Đánh giá về Luật hiện hành, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhận xét, Luật đã bó hẹp cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều can thiệp mang tính hành chính của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp còn diễn ra. Đồng thời, việc bao quát công tác quản lý dòng vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn nhà nước nhiều chỗ còn thiếu chặt chẽ.
Trong quá trình nghiên cứu khi xây dựng dự thảo Luật, Chính phủ thống nhất với đề nghị của các bộ, ngành, doanh nghiệp sẽ không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật, và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chịu trách nhiệm.
Cụ thể, đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách); cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ…
Về nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế, Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, việc quản lý và sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước.
Dựa trên phương án này, ước tính số nộp ngân sách nhà nước từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia sẽ giảm mỗi năm gần 20.000 tỷ đồng, đồng thời doanh nghiệp được sử dụng nguồn này theo quy định của Chính phủ.
Phó Thủ tướng đánh giá, phương thức mới sẽ giúp Nhà nước chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu vốn, bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là tài sản của pháp nhân doanh nghiệp, thay vì đồng nhất với tài sản của Nhà nước như cách hiểu trước đây.
Sự thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước được chủ động hơn, quyết định kinh doanh, đầu tư, huy động vốn sẽ không còn bị phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với tư cách một chủ thể kinh tế hoạt động theo nguyên tắc thị trường và các quy định pháp luật liên quan.
Dự thảo Luật theo tờ trình của Chính phủ cũng tăng phân cấp, quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Thay vì tập trung quyền quyết định ở Thủ tướng, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ được trao nhiều quyền hơn.
Những dự án đầu tư thuộc nhóm A hoặc có tổng mức đầu tư vượt 50% vốn điều lệ sẽ được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định, trong khi những dự án khác giao doanh nghiệp tự quyết định. Phủ Thủ tướng cho rằng, sự phân cấp này sẽ giảm tải công việc cho Thủ tướng, đảm bảo vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn như một nhà đầu tư thực thụ, đồng thời tăng tính linh hoạt trong quá trình ra quyết định.
Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 62 điều. Trong đó, một số điểm đáng chú ý như hoạt động sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp là quá trình thực hiện thường xuyên tại các doanh nghiệp, được thực hiện đồng thời với việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Luật này.
Việc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo linh hoạt, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu quản lý vĩ mô nền kinh tế đối với từng ngành, nghề, lĩnh vực nhà nước đầu tư vốn trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sẽ không thực hiện xác định trong giá trị doanh nghiệp khi chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với tài sản là các công trình, dự án kết cấu hạ tầng đang được giao doanh nghiệp quản lý, khai thác do nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể về thẩm quyền, quyết định, phạm vi, nội dung sử dụng quỹ, bảo đảm nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Mạnh lưu ý rằng, bên cạnh các doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước, hiện còn có những loại hình doanh nghiệp khác có vốn nhà nước đầu tư mà chưa được quy định trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.