| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 17/09/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 17/09/2015

Lại nóng 'quyền im lặng'

Việc đưa quyền im lặng của bị can khi mới bị bắt để chờ có luật sư, hoặc của bị cáo tại tòa vào luật, nhằm đảm bảo quyền cho bị can, bị cáo là một điều hết sức hợp lý, được dư luận xã hội tán thành.

Trong cuộc hội thảo “Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung - Tác động đa chiều” do Hội luật gia Việt Nam tổ chức vào ngày 15/9, vấn đề quyền im lặng đã trở thành một chủ đề nóng bỏng.

Có thể nói ngay, quyền im lặng là quyền mà tạo hóa ban cho con người. Vì vậy, việc đưa quyền im lặng của bị can khi mới bị bắt để chờ có luật sư, hoặc của bị cáo tại tòa vào luật, nhằm đảm bảo quyền cho bị can, bị cáo là một điều hết sức hợp lý, được dư luận xã hội tán thành.

Hợp lý, vì hiện tại cơ quan điều tra hay có hình thức “khai thác nóng”, nghĩa là hỏi cung bị can ngay sau lúc bị bắt. Về mặt tâm lý, khi bị bắt, bị can thường hoang mang, chưa kịp bình tĩnh, nên thường có những lời khai chống lại mình.

Với những ĐTV có cách làm việc không trong sáng, họ không thiếu gì cách để buộc bị can phải nhận tội theo ý mình, ví như họ có thể thay nhau mỗi người vài ba tiếng, người sẵng, người ngọt, để “quần” bị can suốt cả ngày, khiến bị can mệt rũ, đói không được ăn, khát không được uống, tinh thần trở nên hoang mang, cuối cùng đành buông xuôi, và kết quả là nhận tội theo ý của người hỏi cung.

Nhưng một khi quyền im lặng để chờ sự có mặt của luật sư được đưa vào luật, những bản cung không có sự chứng kiến của luật sư trở thành những bút lục bất hợp pháp, thì những tình trạng trên sẽ hoàn toàn chấm dứt.

Không thể lấy lý do là bị can im lặng sẽ cản trở việc phá án, hay hiện nay chúng ta có quá ít luật sư (cả nước mới chỉ có khoảng 10.000 luật sư) để biện minh. Cũng như vậy, dù Bộ luật TTHS của ta hiện nay cũng đã công nhận một phần của quyền im lặng đó rồi, là bị cáo có thể nhưng không cần chứng minh sự vô tội của mình trước Tòa.

Việc chứng minh bị cáo có tội hay không có tội là việc của các cơ quan tố tụng. Nghĩa là bị cáo hoàn toàn có thể im lặng trước Tòa.

Nhưng theo Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, thì “xưa nay chúng ta cho quyền không khai báo, không nhận tội. Nhưng tôi có 30 năm làm tòa án tôi biết, người nào không nhận tội thì dứt khoát Tòa cho người đó là ngoan cố, không khai báo, và chắc chắn xử nặng, không nhận tội dứt khoát không được hưởng án treo vì Tòa cho rằng không ăn năn hối cải”.

Nghĩa là Tòa án cứ vô tư làm sai luật, khiến không biết bao nhiêu bị cáo, chỉ vì thực hiện đúng quyền của mình do luật định, mà phải chịu thiệt thòi.

Còn chần chừ gì nữa, những người soạn thảo Bộ luật TTHS sửa đổi lần này nên tiếp thu những ý kiến tâm huyết đó để đưa quyền im lặng vào luật, nói như Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, thì “việc đưa quyền im lặng vào Bộ luật TTHS sửa đổi lần này, là một đòi hỏi của thực tiễn khách quan và giúp nâng cao năng lực nghiệp vụ của ĐTV.

Cần in thật to ba chữ “quyền im lặng”, treo ở phòng hỏi cung, để bị can biết được quyền của mình”. Hay nói như GS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì “quyền im lặng không phải là quyền con người thì là quyền con gì?”.

Bình luận mới nhất