửi nội dung câu hỏi vào email, bà sẽ trả lời sau.
Nhà nghiên cứu nói không
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công, tác giả sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu” cho biết: Những cuốn từ điển trước năm 1930, ví dụ như cuốn “Việt Nam từ điển” của Hội Khai trí Tiến đức đã ghi nhận từ “lon”.
Giải nghĩa của chữ “lon” theo Từ điển này như sau: “Lon là một chậu lòng nông, thành cứng”. Ví dụ như “lon giã cua”, hay câu “Cái lon xách nước, cái lược chải đầu..”.
Trong các câu hát đồng giao thì từ lon cũng đã được sử dụng từ lâu trong dân gian và quá thông dụng.
Theo từ điển ghi nhận đến bây giờ từ “lon” cũng đã xuất hiện gần 100 năm. Và từ “lon” đã tồn tại từ trước đó rồi, không phải đến khi từ điển ghi nhận thì nó mới xuất hiện.
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công. |
Trả lời câu hỏi của PV Báo NNVN về cụm từ “Mở lon Việt Nam” theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở là “vi phạm thuần phong mỹ tục”, ông Hoàng Tuấn Công khẳng định: “Theo tôi, cụm từ “Mở lon Việt Nam” không có gì trái thuần phong mỹ tục cả, đấy đều là những từ thông dụng. Chẳng qua trong ngữ cảnh “lon Việt Nam” thì nghe nó lạ, đáng nhẽ nếu gọi là “lon Coca - Cola Việt Nam” thì sẽ không gây nên sự nghi ngại gì. Việc gọi tắt là “Mở lon Việt Nam” thì tự các nhà quản lý văn hóa nghĩ nó trái thuần phong mỹ tục thế thôi, còn về nguyên tắc cụm từ “Mở lon Việt Nam” không có gì là trái thuần phong mỹ tục cả”.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Văn hóa cơ sở, Sở VH-TT-DL Hà Nội đã chỉ đạo tháo dở biển quảng cáo với slogan “Mở lon Việt Nam” ở khu vực Ô Chợ Dừa và phạt hành chính 25 triệu đồng với sự việc này.