| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối quản lý đất rừng Nghệ An, cầm cố và chuyển nhượng ngầm khá phổ biến

Thứ Hai 05/12/2016 , 13:15 (GMT+7)

Người dân nhận rừng khoanh nuôi không sử dụng đã đem đi cầm cố; các nông, lâm trường, chỉ với vài chục con người lại sở hữu hàng nghìn ha đất rừng, đất lâm nghiệp. Và, trong khi có hàng nghìn ha đất rừng chưa được giao cho người dân thì vẫn có nhiều người sống dựa vào rừng nhưng trong tay không một tấc đất. thế Thế là xung đột...

Thiếu tư liệu sản xuất, nhiều hộ dân đã làm liều, vào rừng phát xẻ để trồng keo. Xung đột giữa người dân thiếu đất sản xuất và các nông, lâm trường đã xảy ra… Thực tế đó đang xảy ra tại Nghệ An.


Vì túng tiền, bà Lô Thị Hòa đã đem sổ đỏ đất rừng đi cầm cố
 

Thực hiện chủ trương giao đất rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ, UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) đã cấp 155 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ đồng bào dân tộc Thái tại xã Nậm Giải với tổng diện tích gần 1,6 nghìn ha. Tuy nhiên, sau khi được giao khoanh nuôi bảo vệ, nhiều hộ đã đem đi cầm cố.
 

Sổ đỏ chỉ để… lót ổ gà

Sự việc xảy ra từ những năm 2010 tại bản Mờ và bản Chả Lấu, xã Nậm Giải nhưng phải đến giữa năm 2016, chính quyền địa phương mới phát hiện và ngăn chặn. Những người rơi vào bi kịch phải cầm cố sổ đỏ là người nghèo.

Năm 2003, vợ chồng Lương Văn Dũng - Lô Thị Hòa tại bản Mờ được Nhà nước giao gần 13ha đất rừng. Nhận được đất rừng, lại được cấp sổ đỏ, vợ chồng ông Dũng khấp khởi mừng. Nhưng khi biết, rừng được giao chỉ được khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển; muốn khai thác hoặc trồng rừng thay thế phải làm các thủ tục cần thiết và được cấp có thẩm quyền cho phép thì vợ chồng ông Dũng lại lo lắng...

Năm 2012, thiếu cái ăn, lại túng tiền cho con học, nghe theo lời phó bản Vi Văn Thắng, ông Dũng đem sổ đỏ cầm cố cho doanh nghiệp Phong Vân đóng trên địa bàn huyện để đổi lấy 20 triệu đồng.

Ông Thắng cũng cầm cố luôn cả sổ đỏ nhà mình với diện tích gần 6,8ha lấy 7 triệu đồng về tiêu xài. Đến nay, cả ông Thắng, ông Dũng đều chưa có tiền để chuộc lại.

“Giờ nghe cán bộ nói làm như thế là sai, tôi vay được tiền rồi, muốn đi lấy lại rừng nhưng ông Thắng nói nhà tôi không đủ tiền lấy lại đâu! Giờ không có nhiều tiền để chuộc rừng về, tôi cũng biết sai rồi nhưng không biết làm thế nào”, bà Hòa than thở.

Theo danh sách thống kê của UBND xã Nậm Giải thì có 29 trường hợp đem 427ha đất rừng đi cầm cố để lấy 378,5 triệu đồng. Trong số này hiện mới chỉ có 4 trường hợp đã chuộc sổ đỏ, đa phần không đủ tiền trả cho doanh nghiệp để lấy lại.

Một cán bộ xã Nậm Giải (xin giấu tên) cho biết, đồng bào nhận sổ về, cũng nghĩ đơn giản nó chỉ là một tờ giấy, không giá trị nên nhiều hộ còn đem lót ổ cho gà đẻ(?). Khi có người gạ cầm cố tiền triệu thì họ không ngần ngại lấy ra đổi lấy tiền.
 

Bán đất rừng không văn tự?

Trong cuộc nói chuyện với PV, ông Lê Văn Duẩn, cán bộ địa chính, xây dựng xã Nậm Giải thừa nhận, ông cũng mua được 2ha đất rừng với giá 10 triệu đồng. Cứ theo lời ông Duẩn thì dù đã bỏ tiền ra mua nhưng hai bên chỉ có tờ giấy viết tay.

“Tôi cũng ra huyện để xin chuyển tên sổ đỏ nhưng mà huyện nói là không làm được. Tiền đã đưa rồi, sổ đỏ tôi đã cầm trong tay, vừa san ủi gần 2.000m2 để khi có điều kiện thì làm nhà ở. Diện tích đất rừng còn lại đang để đó, chưa trồng thêm, cũng không có thời gian khai thác”, ông Duẩn cho biết.

Theo một cán bộ xã Nậm Giải, dù không nằm trong số các đối tượng được ưu tiên giao đất, giao rừng của xã Nậm Giải nhưng ông Duẩn cũng là người dân sinh sống và làm việc tại địa phương, việc trao đổi, mua bán ngầm còn có thể chấp nhận được. Điều đáng lo ngại là, hầu hết diện tích đất rừng người dân đem đi cầm cố cho người từ các xã khác, thực chất đây là một hình thức chuyển nhượng ngầm.

10-03-06-dnh20sch20cm20co20so20do20ti20x20nm20gii16185458
Danh sách cầm cố sổ đỏ tại xã Nậm Giải
 

Trong danh sách nhận cầm cố sổ đỏ của người dân bản Mờ, bản Chả Lấu có doanh nghiệp Phong Vân, doanh nghiệp Kim Thông Vân, nhà khách Thủy Ủy đóng trên địa bàn thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Thậm chí, còn có cán bộ huyện đội Quế Phong và cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt.

Theo cán bộ xã Nậm Giải, phần lớn diện tích đất rừng được đem đi cầm cố đều đang được giữ nguyên trạng thái rừng, chưa bị xâm hại. Riêng diện tích gần 52ha được một cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt nhận cầm cố đã được cán bộ này trồng và thu hoạch 1 lứa keo, sau đó bán lại cho 1 người khác chưa rõ tên, nay đã trồng lứa keo thứ 2(?).

“Những năm trước, ở Nậm Giải có dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện bản Cốc. Đó cũng là thời điểm diễn ra việc người dân đem sổ đỏ đi cầm cố. Nhiều người cho rằng, chính những người biết được thông tin có dự án đầu tư này đã đón đầu thâu tóm đất đai của người dân với giá rẻ như bèo để sau đó nhận các khoản tiền đền bù. Trong khi đó, các tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng sau này mới có, lại chi trả chậm; rừng nhận khoanh nuôi không được khai thác, không được sản xuất nên khi được trả một số tiền nhỏ, họ sẵn sàng cầm cố. Thực chất đây là một hình thức chuyển nhượng chui đất rừng”, ông Lô Minh Tường - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giải nhận định.

Không biết, những gì ông Phó Chủ tịch xã Nậm Giải nhận định có chính xác hay không nhưng thực trạng trên khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Câu hỏi đặt ra là, liệu tình trạng chuyển nhượng đất rừng chui chỉ diễn ra tại 2 bản của xã Nậm Giải hay còn ở đâu nữa?

Câu hỏi này được ông Lô Thanh Hương, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quế Phong giải đáp: “Hiện chúng tôi mới chỉ nhận được thông tin tình trạng chuyển nhượng chui đất rừng diễn ra tại xã Nậm Giải còn những xã khác thì chưa có thông tin gì. UBND huyện Quế Phong đã tham khảo ý kiến Sở TN-MT, Bộ TN-MT và có nhiều văn bản gửi cấp trên xin ý kiến cách giải quyết. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản giao cho các sở ban ngành tham mưu xử lý nhưng hiện nay vẫn chưa tìm ra phương án”.

Theo ông Lô Minh Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giải thì hình thức là cầm cố sổ đỏ nhưng không có văn bằng, giao kèo, khế ước, cũng không đặt ra mức lời, lãi bao nhiêu. Vì thế, về bản chất đó là một hình thức chuyển nhượng chui, chuyển nhượng ngầm đất rừng.

Đương nhiên, các doanh nghiệp và người nhận cầm cố không thừa nhận điều này. Doanh nghiệp khẳng định, khi nào dân trả cả vốn lẫn lãi thì họ trả bìa đất nhưng với những người dân nghèo bản Mờ, Chả Lấu, biết khi nào có tiền để chuộc lại đất?

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.