Kinh tế tập thể đang phục hồi
Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế TƯ thì sau gần 3 năm thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị và triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, thành phần kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX đã dần phục hồi phát triển.
Đóng góp của khu vực HTX vào GDP trong hai năm 2013, 2014 tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Tổng doanh thu của các HTX năm 2014 đạt 24 ngàn tỉ đồng, tăng 2.460 tỉ đồng so với năm 2013.
Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2014 là 1.585.382 người, tăng 57 ngàn người so với 2013.
Đến cuối năm 2014, cả nước có 10.446 HTX nông nghiệp. Phần lớn các HTX tham gia cung cấp dịch vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp: dịch vụ chuyển giao tiến bộ kĩ thuật, dịch vụ thủy lợi, cung cấp giống cây trồng, vật tư, phân bón, thuốc thú y, tín dụng nội bộ, làm đất...
Trong những năm gần đây hình thành những HTX nông nghiệp kiểu mới xuất phát từ nhu cầu hợp tác tham gia cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trở thành nhân tố quyết định tính bền vững, hiệu quả của các mô hình liên kết hợp tác trong sản xuất của người dân.
Ngoài ra, mô hình kinh tế HTX còn phát triển ở các lĩnh vực khác, cả nước có tới 4.374 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; 1.052 HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, 948 HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Đặc biệt, thời gian qua, mô hình Quỹ tín dụng nhân dân TƯ với 1.146 Quỹ tín dụng đã phát triển thành Ngân hàng HTX có chức năng điều tiết và làm cầu nối các Quỹ tín dụng với cơ quan Trung ương nhằm đảm bảo tốt hoạt động cung cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương thì Ngân hàng HTX chính là một mô hình HTX kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực tín dụng và đang có tốc độ phát triển rất nhanh. Hiện tổng vốn trong các Quỹ tín dụng nhân dân đã đạt mức 74 ngàn tỉ đồng, gấp 2,6 lần năm 2010.
Cán bộ còn chưa thông...
Mặc dù, số lượng HTX được thành lập trong hai năm qua đã gia tăng đáng kể tuy nhiên so với nhu cầu thực tế thì chưa đạt vì vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế ở các địa phương.
Trên thực tế, sự suy sụp của hệ thống HTX trong suốt 20 qua đã hình thành tư tưởng hoài nghi, không tin tưởng vào vai trò, vị trí của kinh tế tập thể HTX trong hàng ngũ cán bộ.
Thêm vào đó, là cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã vẫn giữ thói quen can thiệp quá sâu vào hoạt động của các HTX nông nghiệp.
Bộ máy tham mưu, quản lý Nhà nước từ TƯ đến địa phương chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể. Công tác tham mưu cho UBND cấp tỉnh còn thiếu thống nhất, có tỉnh thì giao cho Sở NN-PTNT, có tỉnh lại giao cho Sở KH-ĐT, nhiều tỉnh giao cho Liên minh HTX...
Điều đó cho thấy nhận thức về kinh tế tập thể của rất nhiều cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa thống nhất thậm chí còn thiếu ý thức trách nhiệm.
Việc này dẫn đến các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế tập thể bị đình trệ.
Hợp tác xã kiểu mới là gì?
Phát biểu tại Hội nghị, trước thực trạng còn nhiều cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng về vị trí vai trò của kinh tế tập thể, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương MTTQ VN khẳng định: “Phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân”.
Lý giải, ông Nhân nêu ra 6 điểm mâu thuẫn trong nông nghiệp đang tồn tại và phải dựa vào mô hình kinh tế tập thể để giải quyết.
Một là, nông dân sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không biết nhu cầu thị trường.
Hai là, nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn.
Ba là, năng suất tăng liên tục nhưng thu nhập tăng rất chậm.
Bốn là, nông dân phải liên kết với doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ dân riêng lẻ.
Năm là, thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha mỗi hộ.
Sáu là, nông dân cần ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học – công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho hàng triệu hộ riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha và nuôi trồng những loại cây, con khác nhau.
Để giải quyết 6 mâu thuẫn này, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần phải có một mô hình liên kết tập thể hay còn gọi là một HTX kiểu mới.
Mô hình HTX kiểu mới sẽ khác với mô hình HTX cũ ở chỗ, bản thân các hộ xã viên vẫn là người sản xuất trực tiếp và sản phẩm cây, con mà họ làm ra thuộc sở hữu của họ, không phải của HTX.
Nguyên tắc hoạt động của HTX kiểu mới là chỉ làm những cái gì xã viên không thể làm được, qua đó làm cho sản xuất của các hộ xã viên hiệu quả cao hơn như mua vật tư trên thị trường; dịch vụ làm đất, thủy lợi; vay vốn cho sản xuất; tổ chức dạy nghề cho nông dân; nghiên cứu nhu cầu thị trường và qui hoạch trồng cây, nuôi con phù hợp với nhu cầu thị trường; tiêu thụ sản phẩm cho hộ nông dân; xây dựng nhà kho, chế biến sản phẩm; xây dựng các quỹ dự phòng rủi ro.
Sản phẩm dịch vụ mà HTX kiểu mới cung cấp cho xã viên sẽ rẻ hơn so với giá thị trường và mỗi xã viên cũng sẽ có cổ phần trong HTX, được chia sẻ quyền lợi từ hoạt động kinh doanh của HTX theo mức vốn góp của mình.
Đồng ý với quan điểm của Chủ tịch Trung ương MTTQ VN, ông Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh con đường phát triển kinh tế tập thể là hướng đi đúng trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay.
Để thúc đẩy các mô hình kinh tế HTX kiểu mới, ông Lê Hồng Anh đề nghị các Bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam cần làm rõ: cơ quan nào ở cấp quốc gia có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu thị trường để cung cấp các thông tin thị trường phù hợp cho các địa phương, HTX và doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại cần triển khai quyết liệt việc cho các HTX kiểu mới vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ để tạo điều kiện cho các HTX kiểu mới tăng tốc phát triển trong 2-3 năm tới. |