"Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Việt Nam đã định vị mục tiêu phát triển nông nghiệp là hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nền nông nghiệp phát triển bền vững có trách nhiệm. Chúng tôi đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo sự kết hợp đa giá trị.
Tất cả những điều đó tôi đọc được trong quyển Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam năm 2016 do Wolrd Bank biên soạn, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam", Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin tới bà Crolyn Turk Giám đốc Quốc gia Wolrd Bank tại Việt Nam.
Theo ông, tài liệu về Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam này đã chỉ ra được những thành tựu và điểm nghẽn của nông nghiệp Việt Nam. Trong đó có nhiều mô hình trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi.
Bộ trưởng mong muốn Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ, tư vấn của Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia trong quá trình xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp. Từ đó, Việt Nam sẽ nhân rộng ra các vùng miền khác nhau để cải thiện đời sống của bà con nông dân.
"Tôi nắm bắt được giá trị cốt lõi của Ngân hàng Thế giới cũng như nhiều sự tài trợ khác. Đồng thời cũng vận dụng để tạo ra hệ sinh thái gồm khu vực công lẫn khu vực tư để tạo ra sự cân bằng, cũng như với mối quan hệ hài hòa giữa 2 khu vực này. Để nó mang tính chất lan tỏa và phát triển bền vững hơn", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tư vấn chính sách, chiến lược, đổi mới thể chế. Để làm sao khơi gợi được hết sức mạnh của khu vực công cũng như khu vực tư, của doanh nghiệp nông nghiệp cũng như của người nông dân, các hợp tác xã. Từ đó xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.
"Chính phủ Việt Nam đã có nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan tới chuyển đổi mô hình nông nghiệp thích ứng với suy giảm tài nguyên nước, thời tiết cực đoan. Cần có sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp ở khu vực này, không chỉ độc tôn cây lúa mà cần có các mô hình tích hợp đa giá trị hơn. Đơn canh xen lẫn đa canh, thâm canh xen lẫn quảng canh, những mô hình thích ứng với từng vùng sinh thái, vùng ngọt, vùng lợ, vùng mặn".
Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng đưa ra các hướng cần Ngân hàng Thế giới ưu tiên hỗ trợ như phòng chống thiên tai, an toàn hồ đập và các hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, đặc biệt là nước sạch, môi trường nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các nội dung, đề xuất đối với việc hỗ trợ các tỉnh trong xây dựng dự án mới và điều phối với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trong việc trình duyệt.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cần tiếp tục ủng hộ, phối hợp với Bộ NN-PTNT trong xây dựng, hoàn thiện đề xuất các dự án vốn vay đã bàn thảo. Các định hướng ưu tiên trong lĩnh vực thủy sản, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bà Carolyn Turk nói Wolrd Bank là đối tác chặt chẽ với Bộ NN-PTNT trong 25 năm qua và mong muốn mối quan hệ này càng gắn bó hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ về Đồng Tháp, Giám đốc Quốc gia Wolrd Bank tại Việt Nam cho biết so với những gì bà thấy vào những năm 1990, địa phương này đã có rất nhiều thay đổi về nông nghiệp, về cảnh quan, về đa dạng cây trồng.
Bà cho rằng đây là thành công của nông nghiệp Việt Nam trong đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập của người nông dân, tăng năng suất nông nghiệp. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Wolrd Bank, những thách thức trong 10 năm tới sẽ khác và khó khăn hơn so với 25 năm vừa qua.
"Hiện nay các yếu tố tác động đến vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm trong thương mại nông sản. Việt Nam là quốc gia có sản lượng gạo lớn, xuất khẩu vào nhóm hàng đầu thế giới nhưng đây là sản phẩm có lượng phát khải carbon lớn. Chúng tôi hy vọng rằng, có thể phối hợp với Việt Nam để có được ngành nông nghiệp phát thải carbon thấp trong tương lai", bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Về thủy sản, bà Carolyn Turk cũng bày tỏ sự lo ngại về tính bền vững của lĩnh vực này, mặc dù đang tăng trưởng rất tốt.
"Chúng tôi muốn hỗ trợ để duy trì trữ lượng thủy hải sản bền vững cho Việt Nam, giúp các bạn có một ngành ngư nghiệp mạnh trong tương lai", Giám đốc Quốc gia Wolrd Bank tại Việt Nam chia sẻ thêm.
Đánh giá cao vai trò của nông nghiệp bền vững, bà Carolyn Turk cho rằng, trong tương lai, bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng và sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông sản có lượng phát thải carbon thấp.
Đại diện Wolrd Bank cũng cho rằng Việt Nam đang quản lý nguồn nước chưa hiệu quả so với nhiều quốc gia trên thế giới, đây là vấn đề cần được quan tâm.
"Chúng ta phải tính đến việc làm sạch nguồn nước càng sớm càng tốt, vì làm sớm chi phí sẽ rẻ hơn", bà Carolyn Turk phân tích thêm.
Trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đại diện Wolrd Bank tại Việt Nam nhấn mạnh cần xử lý để đem lại lợi ích cho nông dân và nông thôn.
"Tất cả những vấn đề trên đây đều rất quan trọng và Wolrd Bank sẵn sàng tiếp tục làm việc với Bộ NN-PTNT, hỗ trợ nguồn tài chính để có thêm những dự án trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ vì nếu các dự án thiết kế chậm thì lúc phê duyệt xong đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp nữa", bà Carolyn Turk khẳng định.
Đáp lại những ý kiến của bà Carolyn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: "Cách tiếp cận của tôi trong những năm qua cũng lấy từ các giá trị của cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới. Từ khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, tôi đã định vị công việc của tôi là tiếp tục định hình lại một nền nông nghiệp với tư duy chuyển đổi mô hình, cách thức tăng trưởng chứ không phải chuyển đổi trồng cây gì, nuôi con gì".
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đứng trước 3 chữ "biến" rất lớn gồm: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế của tiêu dùng thế giới. Hiện nay, người tiêu dùng không phải mua nông sản bằng giá cả mà họ mua bằng giá trị của nó. Giá trị của nông sản bao gồm rất nhiều vấn đề như chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
"Tôi sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL, hằng ngày tôi ngửi thấy mùi thuốc BVTV nên tôi hiểu được đó là vấn đề lớn. Mọi người thường nói về phát triển bền vững, câu nói đó thì dễ nói. Nhưng để tư duy được thế nào là bền vững thì đó là cả một vấn đề giữa thực tế của ngành nông nghiệp đang chuyển đổi và định hướng phát triển.
Theo tôi bền vững trong nông nghiệp là chúng ta để lại được một hệ sinh thái cho con cháu chúng ta. Chứ không phải lấy hết đi ở thế hệ này rồi để lại sự biến dạng hệ sinh thái, mất đi sự đa dạng sinh học và ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người tiêu dùng, hàng chục triệu hộ nông dân", Bộ trưởng chia sẻ.
Hiểu được những trăn trở của Ngân hàng Thế giới và cá nhân bà Carolyn Turk về dự án hỗ trợ an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển thủy sản bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết:
"2 dự án đó còn đang chậm, chưa được như kỳ vọng của Ngân hàng Thế giới. Đây là 2 dự án tiêu biểu, cá nhân tôi thấy đây là 2 dự án mang tính cấp bách đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Đó là những vấn đề có liên quan tới hình ảnh của Việt Nam. Bộ NN-PTNT sẽ sớm rà soát và tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại đối với 2 vấn đề này".