| Hotline: 0983.970.780

Dân bất an với tình trạng sạt lở ven sông Tiền và sông Hậu

Thứ Năm 11/05/2017 , 10:04 (GMT+7)

Những năm gần đây, tình hình sạt lở đất bờ sông Hậu, sông Tiền ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp diễn biến phức tạp.

 Hiện tại hàng ngàn hộ gia đình sống ven 2 con sông này phập phồng lo sợ khi ở ngay bên miệng “hà bá”.

Sạt lở diễn biến phức tạp

Chỉ trong tháng 4 và 5/2017, sạt lở đất đã dấy lên hồi chuông báo động. Đối với tỉnh An Giang thống kê từ năm 2015 - 2017 xảy ra gần 40 vụ sạt lở đất ven bờ sông, làm 142 căn nhà rơi xuống sông và nhiều tài sản khác, ước tính thiệt hại hơn 100 tỷ đồng/năm. Tổng số các đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở là 51 đoạn, với tổng chiều dài 162/400km đường bờ sông (chiếm 40%). Trong 162km cảnh báo sạt lở có 15 đoạn dài khoảng 30km có khả năng sạt lở cao, uy hiếp hơn 20.000 hộ dân.

10-04-37_nh-1
10-04-37_nh-2
Vụ sạt lở đất bờ sông Vàm Nao lấy mất 17 căn nhà của người dân xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang)

Ông Trần Đặng Đức, GĐ Sở TN-MT An Giang cho biết, nguyên nhân chính là chế độ dòng chảy các dòng sông chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều trong mùa kiệt và chế độ dòng chảy từ thượng lưu về trong mùa lũ. Thêm vào đó là diễn biến thời tiết bất thường, mưa trái mùa phức tạp, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mêkông. Tất cả khiến mực nước tăng giảm không theo quy luật. Đó là chưa kể hai bên bờ sông liên tục phát triển hạ tầng giao thông đã tác động đến kết cấu bờ sông...

Gần đây nhất vụ sạt lở đất tại bờ sông Vàm Nao khu vực tổ 14, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới làm 16 căn nhà và đất bị nhấn chìm, chiều dài đoạn sạt lở khoảng 70m, lấn sâu vào bờ trên 35m và cắt đứt đường giao thông liên xã. Tổng thiệt hại hơn 9 tỷ đồng.

Còn tại Đồng Tháp, sạt lở xảy ra liên tiếp tại 45 xã, phường, thị trấn thuộc 10/12 huyện, TX, TP. Đặc biệt là từ đầu tháng 4/2017 đến nay tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình xảy ra 4 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, chiều dài sạt lở 210m, diện tích sạt lở là 3.250m2, thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng, rất may chưa xảy ra thương vong.

10-04-37_nh-4
Hàng ngàn hộ gia đình sống ven 2 con sông Tiền và sông Hậu ngày đêm phập phồng lo sợ bên miệng “hà bá”
Theo dự báo, của Sở NN-PTNT và Sở TN-MT Đồng Tháp, tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới và còn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời gian mùa lũ và có xu hướng kéo dần xuống hạ lưu.

Theo ghi nhận của PV, sạt lở vẫn đang tiếp tục lấn sâu vào QL30. Hiện có những đoạn sạt lở chỉ còn cách QL30 từ 15 - 25m. Khu vực này trước đây vẫn có sạt lở nhưng không nghiêm trọng và nguy hiểm. Trước sạt lở chỉ xảy ra vào mùa khô, trước khi sạt lở luôn có dấu hiệu như nền đất nứt nẻ nên người dân có thể biết. Còn bây giờ, dòng sông cứ bình lặng rồi bất ngờ bị nuốt chửng hàng trăm mét đất và nhà cửa. Giờ người dân luôn sống trong cảnh phập phồng vì không biết khi nào “hà bá” tiếp tục kéo nhà mình xuống sông.
 

Tái định cư dân sạt lở

Sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền đã nhanh chóng vào cuộc giúp các hộ dân di dời nhà cửa đến các khu vực an toàn, đồng thời cử nhân viên túc trục 24/24 theo dõi tình hình sạt lở, cắm biển báo và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân phòng tránh. Đồng thời Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương khắc vụ hậu quả sạt lở tại 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương xin kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 phục vụ di dân vùng sạt lở bờ sông với kinh phí hơn 82 tỷ đồng để địa phương đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân vùng sạt lở, vùng ngập sâu, vùng biên giới.

Bên cạnh đó, xây dựng phương án đảm bảo an toàn QL30 đoạn từ cầu Phong Mỹ đến chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình. Nghiên cứu đánh giá lòng dẫn khu vực sông Tiền đoạn giữa huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để có giải pháp hạn chế sạt lở, bảo vệ dân cư và QL30.

10-04-37_nh-5
Theo dự báo, sạt lở đất ven bờ sông khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới và còn diễn biến phức tạp hơn nữa

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, từ năm 2005 đến nay số điểm bị xói lở bờ sông tuy có tăng, giảm theo từng năm, nhưng nhìn chung xu hướng ngày càng mở rộng. Dòng chính sông Tiền khoảng 122,9km thì có từ 23 - 101km đường bờ sông bị xói lở (chiếm 20 - 80%); làm mất tổng cộng 291,74ha đất do nước cuốn trôi; thiệt hại do xói lở đất, nhà cửa và di dời dân ước tính 320 tỷ đồng.

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, sau khi xảy ra sạt lở, tỉnh đã khẩn trương triển khai các chính sách tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Toàn tỉnh có 51 đoạn sông, rạch có nguy cơ sạt lở, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng lên đến 20.000 hộ. Tỉnh đã đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện các đề án di dời vào tuyến dân cư.

Hiện tại An Giang đang gấp rút xây dựng 15 cụm, tuyến dân cư tại 15 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2025 tỉnh phải chuyển hết người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở về nơi ở mới, không để ai phải thiếu nhà cửa.

 

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.