Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trước sức ép ô nhiễm chất thải môi trường, ô nhiễm cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi rất lớn. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản hiện nay là rất quan trọng.
Nhiệm vụ cấp bách đối với ngành thủy sản là phải có kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh thủy sản để chúng ta có cơ sở và nguồn lực vào cuộc. Việc hoàn thiện kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh thủy sản giai đoạn 2021-2025 rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y báo cáo với hội nghị: Trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 41.980 ha, gấp 1,91 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất trên tôm nuôi nước lợ với hơn 39 ngàn ha.
Ngoài ra, thiệt hại trên cá tra hơn 1.000 ha, tăng 16,46 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại dịch bệnh chủ yếu trên tôm nước lợ như hoại tử tôm tụy cấp, đốm trắng, đỏ thân, phân trắng, đường ruột…Trên cá tra bệnh gan thận mủ, các bệnh do ký sinh trùng.
Theo đó, mục tiêu chung và cụ thể cho kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản trong 5 năm tới cần: Tập trung kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra, tôm hùm, cá hồi, cá rô phi, ngao.
Mục tiêu cụ thể kiểm soát tỷ lệ diện tích thủy sản nuôi bị bệnh ở mức thấp hơn 3%/tổng diện tích thả nuôi. Giám sát chủ động một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm và xây dựng được bản đồ dịch tễ lưu hành bệnh. Ngăn chặn có hiệu quả những bệnh nguy hiểm mới có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam. Nâng cao chất lượng công tác phòng, chống và cảnh báo dịch bệnh. Xây dựng thành công ít nhất 5 cơ sở, chuỗi sản xuất tôm, cá tra an toàn dịch bệnh.
Dự thảo này sẽ được lấy ý kiến đóng góp cho hoàn thiện để Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng ban hành Quyết định cho giai đoạn 5 năm tới.