Tỷ lệ xử lý vi phạm công trình thủy lợi chỉ đạt 22%
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2023, thị xã Hoài Nhơn là địa phương có số vi phạm nhiều nhất Bình Định với 285 trường hợp, kế đó là huyện Vĩnh Thạnh với 200 trường hợp, huyện Phù Mỹ 83 trường hợp, thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát mỗi địa phương 54 trường hợp, huyện Tây Sơn và huyện Hoài Ân mỗi huyện 46 trường hợp, huyện Tuy Phước 41 trường hợp,... Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ 180 trường hợp được xử lý, chỉ đạt 22%.
“Việc xử lý các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của các cấp chính quyền địa phương chưa có hiệu quả cao, nguyên nhân chính do chính quyền cấp xã chưa thực sự tích cực trong công tác xử lý vi phạm”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cho hay.
Do lơ là của chính quyền cấp xã trong công tác xử lý vi phạm công trình thủy lợi giai đoạn 2018-2023, nên trong năm 2024, các công trình do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý tiếp tục có thêm 110 trường hợp vi phạm; trong đó có 2 công trình do cấp huyện quản lý. Vi phạm chủ yếu là các hành vi trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình, lấn chiếm hành lang kênh làm tường rào, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và làm nhà tạm (năm 2024 cũng chỉ mới có 38 trường hợp đã được xử lý).

Người dân xâm phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi để trồng trọt. Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, số vi phạm trong năm 2024 giảm 69 trường hợp so với năm 2023 (179 vụ); tỷ lệ xử lý các trường hợp vi phạm trong năm 2024 là 35%, dù có tăng hơn năm 2023 nhưng hiệu quả chưa cao.
“Tất cả các trường hợp vi phạm đều được Công ty lập biên bản, gửi công văn đề nghị chính quyền cấp xã xử lý. Thế nhưng chính quyền cấp cơ sở chưa tích cực trong việc xử lý các hộ dân vi phạm”, ông Tánh chia sẻ.
Đơn vị quản lý công trình "bó tay"
Huyện Tuy Phước là một trong những địa phương có tỷ lệ xử lý vi phạm công trình thủy lợi cao nhất Bình Định. Giai đoạn 2018-2023, trên địa bàn huyện này có 41 trường hợp vi phạm thì đến nay đã xử lý 15 trường hợp.
Trong đó, vi phạm phổ biến nhất là người dân trồng cây, xây dựng công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi... trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Nhiều trường hợp còn lấn chiếm sâu để xây tường rào, cổng ngõ kiên cố, hoặc tự ý san lấp mặt kênh, làm cầu bắc qua kênh.
Tại tuyến kênh S thuộc hệ thống kênh Tháp Mão (thôn Định Thiện Tây, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), chúng tôi thấy người dân địa phương lấn chiếm, xây dựng nhiều công trình kiên cố, sử dụng hành lang dọc theo tuyến kênh để trồng cây hoặc biến thành điểm tập kết cây kiểng. Hầu hết những người vi phạm công trình thủy lợi ở đây đều biết là vi phạm, nhưng vẫn cố tình lấn chiếm.

Chăn nuôi gia cầm trong hành lang bảo vệ công trình kênh mương. Ảnh: V.Đ.T.
Từ năm 2018 đến nay, tình trạng trên cũng xảy ra đối với hệ thống tưới Thạnh Hòa ở các tuyến kênh: N2-4 Thạnh Hòa, sông Kôn - Hà Thanh, N2-3, Bờ Nhì đi qua địa bàn các xã Phước Lộc, Phước Sơn (huyện Tuy Phước)...
“Rào cản lớn nhất hiện nay là đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi khi phát hiện vi phạm chỉ có thể lập biên bản hiện trạng vi phạm rồi báo cáo chính quyền địa phương xử lý, chứ không thể trực tiếp xử phạt”, ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cho hay.
“Chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý để phát hiện sớm các trường hợp vi phạm, báo cáo ngay cho lãnh đạo huyện để xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước chia sẻ.