| Hotline: 0983.970.780

Giai đoạn mới phải thay đổi căn bản về cơ chế điều phối và quản lý

Thứ Ba 01/04/2025 , 16:35 (GMT+7)

Khi không còn cấp huyện thì vai trò điều phối của cấp tỉnh sẽ được tăng cường, cấp xã cần được trao quyền chủ động hơn để thích ứng xu thế, tạo hiệu quả cao.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Ngày 28/3, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 – 2030.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 mặc dù được triển khai trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến động, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và thị trường nông sản gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn bền vững.

Phấn đấu 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2030. Ảnh: PC.

Phấn đấu 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2030. Ảnh: PC.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, tính đến tháng 3/2025, cả nước đã có 5.995/7.696 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 9,8% so với cuối năm 2021) và đạt 97,5% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 được giao.

Trong đó, có 2.352 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 1.249 xã so với cuối năm 2021) và 597 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 554 xã so với cuối năm 2021). Có thêm 6 huyện đã có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và ra khỏi danh sách huyện “trắng xã nông thôn mới”.  

Lũy kế có 305/645 đơn vị cấp huyện thuộc 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 92 đơn vị so với cuối năm 2021.

Trong đó, đã có 20/219 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 20 huyện so với cuối năm 2021; có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PC.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PC.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; Chương trình OCOP tiếp tục phát triển mạnh với hơn 15.600 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, giáo dục và đào tạo được tăng cường cơ sở vật chất; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt khoảng 56,4 triệu đồng/người/năm (tăng 1,35 lần so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2023 còn khoảng 4,8%, giảm 2,3% so với năm 2020; giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,3%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 58%...

Xây dựng nông thôn mới thời kỳ đổi mới

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, việc xây dựng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới và thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn. Ảnh: PC.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn. Ảnh: PC.

Trong bối cảnh mới với việc sắp xếp lại hệ thống hành chính từ năm 2026 khi không còn cấp huyện đặt ra yêu cầu thay đổi căn bản về cơ chế điều phối và quản lý Chương trình. Vai trò điều phối của cấp tỉnh sẽ được tăng cường, cấp xã cần được trao quyền chủ động hơn để thích ứng hiệu quả.

Bên cạnh đó, bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử và đô thị hóa đang tác động mạnh mẽ, tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới tư duy phát triển, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đặc biệt, những thách thức từ biến đổi khí hậu đang đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng các giải pháp thích ứng linh hoạt, tăng khả năng chống chịu cho khu vực nông thôn, nhất là vùng miền núi, ven biển và hải đảo.

Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2026 – 2030 xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, vì lợi ích của người dân.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới cấp thôn, bản phù hợp với điều kiện từng địa phương, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị; thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng xanh, tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập người dân.

Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cảnh quan nông thôn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hướng tới nông thôn hiện đại, phồn vinh, dân chủ, văn minh, hạnh phúc.

Tính đến tháng 3/2025, cả nước đã có 5.995/7.696 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 9,8% so với cuối năm 2021). Ảnh: PC.

Tính đến tháng 3/2025, cả nước đã có 5.995/7.696 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 9,8% so với cuối năm 2021). Ảnh: PC.

Trong bối cảnh không còn cấp huyện, số lượng đơn vị hành chính dự kiến giảm còn khoảng 34 tỉnh và trên 2.000 xã, mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2030 có ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn về nông thôn mới 2026 - 2030 (tương đương khoảng 1.600 xã). Trong đó, ít nhất có 35% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí nông thôn mới, đảm bảo các tiêu chí tối thiểu về hạ tầng, dịch vụ thiết yếu.

Bên cạnh đó, có ít nhất 60% thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương khoảng 3.600 thôn, bản). Tối thiểu 30% thôn, bản thuộc các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới được công nhận thôn, bản kiểu mẫu (tương đương khoảng 2.250 thôn, bản).

Phấn đấu có khoảng 50% số tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tương đương 15 tỉnh); thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. 

Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ ưu tiên tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện một số chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm: Chương trình OCOP; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Hòa Phong về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu

PHÚ YÊN Sau nhiều năm nỗ lực, xã Hòa Phong đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Hợp tác xã thu mua 600 tấn quả tươi mỗi năm, nhận hàng ngàn đơn hàng mỗi ngày

HTX Quyết Thanh đầu tư công nghệ, chế biến quả tươi thành sản phẩm sấy dẻo, sấy khô, giúp nâng tầm giá trị đặc sản Sơn La và ổn định đầu ra cho nông dân.

Bình luận mới nhất