| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 26/03/2025 , 15:28 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 15:28 - 26/03/2025

Cây xanh đô thị có phải gánh nặng khi cải tạo cảnh quan?

Cây xanh đô thị lại trở thành câu chuyện nóng bỏng, khi quá trình thi công cải tạo vỉa hè một đoạn đường tại TP.HCM, đã có 17 cây xanh bị đốn hạ.

Cây xanh đô thị rất quan trọng đối với môi trường sinh thái các thành phố lớn. Thế nhưng, cây xanh đô thị vẫn chưa có được một cơ chế bảo vệ hợp lý. Thật khó hiểu, khi chỉ cải tạo vỉa hè một đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai ở quận 1, TP. HCM thì cả thảy 17 cây lim sẹt có chiều cao 10m đã bị đốn hạ, với lý do được Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM biện giải “đơn vị thi công đã làm đứt một số rễ của các cây trên, nhận thấy có khả năng mất an toàn trong mùa mưa bão sắp tới nên đơn vị đã xin phép đốn hạ, trồng mới thay thế”.

Câu hỏi đặt ra: Khi triển khai cải tạo vỉa hè, không ai tính đến giải pháp an toàn cho cây xanh đô thị chăng? 17 cây lim sẹt đang xanh tốt, bỗng dưng biến mất khỏi cảnh quan khu vực trung tâm TP.HCM, thì không ai có trách nhiệm ư? Sở Giao thông công chánh TP. HCM từng có văn bản yêu cầu các dự án chỉnh trang đô thị phải có phương án xử lý phù hợp để không ảnh hưởng đến cây xanh, nhất là vùng rễ trọng yếu của cây xanh. Đáng tiếc, cây xanh đô thị vẫn tiếp tục ngã xuống, mà chưa thấy đơn vị nào bồi hoàn.

Không thể phủ nhận vai trò của cây xanh đô thị. Không chỉ đem lại bóng mát, cây xanh đô thị còn phản ánh năng lực quản trị môi trường và lưu giữ vẻ đẹp ký ức văn hóa cho cộng đồng. Vì vậy, khi quận Hoàn Kiếm đề xuất với UBND Hà Nội xin phép chặt hạ và dịch chuyển 25 cây xanh để nâng cấp vườn hoa Lý Thái Tổ, thì dư luận phản ứng gay gắt và chính quyền đã thay đổi kế hoạch.

Nhìn về mật độ cây xanh đô thị, Hà Nội vẫn vượt trội so với TP.HCM. Hiện tại, tỷ lệ cây xanh tính theo dân số của TP.HCM đang dưới 1m2/người, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu 10m2/người mà Liên hiệp quốc khuyến cáo. Đáng tiếc thay, trong tốc độ tăng trưởng của TP.HCM, chưa có bài toán cho cây xanh đô thị. Chỉ cần một đợt cải tạo cảnh quan, thì hàng loạt cây xanh rơi vào vòng xoáy bẽ bàng. Theo thống kê từ giữa năm 2024 đến nay, riêng địa bàn quận 1, TP.HCM đã có tổng cộng 632 cây xanh bị xâm hại. Trong đó, những tuyến đường có số cây xanh bị tác động nghiêm trọng, phải kể đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn…  

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như thế nào để giảm thiểu sự mất mát cây xanh đô thị? Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cho biết, họ vẫn liên tục tuần tra và nhắc nhở nhưng việc thi công cải tạo vỉa hè phần lớn thực hiện vào ban đêm nên vô cùng khó khắn để khống chế hành vi xâm hại cây xanh.  

Quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến nhiều thành phố lớn ngột ngạt hơn. Nếu vẫn thờ ơ với cây xanh đô thị thì chất lượng sống của cư dân sẽ trở nên tồi tệ. Xin lưu ý, cây xanh đô thị không phải gánh nặng khi cải tạo cảnh quan. Cần luật hóa các quy định chăm sóc và gìn giữ cây xanh đô thị. Bởi lẽ, lúc triển khai một dự án, nhiều đơn vị hứa hẹn dịch chuyển cây xanh về vườn ươm để trồng lại ở vị trí phù hợp, nhưng sau đó đều không có sự giám sát nào và mọi thứ chìm vào lãng quên.