Huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) nổi tiếng với sản phẩm chè Shan tuyết, hồng không hạt, gạo Bao thai. Những năm qua, địa phương này tập trung nguồn lực xây dựng những sản phẩm nông sản này trở thành mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chè Shan tuyết là giống quý được trồng lâu đời tại xã Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn), nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm phải dùng thang để hái. Hiện nay, diện tích trồng chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc đạt khoảng 500ha, năm 2019, sản phẩm chè Shan tuyết đã được công nhận nhãn hiệu tập thể.
Những năm gần đây, Hợp tác xã Hồng Hà đã đầu tư đưa ra thị trường những sản phẩm chè chất lượng cao như trà móc câu truyền thống, Hồng trà, Bạch trà, giá bán từ 500.000 đến vài triệu đồng/kg. Ngoài ra, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng thực hiện dự án liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ chè Shan tuyết với diện tích 15ha. Đơn vị này cũng thu mua búp chè tươi của các hộ dân tham gia liên kết. Sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã này được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Đối với cây hồng không hạt, trên toàn địa bàn huyện Chợ Đồn có trên khoảng 180ha đang cho thu hoạch, tập trung ở các xã như Quảng Bạch, Đồng Lạc, Tân Lập, Nam Cường. Quả hồng không hạt đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và bước đầu khẳng định được thương hiệu. Để phát triển diện tích và nâng cao năng suất, từ năm 2018, huyện Chợ Đồn định hướng phát triển cây hồng không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, giống lúa Bao thai đã gắn bó với người dân ở huyện Chợ Đồn nhiều đời nay. Đây là giống lúa bản địa cho chất lượng gạo tốt, từ lâu đã trở thành đặc sản của Chợ Đồn.
Từ năm 2023 đến nay, trên nhiều cánh đồng ở huyện Chợ Đồn, người dân đã dần chuyển sang trồng lúa theo hướng hữu cơ, riêng giống lúa Bao thai mỗi năm trồng hơn 30ha. Năm nay, huyện cũng đã triển khai mô hình gieo cấy giống lúa Bao thai chất lượng cao và được hỗ trợ theo Nghị định số 35 ngày 13/4/2015 của Chính phủ với diện tích gần 100ha.
Để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm gạo Bao thai, huyện Chợ Đồn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật từ chọn giống đến chăm sóc, khuyến khích thực hiện liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Huyện cũng chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo đặc trưng của địa phương. Hiện nay, tại nhiều xã đã hình thành các hợp tác xã trồng và chế biến gạo Bao thai, sản phẩm được chế biến, đóng gói đủ điều kiện bán trong các trung tâm thương mại, siêu thị.
Thời gian qua, huyện Chợ Đồn đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân trồng và chế biến những sản phẩm nông sản chủ lực. Trọng tâm là chương trình OCOP, đến nay huyện Chợ Đồn đã có 31 sản phẩm OCOP (gồm 3 sản phẩm 4 sao, 28 sản phẩm 3 sao). Dự kiến hết năm 2024, huyện Chợ Đồn sẽ có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp huyện.
Ngoài ra, huyện Chợ Đồn cũng tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ máy móc, khoa học kỹ thuật cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Giai đoạn 2022-2025, huyện Chợ Đồn được phê duyệt 16 dự án liên kết sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của huyện như hồng không hạt, chè Shan tuyết, chè hoa vàng, dâu tây, khoai tây, cây dược liệu.
Theo đánh giá, sản xuất nông nghiệp của huyện Chợ Đồn từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Hợp tác xã, doanh nghiệp đã sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường như chè Shan tuyết, rượu Bằng Phúc, gạo bao thai, hồng không hạt, cam, quýt.