| Hotline: 0983.970.780

Làng quê ngày cận Tết: Làng nhang trầm 'chạy hết công suất'

Thứ Năm 16/01/2025 , 06:00 (GMT+7)

Gần 2 tháng nay, làng nghề xoi trầm hương, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tất bật, ‘chạy hết công suất’ để kịp làm nhang trầm phục vụ nhu cầu dịp Tết.

Người dân làng nghề xoi trầm hương phơi nhang trầm để cung ứng thị trường dịp Tết. Ảnh: KS.

Người dân làng nghề xoi trầm hương phơi nhang trầm để cung ứng thị trường dịp Tết. Ảnh: KS.

Hương trầm ngày càng lan tỏa

Những ngày này, tại làng nghề xoi trầm hương, ở thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), không khí hoạt động diễn ra nhộn nhịp hơn bao giờ hết, người người, nhà nhà tất bật xoi trầm - gọt bỏ cây dó bầu để lấy phần lõi trầm bên trong, cũng như làm nhang trầm các loại (nhang tăm, nhang nụ, nhang không tăm) để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều cơ sở phải thuê thêm công nhân, trả lương theo sản phẩm để có đủ hàng trả khách.

Điển hình như tại cơ sở trầm hương Châu Giang của bà Nguyễn Thị Kim Oanh, từ tháng 11 đến nay luôn duy trì 6 lao động làm việc tại chỗ và 6 lao động nhận sản phẩm về nhà để xoi trầm cả ngày lẫn đêm. Có như vậy, cơ sở này mới đáp ứng các đơn đặt hàng gồm bột trầm, nhang trầm, vòng tay trầm hương, tinh dầu trầm hương và nhiều sản phẩm khác làm từ trầm.

Trong đó các sản phẩm như trầm nguyên liệu (trầm sạch), nhang trầm được tiêu thụ mạnh nhất vào dịp cuối năm này. Ngay cả thời điểm chúng tôi đến, nhiều khách hàng ở các tỉnh miền Trung cũng vào cơ sở của bà Oanh thu mua trầm nguyên liệu để đem về làm hương hoặc làm tinh dầu trầm hương.

Cơ sở của bà Oanh tạo nhiều công ăn việc làm từ nghề xoi trầm. Ảnh: KS.

Cơ sở của bà Oanh tạo nhiều công ăn việc làm từ nghề xoi trầm. Ảnh: KS.

Gặp chúng tôi, bà Oanh chia sẻ: “Cơ sở của chúng tôi làm nghề xoi trầm hương quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán là mùa tiêu thụ nhang trầm lớn nhất trong năm. Vào vụ Tết, nguồn hàng cung cấp cho khách tăng gấp 2-3 lần so với những tháng thường ngày”.

Theo bà Oanh, nguyên liệu hiện nay để làm ra sản phẩm trầm hương nói chung và nhang trầm nói riêng hoàn toàn từ cây dó bầu trồng. Những cây này được trồng từ 10 năm tuổi trở lên tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, sau đó được cấy men vi sinh để tạo ra trầm nhân tạo.

“Từ khi cấy đến khi tạo ra trầm mất ít nhất 24 tháng mới thu hoạch. Tuy nhiên nếu mình để cây càng lâu, chưa khai thác thì càng có giá trị. Mỗi cây có giá trị từ hàng triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng, tùy cây có trầm nhiều hay ít”, bà Oanh nói và cho biết thêm, hiện nay cơ sở của bà ngoài cung cấp cây giống dó bầu, còn bán men vi sinh cấy trầm cho đến thu mua, khai thác chế biến các sản phẩm từ trầm hương.

Khẩn trương ngày đêm để đáp ứng nhu cầu khách hàng

Điều vui mừng là sau hơn 20 năm hoạt động, cơ sở trầm hương Châu Giang ngày càng lan tỏa, được người tiêu dùng khắp cả nước tin dùng sản phẩm, nhưng tiêu thụ mạnh nhất là tại TP.HCM.

Bộ sản phẩm nhang trầm nụ được cơ sở trầm hương Châu Giang đưa vào hộp quà mát mắt. Ảnh: KS.

Bộ sản phẩm nhang trầm nụ được cơ sở trầm hương Châu Giang đưa vào hộp quà mát mắt. Ảnh: KS.

Giá sản phẩm trầm cảnh mỹ nghệ không cố định mà phụ thuộc vào chất lượng, độ tuổi trầm, hình dáng, kích thước từ hàng triệu đồng, hàng chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng. Còn đối với giá các loại nhang dao động từ 100.000 đồng/kg đến 3 triệu đồng/kg, thậm chí lên đến hàng chục triệu đồng/kg nhưng khách phải đặt hàng mới có.
Rời cơ sở bà Oanh, chúng tôi đến nhà anh Phạm Hữu Nghĩa (40 tuổi), cũng ở thôn Phú Hội 1, hiện gia đình đang bận rộn công việc làm các sản phẩm từ trầm hương để bỏ sỉ cho khách hàng thân thiết có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết này, nhất là nhang trầm.

Anh Nghĩa cho biết, gần 2 tháng nay, cơ sở của anh đã tập trung nhân lực, khẩn trương sản xuất nhang trầm để cung ứng thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đến nay, gia đình anh đã cung ứng gần 1 tấn nhang trầm các loại, gấp 2-3 lần so với ngày bình thường. Trong khi đó, hiện anh còn nhiều đơn hàng đặt nhang trầm với số lượng vài tạ chưa kịp làm xong.

Tại cơ sở của anh Nghĩa, nhang trầm sản xuất ra cũng nhiều loại với giá bán từ 100.000 đồng/kg cho đến hàng triệu đồng/kg, tùy vào nguyên liệu có chất lượng trầm nhiều hay ít. Đặc biệt, sản phẩm nhang trầm không tăm có giá lên đến 10 triệu đồng/kg.

Anh Nghĩa cho biết, gần 2 tháng nay gia đình đã cung ứng cho thị trường gần 1 tấn nhang trầm. Ảnh: KS.

Anh Nghĩa cho biết, gần 2 tháng nay gia đình đã cung ứng cho thị trường gần 1 tấn nhang trầm. Ảnh: KS.

Sản phẩm nhang trầm của anh Nghĩa cam kết sử dụng 100% trầm hương tự nhiên, được trộn với bột keo bời lời để kết dính, không pha tạp chất, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây, tại làng nghề này nhiều gia đình đã đầu tư mua sắm máy móc và trang thiết bị làm hương như máy trộn nguyên liệu, máy bắn que. Nhờ đó giúp nâng cao năng suất cũng như sản phẩm làm ra vừa đẹp, vừa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Các sản phẩm trầm hương tại xã Vạn Thắng được ưa chuộng vì chất lượng cao, hương thơm đặc trưng và có giá trị tâm linh, cũng như phong thủy.

Ăn nên làm ra từ nghề xoi trầm hương

Ông Trần Công Đức, Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng cho biết, nếu như Khánh Hòa được mệnh danh là “thủ phủ” trầm hương của cả nước, thì ở thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng được ví như cái nôi của “xứ trầm hương” này.

Hàng trăm năm trước, xã Vạn Thắng là một trong những nơi nổi tiếng thạo nghề “đi điệu”. Người dân quanh năm len lỏi khắp núi cao, rừng thẳm tìm kiếm trầm kỳ (trầm hương - kỳ nam) để kiếm kế sinh nhai.

Thế nhưng khi trầm kỳ tự nhiên cạn kiệt, nhiều người dân địa phương đã bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác. Tuy nhiên sau này khi có sản phẩm trầm hương nhân tạo từ cây dó bầu, làng “xoi trầm” đã hồi sinh như ngày nay.

Một lao động làm công việc xoi trầm. Ảnh: KS.

Một lao động làm công việc xoi trầm. Ảnh: KS.

Theo ông Đức, trước năm 2016, làng nghề trầm hương xã Vạn Thắng chỉ có khoảng 100 hộ làm nghề “xoi trầm”, tuy nhiên đến nay đã phát triển lên khoảng 400 hộ.

Mặt khác trước đây bà con làng nghề chủ yếu làm gia công sản phẩm cho những thương hiệu, nhãn hàng ở TP. Nha Trang, cũng như một số địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, làng nghề đã đủ điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị làm ra nhiều dòng sản phẩm rất tinh xảo và mang lại giá trị cao, nhất là trầm hương mỹ nghệ.

“Riêng trầm hương mỹ nghệ thì ở thôn Phú Hội 1, nghệ nhân là tinh xảo gần như số 1. Vì những người thợ ở đây rất lành nghề, tạo dựng thành cây trầm cảnh nhưng người bình thường nhìn vào không biết đã dán ghép từ nhiều khối trầm nhỏ lại với nhau rất sắc sảo”, ông Đức khẳng định và cho biết thêm, nhờ đó mà đầu ra sản phẩm của làng nghề ngày càng được mở rộng, nhiều hộ gia đình đã ăn nên làm ra, cũng như có của ăn của để.

Theo ông Huỳnh Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận công nhận làng nghề ‘xoi trầm’ hương ở thôn Phú Hội 1. Làng nghề phát triển đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động từ thanh niên, phụ nữ và người lớn tuổi tại địa phương.

Ngày 20/12 vừa qua, lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa đã trao quyết định của UBND tỉnh về việc công nhận làng nghề xoi trầm hương, xã Vạn Thắng là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội để làng nghề thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm, cũng như giúp bà con tăng thêm thu nhập.

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.