Lượng trữ nước ở Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến trạm Kratie (Campuchia) là 2 yếu tố thượng lưu quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến nguồn nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho thấy, tại Biển Hồ (Tonle Sap) đang trong giai đoạn xả nước, dung tích còn khoảng 4,48 tỷ m3. So sánh với dữ liệu mùa khô 2015 - 2016 và 2019 - 2020 cho thấy, dung tích này hiện cao hơn từ 1,75 - 1,89 tỷ m3.
Còn tại trạm Kratie, tính đến ngày 30/1, mực nước ở mức 7,38m, cao hơn khoảng 0,2m so với mùa khô 2023 - 2024.
Bên cạnh đó, từ ngày 24/1 - 30/1, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 658 m3/s - 1.110 m3 /s. Đây được xem là xả ở mức thấp so cùng thời điểm ở các năm trước.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, dòng chảy về ĐBSCL sẽ giảm nhanh, làm mặn xuất hiện sớm trên các cửa sông. Cụ thể, trong tháng 1/2025, mặn đã vào sâu trên các cửa sông và sẽ đạt đỉnh từ tháng 2 - 4/2025.
Trong tuần qua, mặn tăng cao và tiếp tục duy trì ở mức cao những ngày đầu năm mới. Đến hôm nay ngày 3/2, ranh mặn đạt đỉnh 4g/l cao nhất, cách biển 40 - 45km trên các nhánh sông Tiền; 50 - 55km trên nhánh sông Hàm Luông; 55 - 60km trên nhánh sông Cổ Chiên và 48 - 53km trên nhánh sông Hậu và sau đó có xu thế giảm nhẹ.
Cơ quan chuyên môn nhận định, ở vùng ven biển ĐBSCL, gồm các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, mặn đã ảnh hưởng, nguồn nước trữ giảm nhanh. Do đó, cơ hội lấy nước bổ sung là hiếm.
Những ngày cuối tuần, khi mặn được dự báo sẽ giảm, các địa phương cần tranh thủ cơ hội lấy nước ngay khi có thể. Ngoài ra, để đảm bảo sản xuất trong các tháng mùa khô, cần tăng cường giám sát mặn, tranh thủ tích nước, bơm gạn ngọt khi triều rút và cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên.
Đồng thời, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, hạn chế tiêu thoát nước, sử dụng tiết kiệm nước, giám sát chặt chẽ chất lượng nước, tranh thủ lấy nước vào cuối tuần khi có thể để đảm bảo nước cho sản xuất.
Với dự báo mặn xâm nhập mùa khô 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt từ tháng 2 - 4 là thời kỳ mặn cao, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề nghị các địa phương ven biển cần chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.
Xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật. Do vậy, các địa phương cần xem xét giãn diện tích lúa đông xuân muộn, chuyển đổi sản xuất và chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ và sử dụng nước hợp lý. Đặc biệt, nước đảm bảo cho các vùng ăn Trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng.
Các địa phương cần chủ động xuống giống sớm nhằm né thời kì mặn cao nhất ở giai đoạn cuối tháng 2 - 4 (với ranh giới mặn 4g/l từ 45-65km từ cửa sông) và tích trữ nước hợp lý sẽ đảm bảo nguồn nước cho sản xuất đủ diện tích theo kế hoạch hàng năm của các địa phương.
Theo thống kê, tổng diện tích đã xuống giống vụ đông xuân ở ĐBSCL tính đến 17/1 là 1.445.263 ha, đạt 97% so với kế hoạch. Tập trung chủ yếu ở Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Một số địa phương ven biển có diện tích chưa xuống giống tính đến ngày 17/1 khoảng hơn 5.000ha như Tiền Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.