| Hotline: 0983.970.780

'Báu vật’ của đồng bào Bana Kriêm

Thứ Năm 03/04/2025 , 05:44 (GMT+7)

Khoác lên bộ trang phục thổ cẩm, nét đẹp của các sơn nữ người Bana Kriêm ở làng Hà Ri như được tôn vinh thêm bởi những đường nét hoa văn, họa tiết mạnh mẽ…

Nỗ lực bảo tồn

Làng Hà Ri, ngôi làng heo hút của xã Vĩnh Hiệp là nơi gắn bó cả đời của 100 hộ đồng bào dân tộc Bana Kriêm ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Dẫu ngày ngày phải bươn chải với cuộc sống để kiếm kế sinh nhai bên nương rẫy, nhưng những phụ nữ Bana ở làng Hà Ri vẫn không quên miệt mài gìn giữ hồn cốt của dân tộc mình qua nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, đồng bào Bana Kriêm ở đây đã kiến tạo cho mình nét bản sắc riêng biệt, độc đáo. Thổ cẩm của người Bana Kriêm ở làng Hà Ri được dệt thủ công nên rất dày dặn; đặc biệt, lấp lánh trong những tấm thổ cẩm là cái hồn của người thợ. Nhìn hoa văn, họa tiết trên những tấm thổ cẩm của người làng Hà Ri với những màu sắc rực rỡ, chúng tôi nghĩ những người làm ra sản phẩm thổ cẩm ở đây không chỉ là thợ dệt, mà còn là những nghệ sĩ, họ đã truyền tải vào sản phẩm sự tinh tế, sáng tạo của mình.

Bà Đinh Thị Hiền đang theo học nghề dệt thổ cẩm thủ công. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Đinh Thị Hiền đang theo học nghề dệt thổ cẩm thủ công. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Đinh Thị Hiền, tổ trưởng tổ hội nghề dệt thổ cẩm xã Vĩnh Hiệp người Bana Kriêm năm nay 44 tuổi đã có 29 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Theo bà Hiền, thổ cẩm của người Bana Kriêm ở Hà Ri khác với thổ cẩm của các dân tộc thiểu số khác là mảng hoa văn trên y phục được dệt to hơn. Họa tiết trên y phục thổ cẩm của đồng bào Bana Kriêm ở đây vừa mang nét cổ kính vừa mang những nét tân kỳ với những màu sắc rực rỡ đan xen trên nền vải đen làm cho những chiếc váy, áo toát lên sự mạnh mẽ, cần cù của người Bana Kriêm trong lao động sản xuất, nhưng cũng không thiếu nét lãng mạn, hoang sơ của đại ngàn Vĩnh Thạnh.

Bà Hiền sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống dệt thổ cẩm, mẹ bà là nghệ nhân "lão làng" của nghề dệt. Theo bà Hiền, nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Ri tồn tại từ lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hiện toàn làng Hà Ri có 36 hộ theo nghề dệt thổ cẩm, chủ yếu được cung cấp cho người dân địa phương sử dụng trong các buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ và các lễ hội truyền thống nên những năm qua nghề này chưa phát triển.

Đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền, cách đây 5 năm, làng Hà Ri thành lập tổ dệt thổ cẩm với 15 thành viên tham gia do bà Đinh Thị Hiền làm tổ trưởng, cũng là người có trách nhiệm truyền lại nghề dệt thổ cẩm cho những cô gái trẻ trong làng.

Tổ dệt thổ cẩm của xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) hiện có 15 chị em đang hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Tổ dệt thổ cẩm của xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) hiện có 15 chị em đang hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

“Tôi được học nghề từ năm 15 tuổi qua mẹ của tôi, một nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng Hà Ri. Năm nay mẹ tôi đã 80 tuổi mà tay dệt còn thiện nghệ lắm. Lúc mới học nghề tôi nghĩ chắc không bao giờ mình làm được vì thấy khó quá, khó nhất là công đoạn luồn sợi chỉ, nếu luồn sai là dệt không được. Cũng may là mẹ tôi dạy cho tôi từng công đoạn từ dễ đến khó.

"Nhờ được nhà nước quan tâm hỗ trợ thành lập tổ hội nghề nghiệp, tặng khung dệt, tập huấn dạy nghề… nên nghề dệt thổ cẩm ở địa phương được bảo tồn và phát triển. Nhiều chị em trẻ đã biết dệt thổ cẩm, sản phẩm bán cho du khách, thậm chí có một số nhà thiết kế thời trang ở Hà Nội cũng đặt mua hàng”, bà Hiền chia sẻ.

Du khách tham quan sản phẩm dệt thổ cẩm trưng bày trong nhà văn hóa thôn Hà Ri. Ảnh:

Du khách tham quan sản phẩm dệt thổ cẩm trưng bày trong nhà văn hóa thôn Hà Ri. Ảnh:

Niềm hy vọng mới

Nhìn em Đinh Thị Hương (32 tuổi), "học trò cưng" của bà Đinh Thị Hiền hiện đang là thành viên của tổ hội nghề dệt thổ cẩm xã Vĩnh Hiệp, đang miệt mài với khung quấn sợi, chúng tôi mới thấu hết sự tỉ mẩn của nghề dệt thổ cẩm.

“Hương học nghề lúc 20 tuổi, sau 12 năm miệt mài, bây giờ em đã thành thạo với nghề, sản phẩm thổ cẩm em Hương làm ra được khách hàng rất ưng ý. Người mới học nghề tôi cho học quấn sợi, tách sợi rồi kéo sợi, công đoạn dễ cho học trước. Sau khi học viên rành rõi hết các công đoạn nói trên mới cho học dệt hoa văn”, bà Đinh Thị Hiền cho hay.

Sản phẩm dệt thổ cẩm Hà Ri khá đa dạng, nhưng quen thuộc nhất của đồng bào Bana Kriêm là áo nam, khố nam, áo nữ, chân váy nữ… Theo bà Đinh Thị Choai, một nghệ nhân thâm niên trong nghề, thổ cẩm của đồng bào Bana Kriêm khá giống với thổ cẩm của một số dân tộc thiểu số khác như Chăm, H’rê. Nhưng về hoa văn, họa tiết trang trí thì lại có nhiều nét khác biệt.

“Điểm khác biệt là thổ cẩm của người Bana Kriêm là có nhiều họa tiết hoa văn đường thẳng, đường cong, hình tam giác. Những nét hoa văn li ti chồng lên nhau. Người Bana thường chọn màu đen làm màu chủ đạo trong trang phục thổ cẩm kết hợp với các màu đỏ, trắng và điểm một ít màu vàng, xanh non tạo nên sự mạnh mẽ nhờ sự tương phản cao”, bà Choai diễn giải.

Em Đinh Thị Hương, 1 trong 15 thành viên của tổ dệt thổ cẩm làng Hà Ri bên khung dệt thổ cẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Em Đinh Thị Hương, 1 trong 15 thành viên của tổ dệt thổ cẩm làng Hà Ri bên khung dệt thổ cẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Nhìn những cô gái Bana Kriêm ở làng Hà Ri diện vào người y phục truyền thống, chúng tôi có cảm nhận nét đẹp sơn nữ như được tôn vinh thêm nhờ những hoa văn, họa tiết vừa tinh tế vừa mạnh mẽ trên trang phục thổ cẩm.

“Hiện một bộ trang phục nữ đắt nhất có giá 2,5 triệu đồng, bộ rẻ nhất là 1,6 triệu. Nếu làm ròng rã ngày 8 tiếng đồng hồ thì khoảng 20 ngày là dệt xong một bộ đồ nữ, nếu tranh thủ dệt trong thời gian nông nhàn thì phải mất cả tháng”, bà Hiền cho hay.

Những ngày giữa tháng 3/2025, người dân làng Hà Ri mừng như mở hội khi nhận được thông tin làng dệt thổ cẩm Hà Ri được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề theo quy định tại khoản 3, điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Vậy là kể từ nay, làng dệt thổ cẩm Hà Ri sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định về quy định chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 và các chính sách liên quan.

Trang phục thổ cẩm Hà Ri truyền thống có mặt trong các buổi biểu diễn văn nghệ và các lễ hội truyền thống. Ảnh: V.Đ.T.

Trang phục thổ cẩm Hà Ri truyền thống có mặt trong các buổi biểu diễn văn nghệ và các lễ hội truyền thống. Ảnh: V.Đ.T.

“Nghe thông tin này, không chỉ 15 chị em trong tổ dệt thổ cẩm, mà hầu hết người dân làng Hà Ri đều vui mừng, vì khi được công nhận làng nghề, sản phẩm thổ cẩm Hà Ri sẽ được nhiều người biết đến. Đây là thành quả của nhiều thế hệ người Bana Kriêm ở Hà Ri nỗ lực gìn giữ, bảo tồn nghề dệt trong thời gian qua. Hy vọng sau khi được công nhận làng nghề, dệt thổ cẩm Hà Ri sẽ trở thành sản phẩm quen thuộc trên thị trường”, bà Đinh Thị Hiền trải lòng.

“Hiện UBND huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng hoàn thiện Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri để trình UBND tỉnh phê duyệt. Điểm nổi bật của Đề án là nhấn mạnh việc bảo tồn các giá trị lịch sử lâu đời của làng nghề, các chính sách đào tạo, tập huấn cho đồng bào dân tộc thiểu số…”, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ.

Xem thêm
Dấu hiệu trục lợi dự án đường dây 500KV Lào Cai - Vĩnh Yên

Tại xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ có hiện tượng xây nhà, trồng cây nhằm trục lợi tiền bồi thường từ dự án đường dây 500KV Lào Cai - Vĩnh Yên.

Bình luận mới nhất