Vì vậy, hàng trăm hộ dân đã nhường “cần câu cơm” là ruộng lúa, ao tôm, đất sản xuất và cả nhà cửa cho nhà đầu tư, chấp nhận di dời.
|
Đường sá vào xóm Trảng hiu quạnh và nhiều nhà bỏ hoang |
Tuy nhiên lời hứa và kỳ vọng của người dân giờ tan biến hoàn toàn, khi mới đây nhà đầu tư chấm dứt hoạt động dự án, để lại một vùng cát mênh mông. Còn người dân vùng bị giải tỏa thì hoang mang...
Tiếng sét ngang tai
Về xã Hòa Tâm đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con than vãn nỗi khổ không biết kêu ai thấu, vì hậu chấm dứt dự án NM lọc dầu Vũng Rô đã để lại sự hụt hẫng, hoang mang tột đỉnh.
Đối với 200 hộ đã di dời giai đoạn 1, nhường lại 134 ha đất cho dự án xây dựng cảng Bãi Dốc hiện đã có nơi ở ổn định tại khu tái định cư Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam), cách nơi họ từng sinh sống vài cây số. Song cuộc sống của họ rất bấp bênh, không có việc làm ổn định. Hằng ngày nhiều người dân tái định cư vẫn đi đi về về nơi ở cũ mưu sinh bằng nghề “thợ đụng”, tức ai thuê gì làm nấy hoặc mò cua bắt ốc ở cửa sông, cửa biển.
Còn đối với các hộ bị ảnh hưởng thu hồi di dời giai đoạn 2, nhường 404 ha cho dự án xây dựng NM thì đây thật sự là khoảng thời gian họ “sống dở chết dở”.
Ông Lê Minh, một hộ dân nằm trong trường hợp này ở thôn Phước Long, cho biết, sau khi nghe tin dự án NM lọc dầu thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, người dân vùng dự án như “sét đánh bên tai”. Người dân bị dự án “đem con bỏ chợ”, bao nhiêu kỳ vọng và hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho con em địa phương đã tan biến.
"Điều đáng nói nhiều hộ dân vùng dự án hiện vẫn chưa nhận tiền đền bù và bố trí tái định cư. Ngay cả gia đình tôi đến nay vẫn chưa thấy nói năng gì về đền bù, dù trước đó vào năm 2013 đã đo xong đất", ông Minh nói.
|
Một ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng do không được tu sửa |
Ông Lê Văn Thiệu, Trưởng thôn Phước Long, xác nhận hiện số người chưa nhận tiền đền bù bị ảnh hưởng từ dự án rất nhiều. Riêng thôn có trên 20 hộ nên bà con lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
“Ở thì sống hiu quạnh, thiếu thốn và lo sợ vì nhà cửa xuống cấp. Còn muốn đi thì chưa nhận tiền đền bù, bố trí tái định cứ thì lấy tiền đâu mà cất nhà, ổn định cuộc sống”, ông Thiệu nói.
Chúng tôi khổ lắm!
Để tìm hiểu cuộc sống người dân, ông Thiệu đưa chúng tôi vào khu xóm Trảng, thôn Phước Long- nơi còn hơn 10 hộ dân vẫn chưa thể di dời. Nỗi khổ đầu tiên người dân nơi đây phải gánh chịu, đó là không được đi trên con đường bê tông hóa như các vùng nông thôn khác, khi nắng đường bụi mù mịt, còn trời mưa thì lầy lội, ngập úng.
“Nhiều khi đi xe máy dính”đầy đất bùn, mà người ta cứ tưởng tôi từ Tây Nguyên xuống không à. Nói ra, tôi ở xã Hòa Tâm mà họ chẳng tin. Rồi còn hỏi ngược Hòa Tâm là chỗ nào vậy mà khổ như thế”, ông Lê Minh buồn bã nói.
Đường sá thôn Đồng Bé bị cày xới |
Theo UBND xã Hòa Tâm, để thực hiện dự án NM lọc đầu Vũng Rô, toàn xã có 3 thôn Đồng Bé, Phước Long và Phước Tân, với diện tích đất 538 ha nằm trong vùng dự án. Thực hiện giai đoạn 1 là 134 ha, người dân đã di dời đến nơi tái định cư. Nếu thu hồi diện tích giai đoạn 2 (404 ha) có hơn 600 hộ bị ảnh hưởng. Theo thông kế ban đầu, đến nay toàn xã có gần 250 hộ đã di dời qua nơi tái định cư. |
Việc ông Minh bộc bạch là có cơ sở, bởi theo tìm hiểu của chúng tôi ngay cả tuyến đường về trung tâm xã là Phú Khô- Phước Tân hay tuyến đường Phước Tân- Bãi Ngà nhiều năm nay cũng xuống cấp nghiêm trọng, với đủ loại ổ voi, ô gà. Chủ tịch xã Hòa Tâm ông Lê Văn Dãng cho biết: “Thấy người dân đi lại khổ cực, cuối năm 2017 xin tỉnh làm lại một đoạn đường về xã. Nên giờ anh về xã thấy đỡ, chứ trước đi lại vất vả lắm”.
Gặp chúng tôi, anh Linh than vãn: “Chúng tôi khổ lắm chú ơi. Vì dự án mà nhiều năm chúng tôi không được cho xây dựng lại nhà và chẳng dám đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi dù nhà nào đất cũng rộng. Để sống qua ngày, chúng tôi đành làm mấy nghề “thợ đụng” và trông chờ dự án nhanh chóng đền bù để di dời nơi khác. Song giờ dự án đùng một cái chấm dứt nên không biết ai đền bù và giá cả đền bù ra sao”...
Mong sớm được đền bù
Câu hỏi đặt ra của người dân vùng dự án chưa được di dời đó là bao giờ họ nhận tiền đền bù và bố trí tái định cư? Còn nếu không đi nữa thì để họ dựng lại nhà, làm chuồng trại chăn nuôi, chứ cứ sống thế này không biết lấy gì ăn.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận áp giá đền bù vào năm 2013. Giá đất rừng mà áp dụng đền bù chỉ 14.000 đ/m2 và đất ở 157.000 đ/m2, nếu nhận tiền đền bù xây nhà có đủ? Nếu trước đây giá đá xây móng chỉ 7.000 đ/viên, nay lên 11.000 đ/viên; xi măng từ 50.000 đ/bao nay 80.000 đ/bao; công thợ xây trước 370.000 đ/m2 nay lên 570.000 đ/m2 (nhà cấp 4)”, người dân mong đền bù thỏa đáng.
Ông Minh (phải) cho biết, hiện đi không được mà ở không xong |
Đem những thắc mắc đó hỏi chính quyền, ông Võ Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết, việc dự án NM lọc dầu Vũng Rô chấm dứt triển khai thì vẫn có các dự án khác đăng ký đầu tư trên vùng đất này. Bởi nơi đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu công nghiệp lọc hóa dầu.
Hiện tỉnh đã thu hồi 134 ha mặt bằng sạch và đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2. Tỉnh cũng đang đầu tư xây dựng khu tái định cư xã Hòa Tâm, hoàn thiện dự án khu tái định cư Phú Lạc để phục công tác di dời và tái định cư cho hộ bị ảnh hưởng.
Cũng theo ông Tiến, hiện địa phương đã lập phương án bồi thường và tái định cư cho 31 hộ thuộc giai đoạn 2. Tổng kinh phí phần còn lại khoảng 55,3 tỷ đồng. Tỉnh đã giao cho Sở Tài chính tiếp tục sắp xếp nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng sạch khu vực này.
Về giá bồi thường, ông Tiến cho biết, huyện đang tập trung, lập thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường theo đúng quyết định phê duyệt giá đất cụ thể và đơn giá giá bồi thường tài sản, vật kiến trúc đã được tỉnh phê duyệt.
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô do Cty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên vào tháng 11/2007 với số vốn 1,7 tỷ USD, công suất 4 triệu tấn/năm. Sau 4 lần xin điều chỉnh, công suất nâng lên 8 triệu tấn/năm, với vốn đầu tư lên 3,2 tỷ USD. Đến tháng 9/2014, dự án này đã làm lễ động thổ với cam kết sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động trong năm 2017. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án vẫn không được triển khai và mới đây, BQL Khu kinh tế tỉnh đã có quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. |