| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/11/2014 , 08:50 (GMT+7)

08:50 - 27/11/2014

Vụ ông Trần Văn Truyền: Đừng “đánh rắn giữa khúc”

Nếu không làm đến cùng là truy nguyên nguồn gốc của những tài sản "khủng" của cán bộ mà chỉ thu hồi thì chẳng khác gì “đánh rắn giữa khúc”.

Khối tài sản được cho là của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, khiến sự bức xúc của dư luận bùng ra, chính là ngôi biệt thự “khủng” ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre (lúc đó, những tài sản khác của ông còn “chìm” trong bóng tối).

Sự bức xúc đó khiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc. Nhưng khi có kết luận, thì hóa ra ngôi biệt thự ở xã Sơn Đông đó lại không phải là tài sản của ông Truyền, mà là của con trai ông, Đại úy CSGT Công an tỉnh Bến Tre Trần Hoàng Anh.

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kịp thời vào cuộc, và chỉ đạo của Ban Bí thư TW sau đó về việc thu hồi một số tài sản do ông Truyền "thiếu gương mẫu” (từ dùng trong KLKT của UBKTTW) mà có, như lô đất 598 B5 đường Nguyễn Thị Định, có diện tích 351 m2; ngôi biệt thự cao cấp số 105 đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, được nhân dân cả nước hoan nghênh, đồng tình. Nhưng ngay sau đó thì sự bức xúc của dư luận lại hướng sang phía khác: Con trai ông Truyền lấy tiền đâu để xây biệt thự “khủng” như vậy?

Ngôi biệt thự tọa lạc trên diện tích 16.000 m2, trị giá trên 20 tỷ đồng. Biệt thự 3 tầng, tầng trệt có diện tích sàn 441,71 m2, tổng diện tích sàn là 1.226 m2. Theo giải trình của ông Truyền, thì tiền xây biệt thự hết 11 tỷ đồng, trong đó 7 tỷ là do vợ chồng ông “dành dụm”, và 4 tỷ đồng đi vay.

Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia xây dựng, thì giá trị xây dựng của ngôi biệt thự đó còn lớn hơn nhiều. Bởi nó có đến 270 cánh cửa. Chỉ riêng 2 cánh cửa bằng hợp kim nhôm đã có giá 850 triệu đồng. Tiền làm cổng và tường bao đã hết trên 3,5 tỷ.

Đại úy Trần Hoàng Anh mới ngoài ba mươi tuổi. Từ lúc học ở trường Đại học Cảnh sát ra, được biên chế vào lực lượng CSGT của Công an tỉnh Bến Tre đến khi ông có hàm đại úy, ít nhất cũng dăm bảy năm. Nghĩa là thời gian ông được hưởng lương đại úy không nhiều. Vợ ông chỉ là một chủ đại lý bia. Vậy nguồn tiền ở đâu để ông mua đất, xây ngôi biệt thự “khủng” kia. Chưa kể ông còn có 3 tỷ đồng góp vốn kinh doanh bia?

Năm 2005, khi trả lời báo chí về nạn tham nhũng và quyết tâm chống tham nhũng của cơ quan Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền đã nói về mánh lới tẩu tán tài sản của bọn tham nhũng, rằng “Ngay cả nhà, đất, họ cũng có đứng tên đâu”.

Sáng ngày 14/6/2010, bên hành lang Quốc hội, khi nói với các nhà báo về chuyện kê khai tài sản của cán bộ công chức, ông nhấn mạnh: “Kê khai phải trung thực”. Ông nói vậy, và đã… làm đúng như vậy. Lô đất 598 B5 đường Nguyễn Thị Định, TP Bến Tre được giao cho ông. Nhưng người đứng tên là Đại úy Trần Hoàng Anh. Ngôi biệt thự cao cấp 105 đường Nguyễn Trọng Tuyển, TP Hồ Chí Minh bán là bán cho ông. Nhưng người đứng tên lại là Trần Thị Ngọc Huệ, con gái ông.

Làm rõ nguồn gốc tài sản, không phải chỉ có mục đích… thu hồi, mà mục đích chính là để bảo vệ cán bộ. Nếu Đại úy Trần Hoàng Anh chứng minh được rằng những tài sản mà ông có là hoàn toàn trong sạch, thì ông sẽ được coi là một cán bộ giỏi cả việc nước lẫn việc nhà, xứng đáng tấm gương để đại chúng noi theo.

Còn nếu không làm đến cùng là truy nguyên nguồn gốc của những tài sản đó, thì chỉ là việc “đánh rắn giữa khúc”.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm