Khập khiễng những con số thống kê
Theo thống kê, giai đoạn 2011-2016 và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh Quảng Trị có 1.339 trường hợp tảo hôn và 16 trường hợp hôn nhân cận huyết. Vấn nạn tảo hôn có nguy cơ gia tăng nếu không sớm tìm ra giải pháp hiệu quả.
Trên cơ sở khảo sát thực tế tại 24 thôn bản, 8 xã trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, ngày 2/12/2016, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị có Báo cáo đề cập: “Trên thực tế, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn còn ở hầu hết ở các xã, tình trạng tảo hôn vẫn phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Qua khảo sát cho thấy, con số báo cáo của UBND xã vẫn chỉ tương đối, trên thực tế, số trường hợp tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống vẫn lớn hơn báo cáo của xã”.
Ngày 21/3/2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị có báo cáo kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”.
Theo đó, giai đoạn 2016-2020, số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm so với giai đoạn 2011-2015 (giảm 445 cặp kết hôn tảo hôn và giảm 7 vụ hôn nhân cận huyết thống). Từ năm 2016 đến năm 2021, tảo hôn giảm được 57 cặp, tương đương 24,6% (năm 2016 là 232 cặp, năm 2021 là 175 cặp); hôn nhân cận huyết thống gần như chấm dứt, 4 năm liền trên địa bàn không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Tuy nhiên, những con số trên liệu đã phản ánh đúng thực chất tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong những năm qua khi vẫn còn tình trạng mỗi cấp ngành, đơn vị có số liệu thống kê khác nhau? Chính quyền xã dựa trên số trường hợp phát hiện, xử phạt; UBND các huyện dựa vào số liệu báo cáo từ UBND các xã… Thế nhưng, ngay cả số liệu các xã thống kê và số liệu huyện báo cáo khi chúng tôi đi sâu tìm hiểu cũng có sự khập khiễng.
Có lẽ, những số liệu này chỉ thực sự thống nhất và sát thực tế khi các ban ngành chức năng tại Quảng Trị tiến hành khảo sát toàn diện tại tất cả các huyện, xã có nguy cơ xẩy ra vấn nạn tảo hôn. Chỉ như vậy chúng ta mới có cái nhìn khách quan, đa chiều về tính hiệu quả trong công tác phòng chống tảo hôn tại Quảng Trị trong những năm qua từ đó đề ra những giải pháp sát sao hơn với tình hình thực tế.
Đây có thể coi là một bất cập trong công tác thống kê, khảo sát. Tình trạng tảo hôn vẫn chưa dừng lại khiến cuộc sống của biết bao số phận lâm vào cơ cực, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, giống nòi .
Xử phạt là giải pháp cuối cùng
Những năm qua, tình trạng tảo hôn chủ yếu xẩy ra tại địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, nơi có tỷ lệ cao đồng bào các dân tộc Bru Vân Kiều, Pa Kô sinh sống.
Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, năm 2021, huyện Đakrông có 61 trường hợp tảo hôn (chiếm trên 15%/tổng số cặp đăng ký kết hôn); tại huyện Hướng Hóa là 122 trường hợp (chiếm trên 30%/tổng số cặp đăng ký kết hôn).
Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 144 trường hợp tảo hôn. Trong đó, tảo hôn 1 người có 70 trường hợp; cả 2 người tảo hôn có 74 trường hợp. Các trường hợp tảo hôn này xẩy ra tại các huyện Hướng Hóa (82 trường hợp), Đakrông (60 trường hợp) và huyện Gio Linh 2 trường hợp. Tỷ lệ tảo hôn chiếm trên 12,5%/tổng số cặp đăng ký kết hôn của 3 địa phương này. Huyện Đakrông có tỷ lệ số cặp tảo hôn/tổng số cặp đăng ký kết hôn lớn nhất với trên 15,5%.
Còn theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Đakrông, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện có 35 trường hợp tảo hôn.
Thực tế này khiến nhiều địa phương trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông kiên quyết triển khai các giải pháp cứng rắn để ngăn chặn.
Sau nhiều năm chỉ làm công tác tuyên truyền, vận động, đến cuối tháng 10/2024, UBND xã A Ngo (huyện Đakrông) đã quyết định triệu tập cuộc họp bàn về việc sẽ đưa ra biện pháp cứng rắn đối với những gia đình để xẩy ra tình trạng tảo hôn trong năm. Ông Nguyễn Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, tình trạng tảo hôn sẽ khiến cho cuộc sống người dân lâm vào cảnh khó khăn, giảm chất lượng dân số. Ông Huấn khẳng định, lần đầu tiên, xã sẽ phải ra quyết định xử phạt để hi vọng vào sự thay đổi trong nhận thức của người dân dù biết, đây là điều không ai mong muốn.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 9/2024, tại A Ngo xẩy ra 28 trường hợp tảo hôn. Trong đó, riêng năm 2024 có 6 trường hợp. Đây chỉ là những trường hợp trai – gái về ở với nhau và UBND xã A Ngo phát hiện được thông qua cán bộ dân số của xã.
Tuy nhiên, việc ra quyết định xử phạt đối với các trường hợp này, theo bà Lê Thị Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo cũng rất khó khăn. Nhiều gia đình chấp nhận cho trẻ về ở với nhau chứ không tổ chức lễ cưới hoặc chỉ làm nội bộ nên rất khó phát hiện.
“Muốn xử phạt thì phải có hình ảnh chứng minh. Cái này thì rất khó. Hơn nữa, ra quyết định xử phạt thì người dân cũng lấy đâu ra tiền để nộp phạt”, bà Huỳnh cho hay.
Cũng theo bà Huỳnh, mặc dù, các cấp chính quyền đã rất nỗ lực nhưng tại A Ngo không năm nào không có tảo hôn xẩy ra. Chính vì vậy, mọi công sức của chính quyền và cả những người phụ trách lĩnh vực này đều không được ghi nhận.
Còn tại xã Ba Nang (huyện Đakrông), từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024 xẩy ra 19 trường hợp tảo hôn. Tất cả các trường hợp này, hàng năm, UBND xã Ba Nang đều ra quyết định xử phạt và người dân vẫn chấp hành nộp phạt. Nhưng theo ông Hồ Văn Bun, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang, xử phạt chỉ là biện pháp cuối cùng.
“Điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi được nhận thức của các cháu và gia đình về những hệ lụy của tảo hôn. Muốn làm được điều đó thì không thể một sớm một chiều, ngoài việc nâng cao hiệu quả các chương trình, đề án tuyên truyền về chính sách dân số, Luật Hôn nhân gia đình thì đội ngũ già làng, trưởng bản cũng phải có đóng góp tích cực hơn nữa trong vấn đề này”, ông Bun nếu ý kiến.
Kinh phí phòng chống tảo hôn eo hẹp
Năm 2016 và 2021, UBND tỉnh Quảng Trị triển khai 2 kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” từ năm 2015-2025. Tổng kinh phí thực hiện 2 đề án này chỉ vỏn vẹn gần 4,6 tỷ đồng. Đây được coi là nguồn kinh phí khiêm tốn khi tại Quảng Trị, tình trạng tảo hôn vẫn đang là vấn đề nhức nhối.