Theo bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), hiện số lượng cụ thể tê giác tại Việt Nam như sau: vườn thú Đại Nam (5 con), Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh (2 con), Vườn Xoài (2 con), vườn thú Mường Thanh (4 con), Thiên đường Bảo Sơn (4 con) và vườn thú Mỹ Quỳnh (19 con). Như vậy, hiện Việt Nam đang có 36 cá thể tê giác.
Tất cả các cá thể tê giác trên được nhập về Việt Nam từ vài năm trước, hiện sức khỏe đảm bảo và được gắn chip để quản lý, không thể có chuyện tê giác nhập lậu về Việt Nam được.
Trả lời câu hỏi của NNVN về việc Việt Nam hiện có còn tê giác bản địa hay không, bà Nga cho rằng, nếu nói về tê giác Việt Nam, từ năm 2011 đã phát hiện một cá thể tê giác ở vùng phân bố chết vì già. Do đó, một số thông tin cho rằng tê giác Việt Nam đã tuyệt chủng.
“Nhưng về chuyên môn, phải tính chu kỳ một vòng đời của con tê giác (35 – 40 năm) kết thúc mà không phát hiện cá thể tê giác nào sống trong tự nhiên nữa, thì mới được công bố tê giác tuyệt chủng. Từ đó đến nay vẫn chưa có thông tin thêm gì về tê giác Việt Nam, và cũng chưa có điều tra toàn diện về vấn đề này”, bà Nga thông tin.
Trong một diễn biến liên quan, trước thông tin số lượng động vật hoang dã tại Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc (Kiên Giang) chết hàng loạt, trong đó có một số động vật quý hiếm như tê giác, bà Nga cho rằng, theo thông báo từ Chi cục kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, vườn thú Safari đang hợp tác trao đổi theo hình thức mượn của vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An) 14 con tê giác để trưng bày. Còn về chuyện NK tê giác, chúng tôi khẳng định, CITES chưa cấp bất cứ giấy phép NK tê giác nào cho Safari. Rõ ràng tê giác ở đó không phải tê giác mới nhập về, và thông tin tê giác chết là không có cơ sở.