Nhưng ở nông thôn, các y bác sĩ, giáo viên còn chịu nhiều “bất lợi” hơn trong thu nhập, trong quan niệm lẫn lộn giữa “thầy” và “người cấp dịch vụ”. Phải chăng, cần xếp họ vào những nhóm người yếu thế, thiệt thòi?
Hình ảnh cô giáo quỳ trước mặt học sinh ở Trường tiểu học Bình Chánh |
Trong bất kỳ xã hội nào, luôn tồn tại những nhóm người yếu thế, thiệt thòi (disadvantaged groups). Khi xã hội vận động và chuyển đổi, thì quá trình này sẽ làm cho xã hội có thêm những nhóm người đang ở tầng lớp bình thường, bị “rơi” vào diện yếu thế, thiệt thòi, do những quy định mới của pháp luật và xu hướng cùng quan niệm xã hội đã khác đi, làm “bất lợi” cho hoạt động của họ.
Chẳng hạn như ở Việt Nam khoảng ba chục năm trở lại đây, đó là những nhóm người làm việc thuộc ngành nghề giáo dục và y tế ở những khu vực không phải là thành phố hay đô thị. Trong hàng ngàn năm, thì họ được kính trọng gọi bằng thày: thầy giáo và thầy thuốc. Những thày giáo và thày thuốc này, hành nghề không vì mục đích lợi nhuận hay làm giàu. Câu chuyện đã khác khi bắt đầu từ 30 năm trước, xã hội Việt Nam chuyển mình vào nền kinh tế thị trường, thì ngành y tế và ngành giáo dục được coi là những ngành nghề dịch vụ (công và tư).
Năm 2005, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 05/NQ-CP “Về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao”. Mà thực chất, đây là những chính sách của Nhà nước về việc huy động tiềm lực của xã hội để sản xuất và cung cấp các loại dịch vụ trên theo “cơ chế cung ứng dịch vụ” trong bối cảnh của cơ chế thị trường.
Thực tế, điều này đã dẫn tới những sự phát triển theo hướng tích cực cho các ngành đó. Nhưng với y tế và giáo dục, nhất là đối với các khu vực nông thôn, thì những y bác sĩ và thày cô giáo đã phải chịu nhiều thiệt thòi do thu nhập của các “khách hàng” ở đây thấp, và sức ép của quan niệm “chấp chới” về nghề nghiệp: giữa là “thày” hay “người cung ứng dịch vụ”.
Gần đây, một cô giáo ở trường tiểu học Bình Chánh (Long An), trước sức ép của phụ huynh học sinh, đã phải quỳ gối trước mặt họ. Sự việc này gây nên những phản ứng mạnh mẽ trong xã hội. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn tới Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị tỉnh có giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín nhà giáo. Đại diện cho cơ quan bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam, nhìn nhận việc bắt một nhà giáo quỳ trước phụ huynh học sinh, đứng về mặt pháp luật, đây là hành vi làm nhục, xúc phạm danh dự nghề nghiệp của nhà giáo.
Những vụ đánh nhân viên y tế, đánh thầy cô giáo đã không còn là chuyện hiếm hoi, mà tăng vọt. Thường thì người ta có thể xúc phạm, đánh đập ai đấy, chứ người bình thường không ai đánh bố mẹ hay những người thầy. Nhưng khi không còn được coi là “thầy”, thì điều đó dễ xảy ra hơn và đã nhiều lần xảy ra.
Như vậy, ngoài những nhóm yếu thế đã được thừa nhận, như người khuyết tật, công nhân di cư, phụ nữ, người dân tộc thiểu số…, thì có cần bổ sung nhóm người yếu thế nữa, là những người hành nghề y tế và giáo dục ở nông thôn?