Qua một số tài liệu lữu trữ và truyền miệng thì nghề làm muối tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã có từ hàng trăm năm trước. Theo người dân Tiên Yên, nay là thôn Tân An, xã An Hòa thì nghề muối được một người họ Nguyễn ở huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương vào đây cư trú rồi truyền lại cho.
Còn người dân Quý Hòa, nay là thôn Tân Thắng, xã An Hòa lại khăng khăng do một người họ Mai ở huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đến định cư rồi bày dạy cho bà con địa phương. Trong khi đó, tộc phả họ Hồ Công ở Thượng Yên (Quỳnh Yên) lại ghi: Khi đến Thượng Yên, ông Hồ Công Hân cùng dân làng phía trên đắp đê làm ruộng, phía dưới khai phá làm muối.
Cội nguồn thực sự khó kiểm chứng nhưng chắc chắn một điều là nghề muối đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, là nét văn hóa đặc trưng không thể lẫn lộn ở đất biển Quỳnh Lưu.
Từ xa xưa, nghề nấu muối của bà con diêm dân Quỳnh Lưu rất thô sơ, giản đơn, họ chỉ cho nước mặn vào nồi đất chưng nấu trong khoảng thời gian nhất định, khi nước ngọt bay hơi hết, còn nước mặn kết tinh thành muối. Trước khi làm diêm dân tiến hành xây lò bằng đất sét, hoặc gạch, nung sành, vỏ sò, vỏ ngao thành vôi, tùy quy mô, dụng cụ nấu muối mà xây lò to hay nhỏ. Cách làm muối như vậy ở Quỳnh Lưu kéo dài trong nhiều thế kỷ.
Từ chỗ dùng nhiệt của củi lửa, trong khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, bà con đã biết tận dụng nhiệt lượng của ánh nắng mặt trời để làm ra những hạt muối tinh khôi. Đầu tiên diêm dân dùng cát để phơi lên độ mặn, sau đó dùng nước biển lọc qua cát có độ mặn cao để lấy nước chạt, hay còn gọi là nước khắt rồi đem lên ô nề phơi nắng, đủ thời gian, đủ nhiệt sẽ kết tinh thành muối. Cách làm này giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng, hạt muối phơi bằng thủ công có vị mặn, không đắng chát lại ngọt bùi về sau.
Hiện trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có 5 cơ sở chế biến muối, trong đó Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc, thuộc Công ty CP Muối Việt Nam vẫn lưu giữ, kế thừa được những nét truyền thống xưa kia, đồng thời từng bước phát tiết tinh hoa nghề muối lên một tầm cao mới.
Ông Bùi Xuân Trúc, Phó phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu nhận xét: “Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc là đơn vị sản xuất, kinh doanh muối truyền thống, đơn vị này sở hữu diện tích trải rộng, có đội ngũ làm muối tinh anh, quá trình hoạt động Vĩnh Ngọc đã chủ động đầu tư, sắm sang trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhờ đó đã chinh phục được những thị trường khó tính ở trong và ngoài nước, bà con diêm dân cũng được thơm lây”.
Chi nhánh Muối Vĩnh Ngọc xác định theo nghề này là đối mặt với từ bề gian truân, muốn vượt qua sóng gió thì tâm phải vững, phải cùng sát cánh chung tay. Lấy diễn biến năm 2024 làm minh chứng, đầu mùa có nắng nhưng không ổn định, chu kỳ nắng ngắn, ngược lại mùa mưa đến sớm, lượng mưa cao hơn so với cùng kỳ các năm. Ấy là chưa kể nguồn nước ngày càng ô nhiễm, thị trường muối giá thấp.
Ý thức được áp lực bộn bề, ngay từ đầu vụ Chi nhánh đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện các bước liên quan để sẵn sàng ứng phó trong mọi hoàn cảnh, đến đầu tháng 5/2024 thời tiết lại chuyển biến phức tạp, lượng mưa tăng cao đột biến buộc đơn vị phải ra sức “tranh nắng, cướp mưa”, nhờ đó qua 8 tháng đã sản xuất được 4.542 tấn muối, đạt 74,22% KH.
Không chỉ có thế, nhờ chủ động theo sát thị trường, nắm bắt giai đoạn biến động lớn về giá, Chi nhánh đã giao cho Phòng Kế hoạch sản xuất kinh doanh ưu tiên thu mua theo hướng dàn trải, cách làm này phù hợp với tiềm lực sẵn có để cùng lúc phục vụ chế biến cũng như cung ứng kịp thời cho khách hàng có nhu cầu.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Chi nhánh muối Vĩnh Ngọc có nhiều ưu điểm để phát triển bền vững nghề muối. Trước nhất là duy trì sản xuất ổn định trên diện tích 137 ha hàng năm, từ nguồn lợi nhuận kinh doanh có được, kết hợp chủ trương đầu tư của Công ty CP Muối Việt Nam nên việc cải tạo, nâng cấp hệ thống được triển khai khá thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Chi nhánh muối Vĩnh Ngọc chia sẻ: “Công ty đang áp dụng dụng mô hình sản xuất bán công nghiệp, sản phẩm làm ra chứa nhiều hàm lượng vi chất dinh dưỡng cao, NaCl chiếm tỷ lệ 82% đạt tiêu chuẩn muối nhạt rất phù hợp với thị hiếu, đồng thời đủ điều kiện đưa vào chế biến, xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, Canada, riêng những thị trường này chiếm khoảng 25% sản lượng và 53% doanh số hàng năm. Hiện bộ phận lao động làm việc tại Chi nhánh là 106 người với mức thu nhập từ 6,8 - 9 triệu/tháng tùy thuộc vào trình độ, năng lực”.