| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 11/03/2025 , 08:40 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:40 - 11/03/2025

Sáp nhập tỉnh với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng

Sáp nhập tỉnh theo Kết luận số 127 của Bộ Chính trị, đang được khẩn trương nghiên cứu thực hiện và trở thành câu chuyện thu hút sự quan tâm cộng đồng.  

Sáp nhập tỉnh là một phần quan trọng trong chủ trương tinh gọn bộ máy và tăng hiệu quả quản lý xã hội, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Nhìn tổng thể, sáp nhập tỉnh phức tạp hơn sáp nhập bộ, sáp nhập ngành. Bởi lẽ, sáp nhập tỉnh còn liên quan đến lịch sử và văn hóa của mỗi địa phương.

Việt Nam đã trải qua nhiều đợt sáp nhập tỉnh, trong nửa thế kỷ hòa bình vừa qua. Năm 1976, Việt Nam chỉ có 38 đơn vị cấp tỉnh, và hiện tại là 63 đơn vị cấp tỉnh. Với diện tích 331.212 km² và dân số hơn 100 triệu, mà chia thành 63 đơn vị cấp tỉnh, thì thực sự hơi manh mún. Chủ trương sáp nhập tỉnh rất cần thiết trong kỷ nguyên công nghệ số, không chỉ giảm gánh nặng ngân sách chi cho đội ngũ công chức, mà còn giảm tình trạng cục bộ địa phương theo kiểu điều hành “cua cậy càng, cá cậy vây”.

Theo lộ trình, sáp nhập 10.500 xã thành 2.500 xã trên phạm vi toàn quốc, thì Việt Nam nên có bao nhiêu đơn vị cấp tỉnh? Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua, đã quyết định phân cả nước làm 6 vùng kinh tế, bao gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam bộ và Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, quá trình sáp nhập tỉnh phải căn cứ trên yếu tố liên kết vùng và tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế vùng.

Tinh thần sáp nhập tỉnh được xác định bảo đảm tính khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc và cầu thị. Cho nên, sáp nhập tỉnh không thể là phép cộng đơn giản về hành chính và địa lý. Trước đây, trong khái niệm “Nam kỳ lục tỉnh” thì khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 4 đơn vị cấp tỉnh là Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Bây giờ, đồng bằng sông Cửu Long có cả thảy 13 đơn vị cấp tỉnh, với nhiều tỉnh rất khiêm tốn về diện tích lẫn dân số, mà không mang một nét đặc thù gì. Cho nên, những tỉnh trước đây đã từng tách ra thì hoàn toàn có thể nhập lại như Bạc Liêu và Cà Mau, Vĩnh Long và Trà Vinh, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Trong xu thế cạnh tranh toàn cầu hóa, việc sáp nhập tỉnh phải tính đến nhu cầu kiến tạo những đại đô thị. Bài học từ mở rộng Hà Nội vào năm 2008 cho thấy sự thành công khi tăng quỹ đất cải thiện diện mạo Thủ đô. Tương tự, TP.HCM hôm nay đã quá chật chội, cần tăng cường quỹ đất xây dựng những công trình đột phá xứng tầm một đại đô thị.

Đối với tương lai thịnh vượng của một quốc gia, thì việc sáp nhập tỉnh là một giải pháp chiến lược. Do đó, những hạt nhân phát triển luôn giữ vị trí then chốt với cơ chế riêng. Có thể nhìn cách Trung Quốc thiết kế bốn đại đô thị Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh để tham khảo. Vốn thuộc tỉnh Hà Bắc, thành phố Thiên Tân được tách ra để định vị một “thành phố sinh thái”. Còn thành phố Trùng Khách tách ra khỏi tỉnh Tứ Xuyên để định vị một “khu thí nghiệm cải cách toàn diện đô thị và nông thôn quốc gia”.

Bình luận mới nhất