Một góc “thiên đường sống ảo Long Đỉnh”. |
Những luống chè tăm tắp, sạch sẽ xanh ngút mắt. Lối đi giữa các vườn chè và dọc theo bờ hồ Phúc Thọ là hàng cây mua bung hoa tím. Chiếc cầu gỗ khúc khuỷu đưa du khách lên xà lan để tham quan hồ…
Ngồi trên xà lan chạy bằng năng lượng mặt trời, du khách được nghe anh Sển Cuốn Tắc chia sẻ về trà Long Đỉnh, từ loại trà Ô Long sữa cứ 7 ngày được tưới bằng đậu nành lên men, trà bị bệnh gì thì tưới bằng ớt xay, phun dung dịch tỏi… bởi SX theo tiêu chuẩn Organic. Tắc nhấn mạnh, SX chè được cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ giám sát và sẽ cấp giấy chứng nhận USDA. Công việc chính của anh là sao trà trong xưởng, chỉ khi có khách mới ra hỗ trợ phục vụ.
Chị Trần Bình Minh, quản lý bộ phận du lịch sinh thái Long Đỉnh cho biết, mỗi ngày có từ 200-300 khách tham quan. Ban đầu chúng tôi cho tham quan miễn phí để quảng bá chè là chính. Nhưng lượng khách tăng nhanh, chúng tôi thu phí 10.000 đồng/người nhằm hạn chế bớt khách. Tết 2018, Long Đỉnh "thất thủ" bởi trên 1.000 du khách đến mỗi ngày, dù mức phí tham quan tăng lên 30.000 đồng/người. Cao điểm ngày mùng 2 tết, Long Đỉnh đón 3.000 người.
Câu chuyện rỉ rả xoay sang ông chủ Hồ Tắc Và. Khi gặp mặt ông, chúng tôi đã biết ông từng nổi danh là “bàn tay vàng” trong lĩnh vực chế biến trà của Cty Cầu Tre năm nào.
Ông Hồ Tất Và trao quà cho du khách đạt giải cuộc thi bình phẩm trà Long Đỉnh. |
Ông Và kể, hơn 10 năm trước, ông làm chuyên gia cho các công ty chè Đài Loan. Sau đó ra mở Cty Long Đỉnh với vốn chỉ có 4 ha chè. Vật liệu xây dựng nhà máy cho đến máy móc đều vay nợ. Dù nhiều khó khăn nhưng với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, năm 2012 ông bắt tay SX theo VietGAP cho sản phẩm trà Long Đỉnh chất lượng cao.
Năm 2017, một Cty Đài Loan mua hàng của ông để tham gia cuộc thi chất lượng trà ở Đài Loan đạt giải Ba. Họ tự nâng giá để bao tiêu sản phẩm Long Đỉnh. 2 năm nay, mỗi năm tôi cung cấp hơn 130 tấn trà cho thị trường Đài Loan. Hiện đang phấn đấu xây dựng vườn chè Long Đỉnh theo hướng Organic.
Ông Trương Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết, tổng diện tích chè toàn huyện đạt 234ha; năng suất trung bình 115 tạ/ha. Những năm gần đây huyện thực hiện đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với tiêu thụ nông sản và kiểm soát chất lượng theo chuỗi an toàn; chú trọng phát triển mô hình liên kết sản xuất. Ngành chè có mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chè chất lượng cao giữa Công ty CP Long Đỉnh và các hộ gia đình, với tổng diện tích 50 ha/45 hộ gia đình.
Khách đến tham quan vườn trà Long Đỉnh. |
Bà Trần Phương Uyên, Phó Giám đốc Cty CP Long Đỉnh cho biết, công ty có 50 lao động chính thức và 50 lao động thời vụ. SX gần 30 chủng loại sản phẩm được ưa thích trên thị trường, lương bình quân 6 triệu/người/tháng. Vào mùa cao điểm được 10 triệu/tháng. Từ khi phát triển thêm mảng du lịch, thu nhập của nhân viên tăng hơn 20% mỗi tháng.
"Ngay từ đầu chúng tôi đã chăm chút phong cảnh để người lao động thêm yêu nơi mình làm việc. Khi xu hướng du lịch sinh thái ngày càng phát triển, chúng tôi làm từng bước, mọi bước phát triển phải luôn đảm bảo tiêu chí bảo vệ được môi trường sản xuất mà công ty đã gây dựng", bà Uyên chia sẻ. |