Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống Covid-19 đang xây những vùng an toàn trong 19 tỉnh, thành phía Nam. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành tự xây dựng bộ quy chuẩn cho những vùng này, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp.
Tin mừng, theo Thứ trưởng Nam, là khó khăn giờ chỉ còn nằm ở phía những HTX, hộ nông dân nằm ngoài các chuỗi giá trị. Thứ trưởng cam kết sẽ sớm xây dựng các mô hình, để mở rộng chuỗi. Các doanh nghiệp đã đồng ý, và chờ dịch lắng sẽ tiến hành.
“Vấn đề chủ động vẫn thuộc về các địa phương. Đề nghị UBND các tỉnh nắm địa bàn sát hơn nữa, lắng nghe các doanh nghiệp hơn nữa để duy trì sản xuất rau củ quả mùa vụ, thu hoạch lúa Hè Thu, gieo trồng lúa Thu Đông, nuôi tôm giống”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam hứa sẽ cùng Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phạm Anh Tuấn làm việc ngay khi ra Hà Nội, để rốt ráo các vấn đề liên quan. Quan điểm của Bộ NN-PTNT là tiếp tục duy trì sản xuất bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam biểu dương một số cơ sở sản xuất đã hoạt động, dù số nhân công chỉ khoảng 30%. Khó khăn của công nhân những cơ sở này, chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, là tiếp cận với nguồn lương thực, thực phẩm. Họ khó tiếp cận nguồn tiếp tế của chính quyền địa phương, bởi hầu hết là người dân tỉnh khác.
“Đề nghị các doanh nghiệp, các tỉnh lân cận chia sẻ khó khăn với TP.HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam đang giãn cách nói chung. Chúng ta không được để nỗi sợ nạn đói nhen lên khi duy trì phương án 3 tại chỗ”, Thứ trưởng kết luận.
Chủ động tạo 'vùng xanh' cho tiêu thụ nông sản nội tỉnh
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, mấu chốt lớn nhất hiện nay là bị đứt gãy chuỗi cung ứng, cả tiêu thị trong nước và quốc tế.
“Theo tôi, đây là hệ quả của các quy định chống dịch và các địa phương triển khai quá tay. Chúng ta chống dịch nhưng không tính đến yếu tố hậu cần cho người dân”, ông Tuấn nói. "Trước mắt, cần giải quyết vấn đề về hàng thiết yếu, hiện đã được xử lý bằng việc thay 'hàng hóa thiết yếu' bằng 'hàng hóa cấm lưu thông'. Lúc này, lưu thông hàng hóa trên đường sẽ được giải quyết".
Về xét nghiệm, đặc biệt với đội ngũ lái xe, Sở Y tế các tỉnh có thể tư vấn thêm, hoàn toàn có thể điều chỉnh về thời hạn, nhất là với những người tuân thủ “một cung đường, hai điểm đến”.
“Các tỉnh phải nghiên cứu để đưa ra được quy định phù hợp, tránh tình trạng suốt ngày chỉ đi xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu”, Thứ trưởng Tuấn nói. "Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chủ động kiến nghị với lãnh đạo địa phương để có cơ chế linh hoạt để hoạt động. Với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp nhưng chưa kịp tiêm, cần đẩy mạnh xét nghiệm và tuân thủ 5K".
"Với các tỉnh, cần chủ động tạo ra 'vùng xanh' cho tiêu thụ nông sản của chính địa phương mình, điển hình như các làm của Bắc Giang: Cho xe nằm trong vùng thu hoạch, ra đến cửa ngõ sẽ có xe trung chuyển vận chuyển đi tiêu thụ", ông Phạm Anh Tuấn gợi ý.
Cũng theo ông Tuấn, các tỉnh cần tạo điều kiện cho lực lượng shipper hoạt động: “Càng siết chặt giãn cách, càng phải tạo điều kiện cho shipper làm việc, kèm theo đó là quản lý chặt để ngăn chặn dịch”.
Với các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Tuấn nói VNPost và Viettel có thể tham gia vào quá trình cung cấp hàng hóa, bên cạnh đó hỗ trợ bà con đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, chủ đạo là Postmart và Vỏ sò.
Theo Thứ trưởng, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ chỉ đạo thêm về công tác truyền thông, thông tin, thúc đẩy quá trình tiêu thụ nông sản.
Cấp giấy giới thiệu cho các đội sản xuất, thu hoạch thuận tiện di chuyển
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, việc vận chuyển hàng hóa có gặp khó khăn trong vài ngày đầu giãn cách, nhưng sau đó, nhờ các đơn vị tạo điều kiện, hàng hóa đã lưu thông tốt hơn mà vẫn đảm bảo được an toàn phòng dịch.
"Tuy nhiên, giữa các tỉnh hiện nay, quy định về vận chuyển chưa thống nhất, do đó rất mong có chỉ đạo thống nhất giữa các địa phương để các doanh nghiệp nắm được để phòng dịch tốt nhưng không bị đứt gãy chuỗi cung cấp", ông Nhơn nêu ý kiến.
Đáp lời ông Nhơn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Sở NN-PTNT Cần Thơ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thu hoạch bằng cách tổ chức test nhanh hoặc tiêm vacxin cho công nhân.
Về việc đưa người lao động ra đồng sản xuất, thu hoạch, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc, do đó, Bộ NN-PTNT sẽ sớm có văn bản đến các địa phương để giải quyết. Phương án có thể là giấy giới thiệu của Sở NN-PTNT các tỉnh cấp cho các đội sản xuất, thu hoạch nông sản để di chuyển qua các chốt kiểm soát.
Cho shipper siêu thị ra đường sau 18h
“Hiện tại Đồng Nai đang đóng chợ truyền thống, nên khách dồn vào siêu thị. Nếu người dân không được ra đường sau 18h, shipper siêu thị cũng không thể giao hàng. Nhiều shipper đến chốt, lại không giao được cho người dân và phải quay đầu. Trong quá trình ấy, hàng hóa hỏng rất nhiều”, Phó Tổng giám đốc Công ty VinCommerce, đại diện chuỗi siêu thị Vinmart Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nói.
Theo bà Thủy, trong thời gian dịch, hệ thống cung ứng thực phẩm đứt gãy. Hệ thống siêu thị gặp nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu thông cho hàng hóa. Bà Thủy cho biết, nhờ những giải pháp kịp thời của Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, chuỗi siêu thị do bà quản lý đã gặp các nhà cung cấp có uy tín để làm việc lâu dài. Bà đề xuất, những chương trình của Tổ công tác 970 tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Một kiến nghị nữa của bà Thủy là về xem lại thời gian xét nghiệm Covid-19. Hiện việc đăng ký, xếp hàng, và hoàn thiện thủ tục rất lâu. “Trong lúc cấp bách như thế này, việc 3 ngày phải xét nghiệm một lần mất rất nhiều thời gian”, bà Thủy nói.
Thiếu hụt nhân công ở các trang trại
“Các doanh nghiệp trong hiệp hội gặp nhiều khó khăn về kho bãi, vận chuyển, người lao động, thu mua hàng hóa... Các trang trại sản xuất hàng hóa lớn, cần nhân công chuyên nghiệp, cung ứng cho các hợp tác xã, siêu thị. Việc cách ly khiến trang trại thiếu hụt nhân công. Một số thiết bị nông nghiệp thiết yếu để đóng gói hàng hóa xuất khẩu cũng thiếu hụt linh kiện”, ông Lê Duy Minh – Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, cho biết.
Ông Minh mong Tổ công tác 970 tạo điều kiện giúp đỡ, dựa trên ý kiến mà nhiều doanh nghiệp trước đó đã nêu về vận chuyển, nhân công.
Xin gia hạn thời gian ra đường cho đơn vị chế biến
“Các tỉnh, thành phía Nam hiện bị giới hạn giờ ra đường. Mọi khi, công ty thu hoạch từ 4h sáng đến 6h là về cơ sở chế biến, tối 22h mới hết ca. Nhưng hiện nay, chỉ tổ chức sản xuất từ 6h sáng đến 18h tối. Sản lượng chế biến trước là 100 tấn/ngày, giờ chỉ còn khoảng 20-30% năng lực”, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group - thông tin tại diễn đàn.
Ông Tùng kiến nghị gia hạn cho thời gian thu hoạch, chế biến, thay vì khung từ 6-18h như hiện nay. "Với trái cây tươi, hái về phải xử lý ngay, không thể trữ được", ông Tùng nêu lý do.
Sắp tới, Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group sẽ thu hoạch nhãn ở Cần Thơ. Phía địa phương sẽ hỗ trợ việc này nhưng cần người của công ty cần giấy xét nghiệm âm tính. Để đi lại, nhân viên thường phải cần 2 lần xét nghiệm, và không thể đi về trong ngày.
Ông Nguyễn Đình Tùng nêu thêm một khó khăn nữa, đó là việc áp dụng phương pháp “3 tại chỗ”. Một số tỉnh như Bến Tre, giờ không tiếp nhận đăng ký nữa, trong khi việc thu hoạch, sơ chế dừa cần chuyên môn, và mất nhiều thời gian.
“Chúng tôi thường phải thuê nhân công gọt dừa từ nhiều huyện khác nhau. Vì thế, trong mùa thu hoạch, tôi đề nghị kéo dài thời gian xét nghiệm, thay vì 3 ngày. Phía công ty và công nhân sẽ bảo đảm không xảy ra nguy cơ”, ông Tùng nói.
Những khó khăn trong khâu sản xuất đẩy cao chi phí, và đổ tất cả vào giá thành phẩm đầu ra, kể cả việc test nhanh. Chung quan điểm với Công ty Nafoods, ông Tùng cho rằng doanh nghiệp đang phải chịu giá vận chuyển cao, dù container thừa rất nhiều.
Chuyển đổi các điểm bán mặt hàng không thiết yếu
Theo bà Phạm Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc, để người dân dễ dàng tiếp cận với hàng hóa cần thiết, "những điểm bán mặt hàng không thiết yếu có thể xin cơ chế chuyển đổi sang bán những mặt hàng thiết yếu".
Tại diễn đàn, bà Lan nêu một số khó khăn trong việc lưu thông và phân phối hàng hóa. Về quy định vận chuyển, "luồng xanh" ở mỗi nơi một kiểu vận dụng, khiến lưu thông rất khó, đặc biệt vùng giáp ranh. Có những nơi, 2 đầu cầu đã yêu cầu khác nhau. Có nơi còn siết chặt quy định, giấy cho phép 72 giờ, nhưng chỉ lưu thông trong 24 giờ.
Hiện "luồng xanh" chủ yếu cấp cho các xe vận tải. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ, đơn vị đầu mối chủ yếu giao bằng xe máy, loại xe này chưa có giấy nhận diện phương tiện.
Về giấy xác nhận đi đường, nhiều nơi chưa kịp, khiến nhân viên khó đi qua các chốt để đảm bảo khâu bán hàng.
Về chi phí, một số mặt hàng như trứng thịt, giờ đang có áp lực tăng giá.
"Nếu chúng tôi không chấp nhận tăng, có thể bị thiếu hàng cục bộ. Vì vậy, đề nghị các Bộ, ban, ngành có cơ chế hoặc chính sách bình ổn giá để ổn định thị trường", bà Lan mong muốn.
Cùng chung quan điểm về việc tiêm vacxin cho lực lượng lao động, bà Lan cho rằng nhân viên cần được tiêm sớm, vì trong khi bán hàng, nhiều khi không đảm bảo cự ly an toàn 2 mét.
Mong muốn có mức giá sàn cho nông sản
“Chúng tôi muốn mua nhiều hàng cho bà con nông dân. Nhiều hợp tác xã điện cho tôi, nói họ muốn tôi mua nhãn, mua sầu riêng, điều này khiến tôi suy nghĩ, mất ngủ. Tôi kiến nghị chính phủ cho giảm lãi suất, tạo điều kiện về tín chấp, dựa trên nguồn hàng tồn kho”, bà Ngô Tường Vy, đại diện Cty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết.
Đại diện doanh nghiệp nói thêm về việc đã làm công văn gửi tới một số tỉnh tiêu thụ sầu riêng, nhãn như Long An, Đồng Tháp, Nha Trang, Bến Tre... Bà Vy cho biết rất quan tâm đến việc tiêm vacxin cho những nhân sự phải đi lại nhiều. Vấn đề đáp ứng vận chuyển hàng hóa đang là điều khiến doanh nghiệp đau đầu. Cụ thể là chi phí, cước vận chuyển cần được cập nhật mỗi tuần để chúng tôi có thể kiểm soát nguồn lực.
“Cũng xin đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hậu cần hãy chia sẻ. Ví dụ như quả sầu riêng bị tồn kho, thì chi phí là rất lớn. Nếu hàng bị hỏng thì còn đau đầu nữa. Giai đoạn này, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về tài chính. Thông qua chương trình hôm nay, chúng tôi mong muốn Bộ NN-PTNT hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Có thể chúng tôi sẽ mang tiếng, nhưng thực sự tôi mong muốn các hợp tác xã hãy chủ động hơn nữa. Chúng tôi rất mong thông qua các hợp tác xã, tận dụng họ như nguồn lực chi nhánh của công ty. Chẳng hạn như kết hợp để đưa ra mức giá sàn. Không những trong khâu xuất khẩu, mà ngay trong nội địa, chúng tôi đề nghị các siêu thị cũng nên có giá sàn”, bà Vy nói.
Sàn giao dịch Foodconnect mong được hỗ trợ tiêu thụ nông sản khu vực thành thị
Foodconnect là công ty chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển, phân phối nông sản ở khu vực thành thị. Do các quy định về phòng chống dịch, hàng hóa đến tay những người bán hàng không chuyên đang bị dừng lại. Ngoài ra, lực lượng shipper cũng bị hạn chế trong di chuyển, tạo ra khó khăn cho các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử.
Vì vậy, Foodconnect rất mon Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình tiêu thụ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại khu vực thành thị.
Bài học kinh nghiệm từ cung ứng, tiêu thụ vải của Bắc Giang
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông), “Kinh nghiệm của Bắc Giang là liên Bộ cùng UBND tỉnh cùng vào cuộc quyết liệt, để vừa đảm bảo nguồn cung, lực lượng sản xuất, vừa hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm thị trường”, ông Đường nói.
Vào tháng 5/2021, Bắc Giang giãn cách theo Chỉ thị 16, lúc ấy các tỉnh mới có lác đác bệnh nhân, nhưng Bắc Giang đã đưa ra 3 quyết sách mạnh mẽ:
Một là lập các chốt kiểm soát vào khu vực trồng vải, nhưng không cực đoan, mà tạo điều kiện cho xe vào vùng thu hoạch, đảm bảo luồng vận tải thông thoáng. Lãnh đạo tỉnh đã kết nối với nhiều tỉnh, từ Lạng Sơn đến TP. HCM, để cho xe vải vào.
Hai là đẩy mạnh tiêu thụ online trên sàn thương mại điện tử.
Ba là đẩy mạnh xuất khẩu qua các cửa khẩu.
Nhờ 5 Bộ: NN-PTNT, Công thương, Thông tin - Truyền thông, GTVT và Ngoại giao, cùng vào cuộc, Bắc Giang vẫn làm lễ ra quân thu hoạch, tiêu thụ vải để hoàn thành mục tiêu kép và đạt kết quả khả quan.
Sản lượng vải tăng 30%, lên tới hơn 200.000 tấn vải đã được tiêu thụ, trong đó gần 60% tiêu thụ nội địa. Đây là thành quả từ cách làm mới. Doanh thu đạt hơn 6.000 tỷ, với giá khoảng 25.000 đồng/kg vải. Không ai nghĩ trong dịch có thể làm được điều này.
Qua sàn thương mại điện tử, Bắc Giang có khoảng 1,2 triệu đơn hàng trong vòng 5 ngày, với khoảng 8.000 tấn vải được tiêu thụ. 63 tỉnh, thành phố đều có vải, trong đó nhiều tỉnh lần đầu ăn vải, nhờ cam kết 48 tiếng vận chuyển. Cũng qua mùa thu hoạch 2021, lần đầu Việt Nam xuất khẩu xuyên biên giới qua sàn thương mại điện tử.
“Đây là kinh nghiệm cho các tỉnh. Bởi để đảm bảo được lưu thông hàng hóa, cần nhiều Bộ, ban, ngành. UBND tỉnh phải quán triệt hoàn toàn được vấn đề này”, ông Đường cho biết.
Chia nhỏ điểm bán hàng tới từng điểm cách ly
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà Foods cho biết chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng là việc rất bức thiết. Đâu đó ách tắc là do người tiêu dùng không biết đi đâu mua. Sức mua của người tiêu dùng hạn chế, do phải xếp hàng ở các siêu thị, và không có đủ những mặt hàng họ cần.
Nghịch lý ở chỗ sản phẩm ở nông trại thì dư thừa, mà không cách nào đưa đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, cây trồng, vật nuôi có giới hạn nuôi trồng, không thể kéo dài mãi.
"Tôi mong muốn đặt những điểm test nhanh trên các tuyến vận tải. Còn về hệ thống siêu thị, tôi mong muốn các bộ, ngành đưa ra giải pháp là chia nhỏ ra các điểm do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đứng ra hỗ trợ ở các khu cách ly. Như thế sẽ giảm tải việc xếp hàng ở siêu thị. Các hộ nông dân cũng nên chia nhỏ các kiện hàng để nhanh chóng đến tay người tiêu dùng", bà Hà đề xuất.
Cần tập trung vào cả khâu sản xuất
Đại diện Công ty Huy Long An phân tích, "nếu không tập trung vào sản xuất mà chỉ quan tâm đến cung ứng thì chuỗi sẽ bị gián đoạn trong vòng 2 tháng tới".
Theo vị đại diện, tình hình dịch bệnh hiện nay khác với tháng 5, số người mắc có thể đến hàng ngàn người/ngày. Do đó, cần có sự chia sẻ với các địa phương để đảm bảo công tác chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.
Mặc dù vậy, vẫn có những chỉ đạo quá tay, gây ra khó khăn không cần thiết. Hiện nay, những nơi đang đến vụ thu hoạch như nhãn, chanh, lúa, sầu riêng đang bị ách tắc do đội ngũ thu hoạch bị đứt gãy do yêu cầu công nhân chuyên biệt.
Do đó, phía công ty có một số kiến nghị như sau.
Về thu hoạch, đối với lực lượng lao động này cần được di chuyển từ huyện sang huyện, từ tỉnh sang tỉnh. Mặc dù khó, nhưng phải có cơ chế kèm theo các yêu cầu về đảm bảo an toàn dịch bệnh và họ cần được xếp thứ tự ưu tiên trong tiêm vacxin. Ngoài ra, chúng ta cần làm vật tư sản xuất nông nghiệp được lưu thông thông thoáng hơn để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.
Kiến nghị tiếp theo, cần quan tâm đến lực lượng nhân công làm việc ngoài đồng. Đưa nông dân, công nhân nông nghiệp vào danh sách những người làm việc trong ngành nghề ưu tiên.
Tiếp theo, các lãnh đạo doanh nghiệp cần được đưa đến các trang trại để chỉ đạo sản xuất, tiếp tế cho công nhân của mình.
Kiến nghị siêu thị được sớm mở lại sau phun khử khuẩn
“Chúng tôi rất tôn trọng các quy định của TP.HCM, nhưng hàng hóa ở siêu thị cũng rất cần thiết. Thực tế, chỉ cần có một ca F0 ở siêu thị, thì phải đóng cửa phun khử khuẩn. Mỗi lần như thế mất đến cả tuần để mở lại. Tôi đề nghị chỉ nên đóng cửa 24-72 tiếng. Bởi nếu đóng cửa cả tuần, thì hàng tươi sống, hàng hóa trong đó không biết vận chuyển đi đâu”, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết.
Bà Hậu nói hiệp hội đang nỗ lực phục vụ người tiêu dùng. Vừa chống dịch, vừa không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Khó khăn lớn nhất là khâu vận chuyển hàng hóa. Ngay hôm qua, chúng tôi ghi nhận ý kiến nhiều siêu thị về việc các nhà cung cấp chuyển hàng từ các tỉnh về TP.HCM gặp vướng mắc ở các chốt kiểm soát. Họ nói là đưa giấy tờ ra nhưng chẳng ai cần xem, hàng hóa cứ thế ách tắc”, bà Hậu cho biết.
Lãnh đạo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng không nên đưa ra khái niệm “hàng hóa thiết yếu” nữa, vì nó có thể thiết yếu cho người này, nhưng lại không thiết yếu cho người khác. “Trong thời gian vừa rồi, chúng ta có lẽ quá nghiêng về những mặt hàng như hàng tươi sống, thực phẩm. Bây giờ chúng ta nên 'cởi trói' cho các mặt hàng khác, ví dụ như hàng hóa cho phụ nữ. Các chuỗi siêu thị của chúng tôi trong miền Nam cho biết nếu tiếp tục như hiện tại, thì không thể không đứt gãy”.
Về shipper giao hàng, đi từ quận này sang quận kia của TP.HCM quá khó. Ở Hà Nội cũng vậy, đăng ký cho một shipper phải qua nhiều cơ quan như Sở Công thương, Sở GTVT. Ngoài ra, chuỗi siêu thị AEON Mall cũng gặp trở ngại do nhân viên đi từ nơi này sang nơi kia làm, ví dụ như đi từ Hưng Yên sang Hà Nội, cứ 3 ngày phải test một lần, khiến chi phí tăng cao. Với những lý do này, bà Hậu bày tỏ lo lắng un tắc trong các khâu cộng lại sẽ khiến đứt gãy cung ứng.
“Đi giao hàng đã khổ, về lại khổ lần nữa. Không ít ý kiến từ các nhà cung ứng cho biết nhiều khi còn phụ thuộc vào sự vui buồn của cán bộ ở trạm kiểm soát”, bà Hậu nói.
Trả lời bà Hậu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết các Sở NN-PTNT sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Đến giờ này, đa số hàng đã vào được, không còn vướng mắc. Đề nghị Hiệp hội liên hệ với đường dây nóng của Sở NN-PTNT. Ngay như Đồng Nai, hôm qua tôi đi thực địa ở đây, họ đã liên hệ và lập tức được hỗ trợ”, Thứ trưởng Nam cho biết.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết chính sách sẽ có điều chỉnh, song khâu quan trọng là Hiệp hội phải liên hệ ngay với các Sở NN-PTNT. “Tình hình dịch bệnh còn rất căng thẳng, do đó, chúng ta cần tiếp tục 'chiến đấu'. Vấn đề các siêu thị ở TP.HCM, chúng tôi sẽ liên hệ ngay với thành phố”, Thứ trưởng Nam kết luận.
Sóc Trăng kiến nghị cấp giấy giới thiệu cho các ghe thu mua lúa
Lúa Sóc Trăng đang vào vụ thu hoạch Hè Thu, diện tích vào khoảng 141.000 ha, dự kiến thu hoạch 800.000 tấn và sắp tới sẽ bước vào mùa cao điểm. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhu cầu tiêu thụ cây ăn trái như nhãn, bưởi, chanh, cam, quất. Hiện nay, tỉnh đã cử một doanh nghiệp đại diện đứng ra thu mua cây ăn quả cho toàn tỉnh.
Với lúa, tỉnh đã có giải pháp thu mua tại địa phương, phần còn lại bán cho tỉnh ngoài, tuy nhiên các ghe thương lái đang bị khó tiếp cận. Do đó, Sóc Trăng đồng ý với phương án cho các ghe có giấy giới thiệu của Sở NN-PTNT được di chuyển thuận lợi để đảm bảo công tác thu mua.
Sở NN-PTNT Hà Nội kiến nghị bỏ 'luồng xanh', để lưu thông tự do
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết khó khăn lớn nhất là về lưu thông sản phẩm trong thời điểm giãn cách. Theo ông Tường, thương lái không thể đi từ xã tới xã, thậm chí có thương lái đi mua mà không về được. Sở NN-PTNT Hà Nội đã đề nghị Sở GTVT tạo điều kiện, nhưng chưa được vì số lượng quá lớn.
Với riêng Hà Nội, Sở GTVT hiện giờ phải cấp khoảng 1.000 giấy để lưu thông trên "luồng xanh". Cho đến trưa nay (29/7), nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đăng ký được. Theo ông Tường, nguyên nhân là do các chốt làm việc máy móc.
Ông Tường đề xuất, là chỉ cần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, còn lại cần phải linh động. Sở NN-PTNT Hà Nội kiến nghị bỏ giấy chứng nhận phương tiện, bỏ "luồng xanh", để doanh nghiệp lưu thông tự do và chỉ kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguyên tắc 5K.
“Với Hà Nội, nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn. Khi giãn cách, chúng tôi đã kết nối với các Sở, ban, ngành và các tỉnh. Hiện có 461 cơ sở đã kết nối với Sở NN-PTNT Hà Nội”, ông Tường thông tin thêm.
An Giang kiến nghị ưu tiên hoạt động sản xuất nông nghiệp
Ông Trương Kiến Thọ, PGD Sở NN-PTNT An Giang, cho biết tỉnh này cũng gặp khó khăn giống Long An, với vấn đề chủ yếu nằm ở quả chanh. Nguyên do là các thương lái thu mua chanh đều qua chợ đầu mối và bị ngưng trệ tại đó.
Vấn đề thứ hai là lúa. "Hiện tỉnh đã cố gắng thu hoạch 40% diện tích, nhưng còn 140.000 ha chưa thu hoạch, với sản lượng ước đạt 800.000 tấn”, ông Thọ nói.
Biện pháp hiện tại của An Giang là chia đội ngũ thành 2 nhóm. Nhóm 1 là xử lý trực tiếp gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành. Nhóm thứ 2 là nhóm nắm thông tin từ cơ sở. Trên cơ sở hoạt động của 2 nhóm này, cộng với việc sử dụng 2 số đường dây nóng, của Sở NN-PTNT và Chi cục Trồng trọt, việc sản xuất, lưu thông nội tỉnh tốt.
Theo ông Thọ, An Giang hiện gặp hai khó khăn. Một là lúa đã vào mùa thu hoạch chính, nhưng một số kho như Tổng Công ty lương thực lại giảm sức mua. Điều này khiến thương lái tạm ngưng việc thu mua. Tỉnh An Giang rất lo vì hiện nay có khoảng hàng nghìn ha lúa cần thu hoạch mỗi ngày.
Hai là yêu cầu sản xuất trong mùa dịch cần đảm bảo 3 tại chỗ. Nhưng điều ấy lại khiến công nhân ngại làm, khiến nhà máy xay xát khó hoạt động, và không thể dự trữ.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang kiến nghị hai vấn đề tới Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT. Một là hoạt động sản xuất nông nghiệp nên được xem là thiết yếu, cần được ưu tiên. Cần có chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ bởi một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này. nếu không, người dân sẽ xuống giống muộn vụ Thu Đông, nguy cơ gây mất an ninh lương thực. Hai là lực lượng vận chuyển, thương lái cần được ưu tiên tiêm vacxin để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cước vận tải xuất khẩu đường biển tăng phi mã
Công ty Cổ phần Nafoods Group cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nông sản là lưu thông hàng hóa giữa các điểm trong và ngoài vùng dịch.
“Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí kho bãi nhằm giúp doanh nghiệp tiêu thụ nguyên liệu được nhiều hơn cho bà con. Mặt khác, cước vận tải xuất khẩu đường biển đang tăng "phi mã" nên vô cùng khó bởi khách hàng không tăng giá mua”, đại diện Nafoods Group cho biết.
Doanh nghiệp này cũng kiến nghị được hỗ trợ thêm giá điện bởi hệ thống kho phải vận hành “căng” hơn so với bối cảnh thông thường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước ưu tiên tiêm vacxin cho người lao động trong khối doanh nghiệp kinh doanh nông sản.
Cần đánh giá lại về các mặt hàng thiết yếu
Ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết tỉnh đang bị tồn một ít nhãn và dưa hấu, rau củ. Hiện nay, tỉnh lập Tiểu ban hậu cần gồm các ban ngành để kết nối với các hệ thống phân phối và vận động người Bến Tre tham gia tiêu thụ, giảm bớt khó khăn cho người sản xuất.
Hiện nay, tỉnh lo ngại về dừa, trong 2 tháng nữa sẽ vào vụ thu hoạch rộ, nếu dịch phức tạp thì không thu hoạch, sơ chế được do lao động đặc thù. Do đó tỉnh đang nghiên cứu phương án cho vấn đề này.
Bến Tre cho rằng, cần có đánh giá lại về các mặt hàng thiết yếu, không chỉ tập trung vào người tiêu thụ nữa mà phải chú trọng đến cả khối sản xuất. “Không uống café không sao nhưng người sản xuất café sẽ bị ảnh hưởng”, ông Đức nói. Ngoài ra, cần xác định rõ những người sản xuất, phân phối là lực lượng tuyến đầu để có phương án cụ thể dành cho họ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, đối với hoa quả, rau củ còn tồn đọng, Bến Tre có thể liên hệ với các đơn vị tiêu thụ.
Về việc đánh giá lại các mặt hàng thiết yếu, đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng khái niệm về hàng thiết yếu thì "kê không biết bao nhiêu cho đủ".
"Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công Thương về việc đưa ra vấn đề là 'không vận chuyển những mặt hàng bị cấm'. Như thế sẽ thông thoáng cho vận chuyển hàng hóa. Văn bản hiện đã nằm trên bàn của Thủ tướng", vị đại diện bổ sung.
Đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho biết đã nhờ các cơ quan báo chí vào cuộc, truyền thông rộng rãi vấn đề này.
Long An kết nối tiêu thụ nông sản qua mạng xã hội
“Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Long An đã thành lập đường dây nóng và kết nối với mạng xã hội Zalo. Hiện đường dây này do một Phó Giám đốc Sở NN-PTNT và một Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt nắm, kết nối trực tiếp với các huyện. Mỗi huyện cũng cử hai cán bộ Phòng NN-PTNT tham gia”, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Long An, phương pháp này mấy ngày qua khiến các doanh nghiệp kinh doanh nông sản “thấy đỡ rất nhiều” do kịp thời giải quyết các khó khăn về vận chuyển, thu hoạch, tiêu thụ.
Về tình hình sản xuất chung, ông Thiện cho biết mặt hàng chanh đang mùa thu hoạch. Sản lượng chanh của Long An mỗi ngày là 2.000 tấn. Các doanh nghiệp, tổ chức có thể liên hệ HTX nông nghiệp Bến Lức để tiêu thụ, số điện thoại: 0915053879; hoặc liên hệ Nông trang Hải Âu, số điện thoại: 090837147.
Ngoài ra, Long An cũng đang tìm nguồn tiêu thụ dưa lưới, rau má, sản lượng mỗi ngày 2-3 tấn. Tỉnh này cũng đề cập tới lúa nếp, năng suất thu hoạch mỗi tháng 100.000 tấn.
Về vấn đề vận chuyển, tỉnh Long An cho biết hiện một số nơi yêu cầu lái xe nông sản cần có QR Code "luồng xanh" và giấy xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, chở thanh long từ Long An ra tới Hà Nội thì thời hạn 3 ngày là không đủ. Do đó, Long An đề nghị Bộ GTVT công bố các điểm test nhanh dọc đường để lái xe chủ động.
“Chúng tôi cũng đề nghị các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang lưu ý giúp vì hiện Long An có 150.000 ha lúa ngoài đồng cần thu hoạch. Rất mong các tỉnh này hỗ trợ doanh nghiệp bao tiêu, doanh nghiệp máy gặt đập. Tất nhiên, vẫn phải tuân thủ quy trình phòng chống dịch”, ông Thiện nói.
640.000 tấn trái cây cần kết nối, tiêu thụ trong tháng 8
Ông Lê Thanh Tùng – Cục phó Cục Trồng trọt - nêu một số thông tin quan trọng về sản lượng cây trồng các tỉnh phía Nam trong tháng tới.
Theo đó, tháng 8 thu hoạch 700.000 ha lúa và 3,8 triệu tấn gạo. Trong đó có gạo nếp cần lưu ý vì tiêu thụ giảm.
Về rau, trong tháng 8 có khoảng 1,1 triệu tấn rau củ quả ở các tỉnh phía Nam, nhưng nhu cầu chỉ khoảng 500.000 tấn nên phần còn lại phải tìm phương án tiêu thụ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và ĐBSCL.
Về trái cây, có khoảng 640.000 tấn trong tháng 8 cần kết nối, tiêu thụ bao gồm: Xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít.
Hiện nay thu hoạch, trái cây tiêu thụ tương đối tốt nhưng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Kể từ tháng 5-8 tháng năm, toàn bộ cây ăn trái phía Nam là trái vụ nên sản lượng không nhiều, nếu dư thừa chỉ là do ách tắc trong vận chuyển.
Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu hai mục đích của diễn đàn. Một là làm thế nào để đảm bảo cung cầu hàng hóa giữa 2 miền Nam - Bắc. Hai là tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng bền vững sau này, không chỉ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Thứ trưởng, 19 tỉnh, thành phố phía Nam tuy đang giãn cách xã hội nhưng việc thu hoạch lúa, trái cây vẫn được đảm bảo. Các ngành hàng khác vẫn duy trì được sản xuất, phục vụ kịp thời cho xuất khẩu. Qua kiểm tra thực tế, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT khẳng định, lượng cung lương thực, thực phẩm không thiếu, thậm chí một số nơi có dấu hiệu cung vượt cầu.
“Chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng giao”, Thứ trưởng Nam nói. Trong gần hai tuần công tác phía Nam, Tổ công tác 970 đã kịp thời tháo gỡ cho một số doanh nghiệp và địa phương. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ liên quan như GTVT, Công thương, tình hình giao thương về cơ bản vẫn đảm bảo.
“Dịch Covid-19 đã được khống chế ở một số nơi, nhưng nhiều nơi còn diễn biến phức tạp. Vì thế, việc cung ứng, lưu thông và phân phối nông sản ở một số nơi còn bị ách tắc. Vì lẽ đó, kính mong các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân hết sức thông cảm khi một số nơi phải siết chặt lưu thông. Nhiệm vụ số một giờ là chống dịch. Sức khỏe người dân là trên hết”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu.