Ngày 4/4 tại tỉnh Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo tham vấn, lấy ý kiến định hướng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2026 - 2030 vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.
Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, đến nay cả nước có 5.995 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 77,9%. So với năm 2021, số xã đạt chuẩn NTM tăng 9,8%. Bên cạnh đó, có 2.352 xã NTM nâng cao, tăng1.249 xã và 597 xã NTM kiểu mẫu, tăng 554 xã.
Ở cấp huyện, cả nước hiện có 305 đơn vị đã đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (chiếm 47,2%), trong đó có 20 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Ở cấp tỉnh, có 23 tỉnh, thành phố đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Ngoài ra, có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương.
Đặc biệt, Hội đồng thẩm định Trung ương đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ NTM. Riêng Tiền Giang, tỉnh cũng hướng đến hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2025.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường lấy ý kiến tham vấn về chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Minh Đảm.
Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ. Nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Chương trình OCOP tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn với hơn 15.600 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt khoảng 56,4 triệu đồng/người/năm, tăng 1,35 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2023 còn khoảng 4,8%, giảm 2,3% so với năm 2020. Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,3%. Môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch – đẹp. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 58%, tăng 7% so với cuối năm 2020.
Giai đoạn 2026 – 2030, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được định hướng phát triển toàn diện, bền vững, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Mục tiêu tổng thể là đẩy mạnh xây dựng nông thôn hiện đại, xanh – sạch – đẹp, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và xu thế đô thị hóa, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ảnh: Minh Đảm.
Về các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Chương trình đặt chỉ tiêu có ít nhất 80% số xã trên toàn quốc đạt chuẩn NTM, trong đó 35% số xã đạt chuẩn nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu.
Cấp huyện, có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó 20% đạt chuẩn NTM nâng cao.
Cấp tỉnh dự kiến có ít nhất 20 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 10 tỉnh đạt chuẩn toàn bộ các cấp.
Bên cạnh đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP và toàn quốc có tối thiểu 100 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Về đời sống người dân, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến năm 2030 sẽ tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 3%. Đặc biệt, 100% rác thải sinh hoạt nông thôn sẽ được thu gom, xử lý đảm bảo môi trường và 95% người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn.
Đại diện các tỉnh, thành trong khu vực đã có nhiều ý kiến đóng góp về xây dựng định hướng thực hiện Chương trình trong giai đoạn mới.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: Trong giai đoạn mới, Chương trình phải tổ chức các tiêu chí mới cho phù hợp. Bộ tiêu chí mới cần thực tế và có định hướng rõ ràng, cần có sự sáng tạo, linh hoạt.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Văn phòng điều phối Chương trình Trung ương ghi nhận tất cả ý kiến của các địa phương để làm cơ sở xây dựng định hướng tới đây. Ảnh: Minh Đảm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho rằng, tên của Chương trình trong giai đoạn mới nên có thay đổi sao cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Chương trình phải có chuyển giao ở bậc cao hơn, hiện đại hơn, hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại nhưng vẫn bảo tồn các giá trị truyền thống, các vấn đề cần chú trọng như đảm bảo an ninh, phát triển văn hóa, kinh tế xanh, tuần hoàn, chuyển đổi số...