Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng
Huyện Đà Bắc có tổng diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Hoà Bình với gần 78 nghìn ha, nằm ở độ cao khoảng 560m, nhiều ngọn núi cao trên 1.000m so với mực nước biển. Đà Bắc cũng là địa phương được quy hoạch vào Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Với mặt hồ rộng hơn 6.000 ha thuộc lòng hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều đảo lớn, nhỏ và các cánh rừng trải dài, nhiều loài thủy sản phong phú, cùng tuyến đường thủy từ thành phố Hòa Bình qua Đà Bắc đến Sơn La, đem lại cho huyện tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.

Huyện Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình đang tập trung phát triển mô hình phát triển du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh bền vững. Ảnh: Bảo Hà.
Những năm qua, Huyện Đà Bắc đang tập trung phát huy tiềm năng, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển ngành du lịch để đưa Đà Bắc trở thành điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm. Ngoài việc khai thác lợi thế về cảnh đẹp thiên nhiên, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, cấp uỷ, chính quyền cơ sở phát triển các loại hình du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng với du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng cùng các hoạt động vui chơi giải trí.
Chị Đinh Thị Hảo - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cộng đồng Đà Bắc (Đà Bắc CBT) cho biết, hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi đang được định vị là phục vụ du khách có mức chi trả thấp, thu nhập của người dân chủ yếu đến từ cung cấp dịch vụ ăn, ngủ với giá rẻ nên doanh thu chưa cao. Trong khi đó, du khách hiện nay có nhu cầu lớn về trải nghiệm du lịch, họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ cao cấp của du lịch cộng đồng. Nên thay vì chỉ khai thác trên chính ngôi nhà, thửa ruộng, mảnh vườn của mình, những chủ homestay cần biết kết hợp với các doanh nghiệp trong thu hút khách, khai thác các hình thức trải nghiệm văn hóa cộng đồng..... trên cơ sở phân chia hài hòa lợi ích.
Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, di sản thiên nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển mô hình sản xuất ứng dụng quy trình canh tác sinh thái, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng, độc đáo của địa phương để thu hút du khách. Hiện nay, một số điểm du lịch cộng đồng của huyện đã có tên trên bản đồ du lịch trong và ngoài tỉnh như: Xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đức Phong (xã Tiền Phong)….

Năm 2024, khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Đà Bắc trên 8.432 lượt. Ảnh: Bảo Hà.
Phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng hiệu quả
Ông Lường Văn Thi – Chủ tịch huyện Đà Bắc cho biết, hiện nay huyện đang rất chú trọng tổ chức thực hiện cùng với việc thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường hướng tới phát triển du lịch xanh. Hay việc thực hiện cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm; hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các hộ nông dân nông thôn xây dựng sản phẩm OCOP, đạt chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, Đà Bắc được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là tài nguyên đất và rừng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh diện tích trên 5 nghìn ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 90%, thuộc 5 xã: Đoàn Kết, Yên Hòa, Đồng Chum, Đồng Ruộng, Tân Pheo, tạo điều kiện cho phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, nhằm khai thác lợi thế phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Tày, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn khảo sát xây dựng đề án bảo tồn văn hoá đồng bào dân tộc Tày nhằm phát triển du lịch cộng đồng.

Gạo J02 của HTX dịch vụ đa ngành nghề xã Mường Chiềng là sản phẩm OCOP của huyện. Ảnh: Bảo Hà.
Năm 2024, tổng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện đạt trên 266.012 lượt, trong đó, khách nội địa 257.580 lượt, khách quốc tế trên 8.432 lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 114.679 triệu đồng.
Ông Thi cho biết thêm, thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch, huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, tuyên truyền, vận động, cộng đồng nhân dân lưu giữ, truyền dạy bản sắc văn hóa bản địa, trở thành cầu nối, điểm nhấn cho phát triển du lịch.
Đồng thời bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho lao động du lịch. Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng và nông nhiệp, xây dựng cảnh quan, môi trường, sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch. Duy trì các lớp dạy thêu thổ cẩm, mây tre đan, truyền dạy chữ viết dân tộc, các câu lạc bộ văn nghệ, nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm đồ lưu niệm sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất thành hàng hóa mang tính đặc trưng phục vụ khách du lịch.