| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: 'Vỡ trận' cao su!

Thứ Tư 22/07/2015 , 09:49 (GMT+7)

Định hướng đến năm 2020, tỉnh Gia Lai sẽ chuyển 66.457 ha đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo sang trồng cao su tại 13 huyện, TX.

* UBND tỉnh không lường trước hậu quả

Thế nhưng "siêu dự án" qua 7 năm đã chỉ ra nhiều bất cập về KT-XH. Dự án vượt quá tầm tay, tỉnh Gia Lai đành phải cầu cứu TƯ.

Dự án... chết lâm sàng

Theo chủ trương, sẽ có 51.547 ha đất rừng nghèo tự nhiên, 4.991 ha đất rừng trồng, 9.919 ha đất trống được chuyển đổi sang trồng cao su. Dự án được vẽ ra như là một bức tranh đẹp, và cấp tốc triển khai ngay từ năm 2007.

UBND tỉnh Gia Lai "hồ hởi" cấp phép cho 44 dự án của 17 DN thuê đất để trồng cao su. Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có 5 huyện thực hiện dự án với 32.555 ha, tổng chi phí đầu tư 4.670 tỉ đồng.

Tại huyện biên giới Đức Cơ, vì được trồng trên đất rừng khộp, nghèo dinh dưỡng, nền cát pha xen lẫn đá sỏi nên cao su phát triển chậm. Bước sang năm thứ 7 nhưng cây cao su của Cty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức vẫn chưa thể cho khai thác.

Tại huyện Chư Pưh, một số diện tích đang bị phá bỏ để chuyển mục đích, số khác phát triền èo uột. Thảm hơn, một số diện tích có dấu hiệu ngừng đầu tư, chăm sóc.

"Đại gia" Hoàng Anh Gia Lai được ưu tiên giao 1.526 ha đất tại huyện Ia Pa nhưng cây cao su phát triển rất kém. Để cứu vãn tình thế, nhiều diện tích cao su của Hoàng Anh Gia Lai đã bị chặt bỏ, chuyển sang trồng mía và xây dựng trại bò.

Báo cáo của HĐND tỉnh Gia Lai tại kỳ họp thứ IX mới đây về chất lượng vườn cao su của dự án - sau quá trình đi thực địa khiến ai cũng phải giật mình: 10,2% diện tích cao su đã trồng bị chết và kém phát triển.

Diện tích cây có tỷ lệ sống thấp, phát triển quá kém lên đến 65%. Có lô bị chết hoàn toàn, cá biệt có lô cao su chủ dự án trồng lại nhiều lần nhưng cây vẫn không phát triển...

Việc tuyển dụng lao động đã không đạt được mục tiêu lúc đề ra, đã và đang là vấn đề nổi cộm của các cấp, các ngành ở tỉnh Gia Lai.

Tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị Chính phủ đầu tư mở rộng thị trường xuất khẩu cao su, có chính sách đầu tư về vốn nhằm duy trì, giữ vững diện tích cao su hiện có.

Ông Đinh Duy Vượt, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai cung cấp một con số... đau đầu: "Chỉ 2.254 lao động được tuyển thay vì 9.379 lao động như dự án đã phê duyệt, trong đó chỉ có 777 lao động là người dân tộc thiểu số. Mức lương, tiền công, đời sống của người dân trong vùng dự án rất khó khăn".

Như vậy, mục tiêu chính của việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su là để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân đã bị vỡ kế hoạch ngay từ ban đầu.

Nhờ Trung ương cứu

Kế hoạch tốt đẹp bị "vỡ trận", kéo theo việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ an sinh xã hội vùng dự án cũng bị vỡ.

Chưa hết, suốt trong mấy năm liền, giá cao su liên tục "đổ đèo", lao xuống tận đáy nên việc đầu tư vào vườn cây trở nên dè dặt, theo đó nhiều vườn cây bị bỏ mặc, thậm chí không ít vườn cây đã khai thác năm đầu hoặc chuẩn bị bước vào khai thác cũng bị chặt hạ không thương xót.

Khối lượng lớn gỗ cao su được các doanh nghiệp tận thu, vận chuyển đã làm hư hỏng, xuống cấp đường giao thông địa phương.

Quan trọng hơn nữa là đã làm "xói mòn", "xuống cấp" niềm tin của nhiều người vào cây cao su, vốn là một trong những loại cây chủ lực của Gia Lai, của Tây Nguyên...

Nghịch cảnh hơn, dự án được triển khai đã 7 năm nhưng đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa nộp một đồng nào vào ngân sách Nhà nước. Trong khi khoản tiền bán gỗ tận thu từ dự án, các doanh nghiệp còn nợ ngân sách tỉnh này hơn 8 tỷ đồng.

Kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai diễn ra từ ngày 15-17/7 mới đây, dự án "Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng 50.000 ha cao su" đã làm nóng nghị trường. Các nguyên nhân được đưa ra "mổ xẻ" để cứu vãn tình thế đang nguy cấp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai,ô ng Đinh Duy Vượt thẳng thắn: "Việc tổ chức, triển khai dự án quá chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích để đạt về số lượng, diện tích".

Bên cạnh đó, ông còn chỉ rõ, công tác phối hợp giữa các ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa tốt về tình hình triển khai dự án, tuyển dụng lao động, hỗ trợ an sinh xã hội, chế độ BHXH cho công nhân...

Trước nguy cơ cận kề của dự án là bị vỡ kế hoạch, tỉnh Gia Lai mong muốn Chính phủ, Bộ NN-PTNT sớm quyết định kết thúc việc phát triển cây cao su trên đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các dự án trồng rừng thay thế, phục hồi lại rừng nghèo.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.