Ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, được mệnh danh là “vua chuối". Hiện Công ty đang sản xuất hơn 500ha chuối xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cung cấp cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị tại Việt Nam.
Tại buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các “vua” nông sản phía Nam diễn ra vừa qua, ông Huy chia sẻ: Chúng ta đang đối mặt với những yếu tố vô hình ảnh hưởng đến đến hoạt động rất nhiều doanh nghiệp và người lao động. Những ngày tháng khó khăn nhất do đại dịch Covid-19, nhiều vườn chuối ở trên đồng mà không có người thu hoạch. Rất may, hai vườn chuối lớn của tôi ở tỉnh Long An và Tây Ninh được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và tháo gỡ vấn đề lưu thông.
“95% sản lượng chuối của chúng tôi được xuất khẩu, cho nên thị trường rất ổn định. Chúng tôi chỉ gặp khó khăn về logistics và giá đầu vào tăng nhưng giá chuối không tăng”, ông Huy nói.
Về “đơn đặt hàng” của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho các “vua” nông sản: Làm sao sản xuất nông nghiệp bền vững?, ông Huy đã phân tích 3 vấn đề cốt yếu nhất, đó là: đất đai, nguồn vốn và thị trường.
“Vua chuối" Long An kể, “trước đây, khi tôi khởi nghiệp trồng mía, trồng cao su thì tôi tự ví mình như những “con chim” mía, “chim” cao su, còn các đại gia trong ngành mía đường thời ấy chính là “đại bàng”.
Cách đây 26 năm, Chính phủ đã triển khai “Chương trình 1 triệu tấn đường” (thực hiện trong giai đoạn 1995 – 2000), giai đoạn ấy, rất nhiều nhà máy mía đường được xây dựng (khoảng 52 nhà máy). Tuy nhiên, vùng nguyên liệu lại phát triển không tương xứng dẫn đến nhiều nhà máy phải trùm mềm. Mấy chục nhà máy phải tuyên bố phá sản. Như vậy, nguyên tắc là chúng ta phải xây dựng vùng nguyên liệu trước, sau đó mới đầu tư nhà máy với quy mô tương xứng để đảm bảo tính bền vững.
Ông Võ Quang Huy chia sẻ, hiện nay, ở nhiều vùng đất, nhất là các nông, lâm trường được quy hoạch trồng mía và cao su đang bị thoái trào. Những vùng đất đó đang có sự chuyển đổi cấu trúc mới về sản xuất nông nghiệp. “Tôi đang tìm lại những vùng mía, vùng cao su để mời nông dân cùng hợp tác trồng chuối. Tôi sẽ thành lập các hợp tác xã trồng chuối, nhưng còn gặp khó khăn về vấn đề quy hoạch sử dụng đất”.
Ông Huy nhận thấy, quan điểm mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan hay đề cập trong các diễn đàn, hội nghị là “hãy lót ổ cho chim sẻ để mời đại bàng” là rất đúng và phù hợp với thực tiễn của ngành nông nghiệp hiện nay.
Về nhóm vấn đề liên quan đến chính sách đất đai, “vua chuối" Long An mong Bộ trưởng kiến nghị với Chính phủ các chính sách làm sao để tạo điều kiện thông thoáng cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó “lót ổ” cho “chim sẻ”, từ đó tất cả “chim sẻ” đều được nuôi lớn.
Thứ hai, đối với nhóm vấn đề vốn đầu tư, phải làm sao để tạo được kênh chuyển vốn mới. Thông thường, hộ nông dân thường có ba nguồn vốn: vốn tự có, vay vốn ngân hàng và vốn đầu tư của các nhà cung ứng giống, vật tư đầu vào.
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, khoảng 80% sổ đỏ, quyền sở hữu tài sản của những người làm nông nghiệp đã nằm trong ngân hàng. Người ta phải huy động vốn thông qua các đại lý, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp. Như ở Sóc Trăng hiện nay, nhiều đại lý đã đầu tư khối lượng lớn thức ăn, tôm giống, cho các hộ nông dân. Tuy nhiên, các hộ chưa có điều kiện để trả. Sợ rằng thời gian tới, các đại lý cũng không dám rót vốn nữa. Thậm chí, nếu đại lý có rót vốn thì họ cũng sẽ tính giá rất cao.
Do đó, cần có kênh huy động vốn mới. Ví dụ, nông dân vay vốn ngân hàng, nhưng ngân hàng không giải ngân tiền, mà phối hợp với doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp để cấp phân bón, thức ăn chăn nuôi cho nông dân. Còn nông dân sẽ có nghĩa vụ trả lãi suất khoản vay cho ngân hàng. Phương thức này sẽ rất an toàn cho ngân hàng và an toàn cho cả nông dân.
Ông Huy cũng cho rằng, nông sản Việt Nam muốn xuất khẩu được thì phải có chứng nhận vùng trồng, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thường nói: đầu tư cho nông dân thì phải đào tạo cho họ tư duy hợp tác, vì không hợp tác thì không thể phát triển được. Đây là quan điểm rất đúng!