Nối dài những con đường “lòng dân”
Ngồi bên hiên nhà, hướng mắt nhìn ra con đường nhựa rộng thênh thang vừa khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương, ông Lê Văn Lại ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nở nụ cười hiền. Con đường này trước đây gập ghềnh đá sỏi, nhỏ hẹp, mưa bụi nắng bùn. Gần một năm trước, khi huyện có chủ trương mở rộng đường liên thôn, chính quyền địa phương đã xuống tận nơi vận động người dân hiến đất, góp công.
Mới nghe tin nhà nước lấy đất làm đường, bà con còn bàn ra bàn vào, nhưng khi hiểu được lợi ích của của việc mở rộng đường sá, rồi tương lai của con cháu thì nhà nào cũng phấn khởi. Ông Lại là một trong những hộ dân đầu tiên tự nguyện hiến đất để mở rộng đường.

Tuyến đường từ Gò Quảng đến đường Hòa Phước - Hòa Khương nay được thảm nhựa và rộng thênh thang. Ảnh: Lan Anh.
“Gia đình tôi hiến 64 m2 đất để mở rộng đường... Có thiệt nhưng lại lợi sau này cho con cháu nên gia đình tôi sẵn sàng hiến đất để góp phần xây dựng diện mạo quê hương hiện đại hơn. Giờ đường sá rộng rãi, thẳng tắp, sắp tới trồng thêm cây xanh, mới thấy đúng là ở quê mà như ở phố”, ông Lại hồ hởi nói trong ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Chuyện gia đình ông Lại hiến đất mở đường không phải hiếm ở Hòa Vang, nơi người dân luôn đồng lòng với các chủ trương phát triển. Trên khắp các xã từ Hòa Nhơn, Hòa Bắc đến Hòa Phong, Hòa Khương, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất, tháo dỡ công trình để phục vụ các dự án giao thông, trường học, sân bóng hay khu dân cư mới. Tinh thần ấy xuất phát từ lòng tin vào chính quyền, cũng như tin rằng mỗi đóng góp hôm nay là một phần của bức tranh đô thị trong tương lai.
Bà Phạm Thị Mai, ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương đã tự nguyện hiến 206 m2 đất cho dự án nâng cấp, cải tạo đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng mà không hề đòi đền bù. Bà Mai kể, đây là mảnh đất mà vợ chồng tích góp, dành dụm nhiều năm mới mua được. Nếu tính ra giá trị đất này cả tỷ đồng, tuy nhiên, vì lợi ích chung nên gia đình đã đồng thuận tham gia hiến đất mà không hề tính toán thiệt hơn.
“Tính ra tiền có giá trị nhưng khi đã tự nguyện rồi thì không hề tính toán, đòi hỏi lợi nhuận. Vợ chồng tôi tích góp mua mảnh đất để cho các con sau này an cư lập nghiệp nhưng nằm trong dự án nên mình toàn tâm, toàn ý hiến đất” – bà Mai chia sẻ.
Chung tay hiện thực mục tiêu
Nghị quyết số 07/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, Hòa Vang có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất ba xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bà Phạm Thị Mai đã tự nguyện hiến hơn 206 m2 đất cho dự án nâng cấp, cải tạo đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh.
Qua đó, Đà Nẵng phấn đấu xây dựng Hòa Vang thành thị xã vào năm 2025. Và một trong những trọng tâm là tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối phục vụ nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa của khu vực nông thôn, trong đó có sự đồng lòng của người dân khi hiến đất mở đường với tâm niệm làm đường cho bà con cùng thụ hưởng.
Ông Bùi Nam Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: Từ ngày các tuyến đường bê tông mới được hình thành, người dân Hòa Vang rất phấn khởi, đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp hơn, bà con đi lại thuận tiện, qua đó bộ mặt nông thôn được khởi sắc.
Theo ông Dũng, có được sự đồng thuận trong công tác vận động dân hiến đất làm đường ở huyện Hòa Vang là nhờ phát huy tinh thân dân chủ. Mọi thông tin dự án được công khai, minh bạch, địa phương tổ chức họp dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đối với những hộ dân chưa đồng thuận, chính quyền địa phương và người có uy tín tại địa phương vận động, giải thích để người dân tin tưởng, làm theo.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm 2024, các chi hội, hội viên trên toàn thành phố đã góp sức tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tổng giá trị đóng góp trực tiếp xây dựng nông thôn mới là hơn 29 tỷ đồng.
Cụ thể, hội viên nông dân toàn huyện Hòa Vang đã đóng góp 3.796 ngày công lao động, hiến 8.480m2 đất. Trong đó, có 55 công trình hội viên trực tiếp và phối hợp xây dựng hạ tầng nông thôn; 21,5km đường kênh mương sửa chữa và xây mới; xây dựng 40 mô hình sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao tặng bằng khen cho các cá nhân đã có thành tích trong công tác giải tỏa, đền bù ở Hòa Vang. Ảnh: Lan Anh.
Từ nỗ lực của chính quyền địa phương, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, đến nay, 11/11 xã của huyện Hòa Vang đều đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí của thành phố. Hiện mỗi năm, mỗi cơ sở hội phấn đấu thực hiện mới một mô hình về môi trường. Mỗi chi hội thực hiện 1km đường văn minh, trồng cây xanh gắn với bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục vận động hội viên, nông dân nêu cao tinh thần tự giác, đoàn kết trong cộng đồng, tích cực tham gia hiến đất, góp tiền, ngày công lao động để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.