| Hotline: 0983.970.780

Lại rộ chuyện chất cấm trong chăn nuôi

Thứ Hai 03/08/2015 , 15:10 (GMT+7)

Người chăn nuôi hầu hết sử dụng chất Salbutamol được ngành y điều trị hen suyễn để trộn vào thức ăn, tạo nạc cho heo nhằm bán được giá.

Từ đầu năm 2015 đến nay, giá thịt heo tăng và ổn định, người chăn nuôi có lãi nên không ít chủ trang trại đã đưa chất cấm Salbutamol trộn vào thức ăn nhằm tăng tỷ lệ nạc cho heo để bán được giá...

Ngày 31/7, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai thông báo, sau khi kiểm tra 48 trang trại nuôi heo ở các huyện trong tỉnh đã phát hiện 14 trang trại có sử dụng chất tạo nạc, vốn gây nguy hiểm cho người tiêu dùng nằm ở huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom và Long Thành. 

Các chủ trại bị nêu tên là Trần Thanh Nghị, Bùi Thị Sáu, Nguyễn Thành An, Nguyễn Khoa Hồ, Trịnh Minh Tâm (Vĩnh Cửu);

Huyện Trảng Bom có 5 trang trại của các ông Phạm Trà, Phan Thanh Canh (xã Tây Hòa) và Trần Thanh Phong, Phạm Mai Trang, Nguyễn Hữu Trung (xã Đông Hòa)... mỗi trang trại vi phạm có tổng đàn heo nuôi khoảng 100 con.

Kết quả xét nghiệm cho thấy người chăn nuôi hầu hết sử dụng chất Salbutamol được ngành y điều trị hen suyễn để trộn vào thức ăn, tạo nạc cho heo nhằm bán được giá.

Nên nhớ, trước đó trong năm 2014, qua kiểm tra 2 đợt với tổng số 52 mẫu, tỉnh Đồng Nai cũng đã phát hiện có 6 mẫu chứa chất cấm ở huyện Trảng Bom, Xuân Lộc và Vĩnh Cửu.

Trong lần kiểm tra đợt 1/2015 vừa qua, Chi cục Thú y Đồng Nai cũng đã phát hiện 3/40 mẫu dương tính tại 2 huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom.

Như vậy, kể từ năm 2012 khi dư luận rộ lên tình trạng sử dụng chất cấm tạo nạc ở mức các hộ nuôi nhỏ lẻ thì đến nay việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể nói đang ở mức báo động!

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, đối với những trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm, ngành Thú y chỉ xử phạt tối đa số tiền 15 triệu đồng/trang trại, đồng thời tạm giữ đàn heo giao cho địa phương quản lý.

Thế nên, dự kiến từ ngày 3/8, Chi cục sẽ tiếp tục kiểm tra các đàn heo lấy mẫu đưa đi xét nghiệm để xác định có còn tồn dư chất cấm hay không, sau đó mới quyết định cho giải tỏa đàn.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng trạm Thú y huyện Trảng Bom, có nhiều khả năng là các hộ chăn nuôi vi phạm đã mua chất cấm từ bên ngoài thị trường, sau đó đã trộn vào thức ăn cho heo trong vòng 7-10 ngày trước lúc xuất chuồng.

“Bởi trong quá trình kiểm tra các loại thức ăn hỗn hợp dùng cho heo trên thị trường, chúng tôi không phát hiện chất cấm trong đó. Ngoài ra, có thể chất cấm được chính các thương lái đưa cho người chăn nuôi cho heo ăn trước khi sắp xuất chuồng để đẹp “mã”, mua với giá cao hơn, thông thường từ 1.000-2.000 đồng/kg heo “ăn thuốc” so với heo thường”, ông Thành cho biết.

Dấu hiệu lâm sàng heo “ăn” thuốc thường thấy là đa số nằm im trên sàn và thở hổn hển. Có trường hợp cố đứng lên nhưng chân run yếu nên có muốn bước đi cũng không nổi.

Trái lại heo khỏe mạnh khi thấy người xuất hiện ở chuồng là kêu eng éc và vội di chuyển đi chỗ khác.

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, trước đây rất dễ nhận biết heo “ăn” chất cấm qua đánh giá cảm quan vì vai nở, mông to.

Nay người chăn nuôi dùng nhiều chiêu thức nên muốn đánh giá chính xác việc sử dụng có chất cấm phải xét nghiệm nước tiểu của con heo khiến quá trình xử lý kéo dài, phức tạp.

“Xử phạt hành chính, công khai danh tính người vi phạm, cũng đã làm hết rồi. Nhưng theo tôi, về lâu dài phải tính toán đến việc xử lý hình sự các chủ trang trại mua bán, sử dụng chất cấm để bảo vệ các trại nuôi heo chân chính, đảm bảo sản phẩm chăn nuôi có chất lượng”, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai.

Cũng theo ông Thảo, việc sử dụng chất cấm đa phần xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do nhận thức còn hạn chế, lại bị tư thương xúi giục vì lợi nhuận.

Nếu quản lý chặt chẽ các hộ nuôi heo này thì tư thương hết đường làm ăn, thực trạng sử dụng chất cấm sẽ giảm.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, những biện pháp xử lý hiện nay của chính quyền không đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe các hộ sử dụng chất cấm.

Các hộ chăn nuôi lén lút sử dụng chất cấm gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi của cả tỉnh Đồng Nai, bởi địa phương này có tổng cộng 2.500 trang trại với tổng đàn 1,5 triệu con heo, đứng đầu đàn heo cả nước và nơi cung cấp cho nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM.

Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần trước đây rồi, nhưng do xử phạt, chế tài chưa đủ răn đe nên mặc nhiên tái đi, tái lại nhiều lần.

"Theo tôi, ngoài việc xử phạt theo luật thì ít nhất cũng phải cấm xuất chuồng 1 tháng đối với hộ vi phạm thì họ mới sợ, đồng thời có thể xem xét rút luôn giấy phép chăn nuôi”, ông Công nói.

Còn theo PGS.TS Lã Văn Kính, Phó Viện trưởng Viện KHKTNN miền Nam, không chỉ chất cấm trộn trong thức ăn chăn nuôi mà nhiều nguyên liệu thức ăn bổ sung khác hiện nay cũng có nguy cơ chứa chất kích thích tạo nạc.

Cụ thể như premix vitamin - khoáng, men tiêu hóa, probiotic, choline chloride, chromium picolinate, thức ăn bổ sung lạ có quảng cáo công dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc... được cố tình đưa vào để tăng hiệu quả, lôi kéo người chăn nuôi sử dụng.

Điều đó khiến không chỉ ngành chăn nuôi bị thiệt hại do người tiêu dùng ngại sử dụng thịt có chất cấm mà người SX TĂCN chân chính, người nuôi heo đàng hoàng cũng bị vạ lây.

NHÓM PV

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất