
Ông Đào Văn Cường, chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.
Thực phẩm mới
Ông Đào Văn Cường, chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Quy định (EU) 2015/2283 của Liên minh châu Âu ngày 25/11/2015 về thực phẩm mới (novel food) định nghĩa, “thực phẩm mới” là bất kỳ thực phẩm nào chưa được con người tiêu thụ ở mức độ đáng kể trong Liên minh trước ngày 15/5/1997, bất kể ngày gia nhập của các quốc gia thành viên vào Liên minh và thuộc ít nhất một trong 8 loại dưới đây:
Thứ nhất, thực phẩm có cấu trúc phân tử mới hoặc được cố ý sửa đổi, trong trường hợp cấu trúc đó chưa từng được sử dụng làm thực phẩm hoặc trong thực phẩm trong Liên minh trước ngày 15/5/1997.
Thứ hai, thực phẩm có chứa hoặc được phân lập, sản xuất từ vi sinh vật, nấm hoặc tảo.
Thứ ba, thực phẩm có chứa hoặc được tách ra hoặc được sản xuất từ vật liệu có nguồn gốc khoáng sản.
Thứ tư, thực phẩm có chứa hoặc được phân lập, sản xuất từ thực vật, ngoại trừ khi thực phẩm có lịch sử sử dụng làm thực phẩm an toàn trong Liên minh và được phân lập, sản xuất từ thực vật hoặc giống cùng loài thu được bằng các phương pháp nhân giống truyền thống đã được sử dụng để sản xuất thực phẩm trong Liên minh trước ngày 15/5/1997.
Hoặc thu được bằng các phương pháp nhân giống phi truyền thống chưa từng được sử dụng để sản xuất thực phẩm trong Liên minh trước ngày 15/5/1997, trong đó các phương pháp không gây ra những thay đổi đáng kể về thành phần hoặc cấu trúc của thực phẩm, ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng, quá trình trao đổi chất hoặc mức độ các chất không mong muốn.
Thứ năm, thực phẩm có chứa hoặc được phân lập, sản xuất từ động vật hoặc các bộ phận của chúng, ngoại trừ động vật thu được bằng phương pháp chăn nuôi truyền thống đã được sử dụng để sản xuất thực phẩm trong Liên minh trước ngày 15/5/1997 và thực phẩm từ những động vật đó có lịch sử được sử dụng làm thực phẩm an toàn trong Liên minh.
Thứ sáu, thực phẩm có chứa hoặc được phân lập, sản xuất từ nuôi cấy tế bào hoặc nuôi cấy mô có nguồn gốc từ động vật, thực vật, vi sinh vật, nấm hoặc tảo.
Thứ bảy, thực phẩm thu được từ quá trình sản xuất không được sử dụng để sản xuất thực phẩm trong Liên minh trước ngày 15/5/1997, gây ra những thay đổi đáng kể về thành phần hoặc cấu trúc của thực phẩm, ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng, quá trình trao đổi chất hoặc mức độ các chất không mong muốn.
Và thứ tám, thực phẩm thu được từ quá trình sản xuất sử dụng công nghệ nano.
Ngoài ra, theo ông Đào Văn Cường, trong Quy định (EU) 2015/2283, khái niệm “thực phẩm mới” còn bao gồm “thực phẩm truyền thống đến từ quốc gia thứ ba”, tức là các loại thực phẩm được tiêu thụ một cách truyền thống ở các quốc gia thuộc khu vực ngoài Liên minh châu Âu.
Tất cả các loại thực phẩm mới đều cần phải trải qua đánh giá an toàn thực phẩm trước khi có thể được giao dịch trong EU - được chứng minh là có thể tiêu thụ an toàn trong ít nhất 25 năm.
Với những loại thực phẩm này, EU yêu cầu không gây nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe con người, dựa trên các bằng chứng khoa học hiện có. Mục đích sử dụng thực phẩm không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi thực phẩm được dùng để thay thế một loại thực phẩm khác và có sự thay đổi đáng kể về mặt dinh dưỡng.
Ngoài ra, khi thực phẩm được dùng để thay thế một loại thực phẩm khác, không gây bất lợi về mặt dinh dưỡng so với thực phẩm trước đó.
Hiện tại, Quy định (EU) 2017/2470 ngày 20/12/2017 thiết lập danh sách thực phẩm mới của Liên minh theo Quy định (EU) 2015/2283 ngày 25/11/2015 về thực phẩm mới.
Trong số đó, nông sản xuất khẩu sang EU của Việt Nam thuộc thực phẩm mới gồm một số mặt hàng như hạt é khô và các sản phẩm nước ngọt hương vị trái cây có chứa hạt é, thịt ốc bươu…

Phụ gia thực phẩm được châu Âu áp một số quy định để có thể nhập khẩu. Ảnh: SS.
Phụ gia thực phẩm
Ông Đào Văn Cường cho biết, Quy định (EU) 1333/2008 của Liên minh châu Âu ngày 16/12/2008 về phụ gia thực phẩm định nghĩa, “Phụ gia thực phẩm” là bất kỳ chất nào không phải là thực phẩm thông thường và không được sử dụng như một thành phần chính của thực phẩm.
Dù có giá trị dinh dưỡng hay không, nếu chất đó được thêm vào thực phẩm một cách có chủ đích để phục vụ mục đích công nghệ (như sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển…), thì nó hoặc sản phẩm phụ của nó có thể trở thành một phần của thực phẩm, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Ở châu Âu, những chất sau đây không được tính là phụ gia thực phẩm:
- Thực phẩm khô hoặc cô đặc, bao gồm cả hương liệu được thêm vào trong quá trình sản xuất thực phẩm tổng hợp, có tác dụng tạo hương thơm, mùi vị hoặc dinh dưỡng và tạo màu phụ.
- Các loại tinh bột đã được biến đổi, bao gồm dextrin trắng hoặc vàng, tinh bột rang hoặc đã trải qua quá trình dextrin hóa, tinh bột xử lý bằng axit hoặc kiềm, tinh bột tẩy trắng, tinh bột biến đổi vật lý, và tinh bột xử lý bằng enzym amylolytic.
- Các sản phẩm chứa pectin được chiết xuất từ bã táo khô, vỏ cam, vỏ quả mộc qua (quince) hoặc hỗn hợp của chúng.
- Các sản phẩm từ protein động vật, bao gồm huyết tương, gelatin ăn được, protein thủy phân và muối của chúng, protein sữa và gluten.
- Các chất dùng để phủ hoặc tráng bề mặt thực phẩm, nhưng không được tiêu thụ cùng thực phẩm.
- Các loại đường đơn, đường đôi và thực phẩm có chứa chúng, được dùng để tạo vị ngọt.
- Axit amin và muối của chúng (trừ axit glutamic, glycine, cysteine và cystine, nếu không có chức năng công nghệ).
- Chất nền của kẹo cao su (chewing gum bases).
- Amoni clorua (ammonium chloride), Inulin (một loại chất xơ tự nhiên), Casein và muối caseinate.
Đối với các phụ gia thực phẩm, châu Âu yêu cầu phải an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, dựa trên bằng chứng khoa học, chất đó không gây lo ngại về an toàn sức khỏe khi sử dụng ở mức cho phép.
Về công nghệ, phải không có giải pháp kinh tế hoặc công nghệ nào khác có thể thay thế mà vẫn đạt được mục đích tương tự. Và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, việc sử dụng chất đó không được làm người tiêu dùng hiểu sai về bản chất hoặc chất lượng của thực phẩm.
Hiện nay, Phụ lục I của Quy định (EU) 1333/2008 ngày 16/12/2008 về danh mục các phụ gia thực phẩm được cấp phép cùng với chức năng của chúng, bao gồm chất tạo ngọt, chất tạo màu sắc, chất chống oxy hóa, chất giữ ẩm, chất tạo hương vị, hương liệu thực phẩm, chất điều chỉnh độ axit...
Theo ông Đào Văn Cường, các quy định của châu Âu sẽ được thay đổi và cập nhật liên tục, đặc biệt tính từ đầu năm 2025, đã có 3 cảnh báo từ châu Âu liên quan đến thực phẩm mới.
Vì vậy, để xuất khẩu nông sản được thuận lợi, tránh bị thu hồi hoặc tiêu hủy các sản phẩm, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nên cập nhật thay đổi các Quy định của châu Âu thường xuyên.
“Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần có văn bản hỏi Văn phòng SPS Việt Nam để phối hợp với DG-SANTE hướng dẫn cụ thể vì các quy định này rất phức tạp và cần tuân thủ theo quy trình cụ thể”, ông Đào Văn Cường khuyến cáo thêm.