| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trở lại

Thứ Năm 23/07/2020 , 08:43 (GMT+7)

Xuất khẩu tôm trong tháng 6 vừa qua đã tăng trưởng mạnh, tạo cơ sở để hy vọng rằng xuất khẩu tôm sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm nay.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Thanh Sơn.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 6 vừa qua, xuất khẩu đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với các tháng trước đó. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 6 đạt 349,9 triệu USD, tăng tới 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với sự tăng mạnh về xuất khẩu trong tháng 6, nửa đầu năm nay, dù bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, giá trị xuất khẩu tôm vẫn đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với nửa đầu năm 2019.

Sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu tôm, trước hết là nhờ vào 2 thị trường quan trọng là Mỹ và Trung Quốc. Trong tháng 6, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng rất mạnh về giá trị, với mức tăng tới 54,4%. Nhờ vậy, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản, trở thành thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam trong 6 tháng đầu năm khi đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định. Nguyên nhân hàng đầu là tại thị trường Mỹ, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung quan trọng khác. Lợi thế ấy trước hết đến từ việc sản xuất tôm ở Việt Nam đã nhanh chóng ổn định trở lại sau dịch Covid-19, trong bối cảnh sản xuất và chế biến tôm ở các nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ và Ecuador đều bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Dịch bệnh và một số nguyên nhân khác cũng đã tác động không nhỏ tới nguồn cung ở nhiều nước.

TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, cho hay, các cường quốc nuôi tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia..., nhất là Trung Quốc, bị tác động từ Covid-19 khá nặng nề, khiến chuỗi cung ứng tôm của họ ít nhiều bị gián đoạn. Vì an toàn, nhiều hệ thống tiêu thụ tôm lớn tìm về Việt Nam.

Bằng chứng rõ rệt là trong tháng 5/2020, 17 nước xuất khẩu đã giảm xuất khẩu tôm sang Mỹ. Thậm chí các nước như Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanka và Nauy đã không xuất tôm sang Mỹ trong tháng 5. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các nhà nhập khẩu Mỹ phải tăng mạnh việc mua tôm từ Việt Nam.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 6 cũng tăng mạnh, với mức tăng 23% đạt 57,7 triệu USD. Một trong những nguyên nhân quan trọng là một số nước đang gặp khó khăn lớn khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc do Covid-19. Chẳng hạn, mới đây, Trung Quốc đã tạm thời cấm nhập khẩu tôm từ 3 công ty Ecuador do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm tôm nhập vào Trung Quốc.

Căng thẳng ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng từ Ấn Độ sang Trung Quốc (thị trường lớn thứ 2 của tôm Ấn Độ). Hàng ngàn cotainer tôm từ Ấn Độ nhập vào Trung Quốc đang bị trì hoãn thông quan nhiều ngày tại các cảng với lý do để giám sát virus corona.

Chính nhờ nhu cầu tăng mạnh từ Mỹ và Trung Quốc, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam đã có xu hướng tăng lên trong tháng 6.

Một điều đáng chú ý là tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU hiện không còn cao như những tháng trước. Nhu cầu nhập khẩu tôm vẫn tăng ở nhiều thị trường quan trọng, nhất là khu vực châu Á, bất chấp dịch bệnh. Như ở Trung Quốc, lượng tôm nước ấm nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm đã đạt 264 ngàn tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay ở nhiều nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng đang có xu hướng tăng. Vì vậy, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới.

Tuy nhiên, theo một số doanh nhân ngành tôm, Covid-19 vẫn đang là mối lo ngại lớn trên toàn cầu và khó đánh giá được diễn biến trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp vẫn cần phải thận trọng trong phương án kinh doanh, nhất là xuất khẩu tới các thị trường trọng điểm. Doanh nghiệp cần tập trung hoàn tất từng lô hàng xuất khẩu để có thể giao được sớm nhất (phòng khi bất ngờ bị gián đoạn hay gặp khó khăn lớn về logistics do dịch bệnh).

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn PAN cán mốc nghìn tỷ

Tập đoàn PAN công bố kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu hợp nhất đạt 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất