| Hotline: 0983.970.780

Nhiều đặc sản OCOP ở Hưng Yên độc đáo, khó 'đụng hàng'

Thứ Tư 20/11/2024 , 12:16 (GMT+7)

Những đặc sản OCOP dưới đây chỉ Hưng Yên mới sản xuất hàng hoá theo quy mô làng nghề truyền thống, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn trở lên.

Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng được rất nhiều  mô hình OCOP độc đáo, chất lượng, khó "đụng hàng", điển hình như long nhãn ôm sen, hạt sen trắng, vải trứng, bột nghệ, gìò gà Đông tảo,...

Những đặc sản này chỉ Hưng Yên có sản xuất hàng hoá theo quy mô làng nghề truyền thống, mỗi năm xuất bán ra thị trường từ trăm tấn/năm trở lên. OCOP bột nghệ 4 sao của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu ở xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, là một trong những dẫn chứng mới nêu.

Mô hình trồng và chế biến bột nghệ của Công ty  TNHH Hoàng Minh Châu vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, khích lệ. 

Mô hình trồng và chế biến bột nghệ của Công ty  TNHH Hoàng Minh Châu vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, khích lệ. 

Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu cho biết, giống nghệ vàng được trồng ở xã Chí Tân rất lâu đời, nhưng chỉ từ năm 2000 lại đây, các loại củ từ cây trồng này mới được chế biến sâu, tạo thành các sản phẩm có giá trị hàng hoá cao. Sản phẩm mới dừng ở mức sản xuất để bán cho người tiêu dùng làm gia vị nấu ăn, cũng đã giúp nâng cao giá trị canh tác cây nghệ lên gấp 3 - 5 lần so với thâm canh trong cùng diện tích.  

Không bằng lòng với hiệu quả sản xuất nghệ nói trên, ông Đông đã tìm hiểu thấy, củ nghệ ngoài giá trị làm thực phẩm, còn có giá trị dược liệu hỗ trợ giảm triệu chứng viêm loét dạ dày, tá tràng, chống lão hoá, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa ung thư trên người,... Dựa theo những hiểu biết này, ông Đông đã mạnh dạn vay tiền, đầu tư dây truyền điện máy, chế biến sản phẩm củ nghệ tươi thành tinh bột, mang gửi bán tại các hiệu thuốc tân dược. Không ngờ, tinh bột nghệ của ông Đông được nhiều người tiêu dùng hào hứng đón mua, sản phẩm làm ra tới đâu được thương lái đặt hàng bao tiêu hết tới đó.

Các sản phẩm chế biến từ củ nghệ vàng của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu. Ảnh: Hải Tiến.

Các sản phẩm chế biến từ củ nghệ vàng của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu. Ảnh: Hải Tiến.

Phấn khởi với thành công ban đầu, ông Đông quyết định dấn thân, thuê mượn lao động, thành lập Công ty TNHH Hoàng Minh Châu (Công ty), mở rộng quy mô sản xuất, rồi mang tinh bột nghệ đi giới thiệu tại một số hội chợ thương mại quốc tế, cũng được các quốc gia Trung Đông, Trung Quốc và Ấn Độ ký hợp đồng thu mua thường xuyên, giúp ông Đông tăng nhanh thu nhập.

Cách làm hiệu quả của ông Đông đã tạo được phong trào trồng và chế biến bột nghệ rộng khắp các địa phương trong nước. Nhưng đó lại là lúc, ông Đông phải đứng trước lựa chọn khó khăn, hoặc coi như đã hết thời hoặc tiếp tục lấy lại đà sản xuất trước, bởi thị phần tiêu thụ bột nghệ của Công ty bị các sản phẩm cùng loại từ các địa phương trên, cạnh tranh rất quyết liệt. Trong khi muốn phục hồi sản xuất nhưng chưa biết bắt đầu làm từ đâu, ông Đông được Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên, giúp quy hoạch vùng sản xuất nghệ vàng theo quy trình GACP-WHO (quy trình trồng trọt và thu hái theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới) và hỗ trợ cho tham gia các hội chợ thương mại của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình. Ngoài ra còn giúp quảng bá bột nghệ trên các sàn thương mại điện tử voso.vn, shopee.vn, postmart.vn và trên website http//ocophungyen.vn; http//ketnoiocop.vn.

Chứng nhận OCOP 4 sao cho các sản phẩm bột nghệ sản  xuất từ Công ty TNHH Hoàng Minh Châu. Ảnh: Hải Tiến.

Chứng nhận OCOP 4 sao cho các sản phẩm bột nghệ sản  xuất từ Công ty TNHH Hoàng Minh Châu. Ảnh: Hải Tiến.

Nhờ vậy, ông Đông đã tiếp tục đầu tư thêm dây truyền máy móc chế biến công nghệ cao, chiết xuất được các dòng bột nghệ chất lượng đặc biệt, rất khó "đụng hàng" như Curcumin, Nano Curcumin, sữa Nano Curcumin và kem nghệ. Kết hợp với tích cực quảng bá giới thiệu sản phẩm tại một số thị trường quốc tế, Công ty của ông Đông đã từng bước khôi phục được tiến độ sản xuất trước đây, mở rộng xuất khẩu chính ngạch bột nghệ sang các quốc gia tiêu dùng khó tính như Nhật Bản và EU. Đồng thời thu hút được hàng triệu người dân trong nước tin dùng, tạo dựng được vị trí đáng kể trong ngành dược liệu Việt Nam. Được các siêu thị Big C, Aeon, Vimart+ nhận hợp đồng bao tiêu ổn định, nên được rất nhiều lãnh đạo đến thăm, khích lệ mô hình.

Hiện tại mỗi năm, Công ty giúp các nhà nông liên kết sản xuất trên địa bàn, tiêu thụ trên 3.000 tấn nghệ củ tươi các loại, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 - 15 lao động tại địa phương, góp phần gieo trồng ổn định 400ha nghệ ở huyện Khoái Châu. Và nâng giá trị thu hoạch của xã Chí Tân đạt 800 triệu đồng/ha canh tác/năm.

Để tăng cao giá trị thu nhập các nhà nông xã Chí Tân thường trồng nghệ xen canh với cây lạc. Ảnh: Hải Tiến.

Để tăng cao giá trị thu nhập các nhà nông xã Chí Tân thường trồng nghệ xen canh với cây lạc. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Lê Văn Thắng, Chi cục Trưởng PTNT Hưng Yên, đánh giá, ông Hoàng Quang Đông là nhà nông rất năng động, dám nghĩ, dám làm và biết cách làm tăng giá trị thu nhập cho sản phẩm. Đến nay, các loại bột nghệ sản xuất từ Công ty TNHH Hoàng Minh Châu đều được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 4 sao năm 2019. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan, thẩm định để đề nghị tỉnh cấp chứng nhận OCOP 5 sao cho sản phẩm này.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, nghệ vàng trồng ở Chí Tân có hàm lượng dược tính cao nhất nước, do trong đất canh tác chứa nhiều vi lượng quý hiếm, không thể thay thế. Giữa tinh bột nghệ với Curcumin cũng có sự khác nhau cách biệt, như để tạo ra 1kg tinh bột nghệ hoặc 0,2g Curcumin, phải đưa vào chế biến trên 30kg nghệ củ tươi chất lượng tốt; để tạo ra Nano Curcum, phải cần khối lượng nghệ tươi cao hơn gấp bội. Uống Curcumin, cơ thể sẽ hấp thu các dược tính trong nghệ tốt hơn rất nhiều so với tinh bột nghệ. Đặc biệt cơ thể người sẽ hấp thu toàn bộ dược tính của nghệ khi dùng Nano Curcumin, vì sản phẩm này được tinh chế dưới dạng phân tử, cho phép truyền trực tiếp qua mạch máu. 

"Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về chương trình mỗi xã một làng nghề, các cấp ngành của Hưng Yên đã triển khai nhiều giải pháp tiến hành đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh xuống cơ sở, nên đã hình thành được hơn 50 chủ thể (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xã, hộ kinh doanh) OCOP tiêu biểu thuộc đủ các lĩnh vực, nông lâm thuỷ sản, đồ uống, dược liệu, sinh vật cảnh, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng,..

Các chủ thể này đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho rất nhiều lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao bền vững giá trị gia tăng và kinh tế tuần hoàn, kết hợp ứng dụng chuyển đổi số, bảo tồn các giá trị văn hoá, thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM thông minh trên địa bàn theo chiều sâu thiết thực, hiệu quả", ông Lê Văn Thắng, Chi cục Trưởng PTNT Hưng Yên, thông tin thêm.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.