| Hotline: 0983.970.780

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Thứ Ba 13/06/2017 , 07:45 (GMT+7)

Trên cả 19 tiêu chí, sự hài lòng của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Nội trở thành một thước đo quan trọng nhất…

Trong những ngày hè nắng lửa lịch sử trên 40oC của Hà Nội năm nay mới thấy thêm quý, mới thấy thêm yêu những hàng cây xanh và con đầm rộng mênh mông của xã Lại Yên, huyện Hoài Đức. Con đầm như một viên ngọc quý còn sót lại giữa cơn lốc bê tông hóa, san lấp ao hồ đang diễn ra ào ạt ở nhiều vùng ngoại thành khiến không khí trở nên bức bối, oi nồng.

Bởi vậy mà đoàn công tác đi kiểm tra tình hình NTM do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dẫn đầu đã vô cùng ấn tượng khi được dịp đi dọc theo con đầm này. Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Hùng kể rằng, Lại Yên vốn là xã vùng trũng, trước đây rất sẵn hồ ao nhưng việc giãn dân, giãn cư những năm 1990 - 1995 chúng bị lấp gần hết.

10-33-41_dsc_8534
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất rau sạch

Khi mọi thứ dần trở nên ngột ngạt, khó chịu thì địa phương mới chợt giật mình ra tay bảo vệ con đầm duy nhất còn lại chạy từ đầu làng đến cuối làng. Trong những ngày hè oi ả, con đầm trở thành một cảnh quan tươi mát, thành một “lá phổi" điều hòa khổng lồ, làm dịu đi cái nắng chói chang cho cả xã. Với chiều dài 1,4km, được thiết kế một con đường đẹp đẽ với hàng lan can uốn lượn vòng quanh, con đầm trở thành một cảnh quan hiếm thấy cho nhiều người đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Cũng theo anh Đỗ Xuân Hùng, trước đây con đầm rất bẩn bởi hai bên bờ các gia đình đổ đất lấn chiếm, xả rác, xả nước thải sinh hoạt lung tung nên buộc chính quyền phải ra hẳn một kế hoạch cải tạo. Giữa thời buổi đất đai đắt đỏ, mới đầu, khi động vào quyền lợi của một số người, họ đã vấp phải phản ứng quyết liệt. Nhiều gia đình lấn chiếm đất không những không trả lại mà còn viết đơn thư khiếu kiện vượt cấp, rất phức tạp.

Tuy nhiên, mưa dầm thấm lâu, vận động đúng, vận động nhiều cũng có chuyển biến. Sau khi lòng dân đồng thuận, bờ đầm được xây dựng, đến năm 2012 thì xong, tổng kinh phí mất 40 tỷ đồng.

Không chỉ có quy hoạch đẹp đẽ mà cả hai bên bờ đều có hàng lang bảo vệ, rất an toàn cho trẻ nhỏ vui chơi. Không những vậy, thủ phạm gây ô nhiễm chính trước đây là đường nước thải sinh hoạt đã bị tách riêng để xử lý, không cho chảy xuống đầm nữa. Đầm được giao cho HTX quản lý, có người trông coi, làm vệ sinh đều đặn.

10-33-41_dsc_8488
Một góc đầm Lại Yên
Đoàn đi đến đâu cũng thấy người dân niềm nở, cười tươi. Kết quả thống kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong việc xây dựng NTM đạt đến 95,2%. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, sự hồ hởi, phấn khởi của người dân là một chỉ dấu quan trọng đánh giá sự thành công của chương trình NTM chứ không phải đơn thuần chỉ là cơ sở hạ tầng.

Hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng lễ hội làng Lại Yên lại tưng bừng mở màn thi bắt vịt trên mặt đầm. Luật chơi là 3 thanh niên đuổi bắt 1 chú vịt. Mới nghe qua thì tưởng giản đơn nhưng lại cực kỳ khó bởi vịt bơi lội rất tài. Nước đầm trong leo lẻo, người mệt phờ bơi đuổi theo chú vịt đang nhởn nhơ lặn ngụp. Hai bên bờ là hàng trăm khán giả xúm xít lại xem và rào rào tán thưởng…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã đi thăm cơ sở sản xuất hương thơm của gia đình ông Nguyễn Đình Cường ngay ở bên bờ đầm. Gió đầm mát rượi khiến cho mấy chục công nhân trong xưởng cũng thêm phần tươi tỉnh giữa cái nóng đang hầm hập ở trên đầu. Hàng của xưởng hương chủ yếu để xuất khẩu nên thu nhập của công nhân đạt 5 - 6 triệu/người/tháng.

Rời Lại Yên đoàn đến thăm HTX rau sạch Tiền Lệ ở xã Tiền Yên. 18 hộ gia đình đầu tiên tham gia vào mô hình sản xuất rau an toàn rộng 3ha từ năm 2009 tất cả nay đều đã xây nhà gác hết lượt với thu nhập đảm bảo cho cả hai vợ chồng là khoảng 12 triệu/tháng. Hầu hết sản phẩm đều được xuất cho các nhà hàng, siêu thị trong phố.

Do làm ăn được nên HTX đã mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên tới 31ha. Nếu như 3ha đầu còn trông đợi vào nhà nước hỗ trợ các cơ sở hạ tầng thì tất cả những mô hình về sau đều do xã viên tự đầu tư, tự xây dựng. Trong nhà lưới, bà con chỉ sử dụng thuốc BVTV sinh học và đảm bảo thời gian cách ly mới thu hái.

Anh Nguyễn Khắc Đạo, Trưởng nhóm sản xuất rau an toàn kiến nghị với đoàn, chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với người nông dân một cách thực chất, tránh để họ lợi dụng mà “treo đầu dê, bán thịt chó”: "Gần 10 năm chúng tôi làm rau sạch đã tiếp xúc với rất nhiều loại doanh nghiệp chỉ muốn lợi dụng người nông dân để hợp thức hóa sản phẩm không sạch của họ. Do đó, trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp, chính quyền phải là trọng tài để chỉ đạo chơi sao cho đúng luật, bất cứ bên nào vi phạm thì phải có thẻ vàng, thẻ đỏ xử phạt…".

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.