| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 11/07/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 11/07/2017

'Nhận chìm vật, chất ở biển' - lại đánh tráo khái niệm?

Dùng “nhận chìm vật, chất ở biển”, có lẽ là lối dùng uyển ngữ. Mà gọi đúng tên của hành động thì phải là “xả thải ngoài biển”...

Giấy phép số 1517/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường hôm 23/6, cho phép Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được “nhận chìm” ở biển gần 1 triệu tấn “vật, chất” nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang gây ra nhiều tác động về môi trường cả trên cạn lẫn đáy biển

Thứ “vật, chất” được Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, đề nghị được cấp giấy phép “nhận chìm” ở biển, có khối lượng là 918.533 m3, chính là những vật liệu nạo vét được tại vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, và được liệt kê bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa, bùn trầm tích… Và được nhấn mạnh rằng “không phải là chất thải từ hoạt động của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, thì số “vật, chất” được phép “nhận chìm” này không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền vì cần phải có diện tích lớn, đồng thời sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường khu vực lưu giữ và khu vực lân cận.

Tầm chục năm trước, Hà Nội ồn lên việc dân chúng bị dịch ỉa chảy (kiết lỵ) hoành hành. Nhiều người đổ tại mắm tôm. Báo chí đăng tin ầm ĩ. Nhưng lãnh đạo y tế hồi đấy khi ra văn bản, lúc phát biểu, thì một mực nói theo cách, và dùng thuật ngữ chuyên môn, rằng mọi người bị nhiễm "phẩy khuẩn tả", chứ nhất mực không dùng "kiết lỵ" để đồng bào dễ hiểu. 

Đó là lối nói năng, viết lách dùng uyển ngữ.

Uyển ngữ là nói cho thơm hơn hoặc đỡ ngượng hơn, và thay thế bằng từ đồng nghĩa. Dùng “nhận chìm vật, chất ở biển”, có lẽ là lối dùng uyển ngữ. Mà gọi đúng tên của hành động thì phải là “xả thải ngoài biển”. Vì gần 1 triệu tấn “vật, chất” đấy, là những thứ bị Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 coi là không cần thiết, không có giá trị, thậm chí giữ lại sẽ gây ô nhiễm, cần phải bỏ đi, tống đi, thải đi. Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cấp cho Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, vẫn còn chưa ráo mực, thì Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), lại đã đang xúc tiến thủ tục xin Bộ Tài nguyên và Môi trường “nhận chìm” khoảng 2,4 triệu m3 “vật, chất” sau nạo vét xuống vùng biển.

Đúng như nhận định của TS Nguyễn Tác An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình Hải dương học Liên Chính phủ của Việt Nam, “Theo kỹ thuật trình bày của chủ đầu tư thì ai cũng hiểu rằng: đây là hoạt động xả thải ra biển chứ không phải kỹ thuật nhận chìm".

Nên suy nghĩ nghiêm túc theo hướng coi các chất nạo vét ở cảng sông, biển là nguồn tài nguyên, cần phải tận dụng và sử dụng có hiệu quả. Có thể được bán cho những nơi cần, có thể dùng để cải tạo mặt bằng xung quanh vùng khi bản chất vật liệu như nhau. Cũng có một số quốc gia cần dùng để lấn biển, xây đảo nhân tạo… Nếu không gấp rút nghiên cứu, đề xuất các phương án sử dụng hiệu quả các chất thải nạo, vét về kinh tế, an toàn về môi trường, an tâm về lòng dân, thì rồi Bộ TN-MT còn phải cấp phép dài dài cho việc “nhấn chìm” các chất bùn, cát do nạo vét.

Điều này khác với lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế".

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm