Đời sống văn hóa phong phú, nhiều ngành nghề nông thôn phát triển
Xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên đang vững vàng tiến bước trên con đường trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, một đô thị loại IV trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Ảnh: Hồng Thắm.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên cho biết: “Ngay từ khi bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo thường trực, trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy ban hành các nghị quyết triển khai đồng bộ theo Bộ tiêu chí mới. Mỗi tiêu chí là một mục tiêu cụ thể, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”.
Báo cáo của UBND xã cho thấy, tính đến hết ngày 30/4/2024, qua rà soát, tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, xã Lạc Đạo có 19/19 tiêu chí đạt theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao theo Quyết định 1156/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên.
Trong đó, nhiều tiêu chí được thực hiện vượt yêu cầu như: Tiêu chí thu nhập, giáo dục, điện, y tế, tỷ lệ hộ nghèo... Đặc biệt, xã duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định ở cả 3 trụ cột: Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ.
Lạc Đạo có tổng diện tích tự nhiên hơn 863 ha, dân số 17.400 người với 12 thôn làng truyền thống, đời sống văn hóa phong phú, nhiều ngành nghề nông thôn phát triển như sản xuất đồ gỗ, rượu, giò chả, cơm nắm, tái chế nhựa… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đa ngành và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Hạ tầng, dịch vụ phát triển đồng bộ

Lạc Đạo đang vững vàng tiến bước trên con đường trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, một đô thị loại IV trong tương lai gần. Ảnh: Duy Học.
Theo ông Hưng, hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được xác định là xương sống trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2020 - 2023, Lạc Đạo đã đầu tư nâng cấp hàng chục tuyến đường trục xã, thôn, xóm, nội đồng với tổng chiều dài hơn 20km.
“Chúng tôi luôn coi trọng yếu tố sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn giao thông. Hạ tầng tốt sẽ thúc đẩy giao thương, sản xuất, kết nối với các vùng lân cận như Bắc Ninh, Hà Nội”, ông Hưng nói.
Ngoài ra, xã cũng tập trung hoàn thiện cơ sở giáo dục và y tế. Hiện cả ba cấp học đều đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó Trường THCS Lạc Đạo đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Các công trình như trạm y tế, nhà văn hóa, khu thể thao cộng đồng cũng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Đối với các tiêu chí còn khó khăn, như tiêu chí về môi trường, Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo cho biết, xã đã đề xuất và được tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, quy hoạch di dời các cơ sở tái chế, sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
“Chúng tôi đang tập trung giải phóng mặt bằng để xây dựng cụm công nghiệp, khi hoàn thiện sẽ là bước ngoặt về đảm bảo môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự và quản lý sản xuất nghề phụ hiệu quả hơn”, ông Hưng chia sẻ.
Chuyển đổi số toàn diện, lợi thế bứt phá
Một trong những điểm nổi bật, được đánh giá rất cao ở Lạc Đạo là sự chủ động và hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số. Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hưng cho biết: “Lạc Đạo luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi cử cán bộ phụ trách riêng theo dõi, quản trị cổng thông tin điện tử xã, cập nhật thông tin thường xuyên để người dân và cán bộ cấp trên theo dõi kịp thời. Tất cả hoạt động của Đảng ủy, UBND xã đều được số hóa để báo cáo, tuyên truyền, phục vụ giám sát”.

Một trong những điểm nổi bật, được đánh giá rất cao ở Lạc Đạo là sự chủ động và hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số. Ảnh: Duy Học.
Xã đã kết nối đồng bộ với phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, thực hiện 100% hồ sơ hành chính qua nền tảng số, đảm bảo tiếp nhận - giải quyết - trả kết quả đúng quy trình, quy định.
Bên cạnh đó, xã hiện có 11 sản phẩm OCOP, gồm 6 sản phẩm rượu và 5 sản phẩm trà, tất cả đều được ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, các sản phẩm giò, chả, xúc xích của Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ an toàn Siêu Việt cũng được áp dụng công nghệ số nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch và hiệu quả.
“Ứng dụng công nghệ số không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn góp phần minh bạch hóa sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng, mở rộng thị trường cả trong và ngoài tỉnh”, ông Hưng nhấn mạnh.
Không dừng lại ở đó, Lạc Đạo còn đẩy mạnh truyền thông số. Hình ảnh về các sản phẩm đặc sản, di tích lịch sử, lễ hội địa phương… được giới thiệu rộng rãi qua mạng xã hội, facebook, zalo. “Từ khóa ‘bánh dày - giò Lạc Đạo’ hiện đã trở nên quen thuộc trên internet. Đó cũng là một cách quảng bá quê hương rất hiệu quả”, Chủ tịch xã tự hào.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Việc triển khai số hóa cho toàn thể nhân dân vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhiều người lớn tuổi chưa quen sử dụng điện thoại thông minh, phải nhờ đến cán bộ xã thao tác giúp. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng để người dân từng bước tiếp cận công nghệ”.
Với lợi thế địa lý gần các khu công nghiệp và các tuyến giao thông huyết mạch, Lạc Đạo đã và đang phát triển mạnh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, như sản xuất đồ gỗ, pallet, mộc dân dụng, bánh giò, rượu, cơm nắm... Các hộ sản xuất quy mô 30 - 50 lao động xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ giải quyết việc làm cho người dân địa phương mà còn cho cả lao động vùng lân cận.
“Chúng tôi rất chú trọng đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mỗi năm xã phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp ngắn hạn dạy cơ khí, điện dân dụng, may mặc… cấp chứng chỉ để lao động có điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp tại gia đình”, ông Hưng cho biết thêm.
Thu nhập bình quân đầu người ở xã năm 2023 đã đạt gần 77 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,18%, phần lớn là hộ nghèo đa chiều không có khả năng lao động. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, kịp thời.
Trên cơ sở nền tảng đã có, xã Lạc Đạo đang hướng đến những mục tiêu xa hơn: Trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới đô thị hóa theo hướng văn minh, hiện đại. “Chúng tôi đang lập quy hoạch đô thị loại IV và đầu tư hạ tầng theo hướng bền vững, đa mục tiêu. Đây không chỉ là đích đến của xã mà còn là mong mỏi của nhân dân Lạc Đạo”, Chủ tịch UBND xã bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng. Muốn làm tốt, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cần sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân và các lực lượng xã hội khác. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ tỉnh, huyện và sự chung tay của nhân dân để hoàn thành tốt các tiêu chí kiểu mẫu”.