| Hotline: 0983.970.780

Vụ trại lợn đầu độc dòng sông: Phản hồi khó hiểu của huyện Thiệu Hóa

Chủ Nhật 29/09/2024 , 19:39 (GMT+7)

Cơ quan chức năng khẳng định trại lợn xả thải ra sông, nhưng lại cho rằng thông tin báo nêu gây ảnh hưởng chung đến huyện.

Trong tháng 9/2024 phải xây dựng công trình xử lý chất thải

UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) vừa có văn bản chỉ đạo xử lý thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh xung quanh nội dung bài viết: “Bắt quả tang trại lợn gần 1.000 con đầu độc cả dòng sông”.

Bên cạnh đó, UBND huyện Thiệu Hóa đã thành lập tổ xác minh, tiến hành kiểm tra, lập biên bản làm việc đối với chủ cơ sở này. Biên bản kiểm tra ghi nhận có nguồn thải từ trang trại lợn ra sông.

Tổ công tác yêu cầu hộ gia đình ông Ngô Văn Lãm không xả nước thải từ bể lắng qua mương dẫn ra môi trường; khắc phục xử lý chất thải, nước thải bằng cách nạo vét lượng chất thải còn lại trong các bể chứa. Sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy và ngăn mùi. Tiếp tục giảm đàn, vệ sinh khuôn viên chuồng nuôi và trang trại.

Báo cáo của UBND xã Thiệu Thành về việc trại lợn gây ô nhiễm dòng sông. Ảnh: Quốc Toản.

Báo cáo của UBND xã Thiệu Thành về việc trại lợn gây ô nhiễm dòng sông. Ảnh: Quốc Toản.

Trong tháng 9/2024 phải triển khai xây dựng ngay các công trình xử lý nước thải, chất thải đảm bảo quy chuẩn theo quy định, chậm nhất trong tháng 10/2024 phải hoàn thành các công trình này; khẩn trương đấu mối với các đơn vị chức năng làm hồ sơ môi trường theo quy định ngay sau khi hoàn thiện công trình xử lý môi trường.

UBND huyện Thiệu Hóa cũng yêu cầu xã Thiệu Thành cử cán bộ thường xuyên theo dõi việc việc xả thải của trang trại ông Ngô Văn Lãm. Tại biên bản làm việc ngày 19/9, chủ trang trại cam kết sẽ đầu tư xây dựng công trình xử lý môi trường, cấp giấy phép môi trường theo đúng quy định.

Trại lợn xả thải, huyện đổ lỗi cho báo chí?

Biên bản làm việc ngày 10/9 và ngày 18/9 ghi nhận trại lợn xả thải ra sông Mậu Khê có màu đen, bốc mùi hôi thối. Không những thế, ngay cả lãnh đạo xã Thiệu Công (xã giáp ranh với Thiệu Thành) và người dân tại đây đã nhiều lần kiến nghị đến cấp có thẩm quyền về việc xử lý tình trạng mùi hôi thối từ trại lợn, thế nhưng sự việc không được xử lý dứt điểm.

Dòng sông bị 'nhuộm đen' vì nước thải từ trại lợn. Ảnh: Quốc Toản.

Dòng sông bị "nhuộm đen" vì nước thải từ trại lợn. Ảnh: Quốc Toản.

Việc trại lợn gây ô nhiễm khiến cán bộ và nhiều người dân bức xúc, thế nhưng thật khó hiểu, trong văn bản chỉ đạo, xử lý thông tin báo chí của UBND huyện Thiệu Hóa lại khẳng định: “Nội dung đăng tải (trong bài viết nêu trên) gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, tình hình chính trị, việc triển khai xây dựng nông thôn mới và công tác lãnh chỉ đạo ngay từ cấp cơ sở”.

Trại lợn nằm gần sông Mậu Khê chính là “thủ phạm” gây bức xúc cho người dân và cán bộ cơ sở - đối tượng chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi thối. Do đó, không không thể coi nội dung phản ánh trong bài viết gây ảnh hưởng đến chỉ đạo điều hành, hoặc gây mất niềm tin của người dân. Trái lại, nội dung bài viết có thể xem là căn cứ để lãnh đạo huyện Thiệu Hóa xem xét, giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại, phát sinh trong thực tiễn, gây bức xúc dư luận.

Khúc sông nổi váng bọt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ảnh: Quốc Toản.

Khúc sông nổi váng bọt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ảnh: Quốc Toản.

UBND xã Thiệu Công có văn bản phản ánh tình trạng ô nhiễm trại lợn tại xã Thiệu Thành. Ảnh: Quốc Toản.

UBND xã Thiệu Công có văn bản phản ánh tình trạng ô nhiễm trại lợn tại xã Thiệu Thành. Ảnh: Quốc Toản.

Điều đáng nói là chỉ khi phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh tình trạng trên tới Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, UBND huyện mới nắm được sự việc và cử tổ công tác xuống hiện trường.

Việc trang trại xả thải cùng với sự chậm trễ, thiếu quyết liệt trong việc xử lý dứt điểm vụ việc của chính quyền địa phương mới chính là nguyên nhân gây “ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, tình hình chính trị, việc triển khai xây dựng nông thôn mới và công tác lãnh chỉ đạo ngay từ cấp cơ sở”, chứ không thể “đổ lỗi” cho báo chí như văn bản của UBND huyện Thiệu Hóa.

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về nội dung văn bản của UBND huyện Thiệu Hóa, ông Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa cho biết, cách hành văn trong văn bản trên chưa mạch lạc, không rõ ý. “Tôi sẽ chỉ đạo anh em rút kinh nghiệm”.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Nước lũ lên cao, đê bao ở Đồng Tháp vẫn vững vàng

Đồng Tháp Hiện nay mực nước ở đầu nguồn Mekong lên cao hơn cùng kỳ năm 2023, khoảng từ 0,1-0,6m, tuy nhiên các tuyến bờ bao đều an toàn, khả năng đảm bảo kiểm soát lũ tốt.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sinh viên Bình Phước sẽ học đại học ngay tại tỉnh nhà

Bắt đầu từ năm học 2025 trở đi, sinh viên cao đẳng, đại học có hộ khẩu tại tỉnh Bình Phước sẽ không phải đi học xa, mà học ngay tại tỉnh nhà.

Bình luận mới nhất