Lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng khiến lâm tặc luôn ở thế áp đảo. Máu đổ đã đành, cơ chế, chính sách dành cho kiểm lâm bảo vệ rừng còn thiếu quá nhiều. Cuộc chiến bảo vệ rừng có quá nhiều gian nan.
>> Rừng xanh máu đỏ: Cuộc chiến cam go ở đập Đá Hàn
Chống lâm tặc, chủ yếu là thua
Rừng phòng hộ Sông Tiêm rộng 15.691 ha có vị trí xung yếu, tạo nguồn sinh thủy cho công trình thủy lợi đập Sông Tiêm, công trình lớn nhất huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) nên công tác bảo vệ đặc biệt được chú trọng. Nhưng ở nơi người bảo vệ rừng được đánh giá là có tinh thần trách nhiệm này thì thực trạng “lâm tặc coi kiểm lâm không ra gì” đã trở thành chuyện quá bình thường. Từ nhiều năm trước, lâm tặc đã chọn Sông Tiêm làm căn cứ hoạt động. Rừng không ngừng bị chảy máu trong khi lực lượng bảo vệ dù làm hết trách nhiệm vẫn bất lực.
Trưởng ban quản lý rừng Sông Tiêm bây giờ là ông Nguyễn Tất Hảo, người năm ngoái viết đơn xin các cơ quan xem xét chuyển công tác vì “không chịu nổi những áp lực mà lâm tặc tạo ra”. Ông Hảo đã nản khi nói về cuộc chiến chống lâm tặc bởi đó là công việc gian nan, nguy hiểm, quá nhiều bất cập. “Rừng phòng hộ Sông Tiêm quá rộng, lâm tặc kéo nhau dựng lán, lập tổ ngay giữa rừng. Những phương tiện phá rừng hữu hiệu như cưa máy, máy kéo đều được chúng mang vào khai thác. Mặt khác, hoạt động của chúng ngày càng tinh vi, hễ lực lượng bảo vệ rừng có động thì y như rằng bọn chúng đã chuẩn bị đối phó đâu vào đấy cả rồi. Trường hợp bất ngờ quá thì quay ra dùng vũ lực, kể cả chém giết. Hai lần lực lượng bảo vệ rừng bị đánh trọng thương nhưng không xử lý được”, ông Hảo nói.
Vụ đầu xảy ra vào một đêm tháng 6 năm ngoái ở trạm bảo vệ rừng cây Trù. Trên đường tuần tra kiểm soát, lực lượng bảo vệ rừng phát hiện đối tượng Lê Khắc Hiếu (trú tại xã Hương Long, huyện Hương Khê) đang vận chuyển lâm sản trái phép bằng xe máy. Lực lượng bảo vệ rừng yêu cầu Hiếu dừng xe nhưng hắn không những không chấp hành mà còn lái xe vào khu vực đã có đồng bọn phục sẵn. Một nhóm từ 10 - 12 đối tượng dùng gậy gộc, đá bao vây và tấn công lại lực lượng kiểm lâm. Cả 3 người trong tổ tuần tra đều bị thương nặng, phải đưa đi cấp cứu. Công an huyện Hương Khê vào cuộc điều tra nhưng vụ việc đi vào quên lãng khi các đối tượng nghi vấn bỏ trốn hết vào rừng. Ông Hảo ví rằng, rừng Sông Tiêm vừa là “nồi cơm” vừa là cứ địa lẩn trốn của lâm tặc. Cứ bị công an triệu tập là các đối tượng bỏ vào rừng, vừa trốn vừa khai thác gỗ cả năm trời.
Lâm tặc chém trọng thương người bảo vệ rừng ở Sông Tiêm
Chỉ một tháng sau cuộc dằn mặt bằng gậy và đá, ông Phạm Lê Huân (SN 1961), một chủ rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm bị chém trọng thương. “Trong lúc lực lượng kiểm lâm và các hộ dân trồng rừng phòng hộ tuần tra tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Tiêm thì phát hiện một nhóm lâm tặc đang dùng cưa, rựa phát rẫy khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 229. Thấy lực lượng bảo vệ rừng, nhóm lâm tặc bỏ chạy vào rừng trốn. Lực lượng chức năng tuần tra hiện trường và phát hiện đối tượng Lê Khắc Tính (SN 1961, trú tại xóm Phú Lộc, xã Phú Gia) cùng hai đối tượng khác đang dùng trâu kéo 13 khúc gỗ. Phát hiện kiểm lâm, Lê Khắc Tính chủ động dùng rựa phát rẫy truy đuổi lại lực lượng bảo vệ rừng. Quá bất ngờ nên ông Huân gục tại chỗ, Tính bỏ chạy vào rừng lẩn trốn.
“Cả hai vụ việc đều chưa được giải quyết vì các đối tượng bỏ trốn. Cơ chế bảo vệ người bảo vệ rừng còn thiếu quá nhiều nên chẳng ai mặn mà xử lý cả”, ông Hảo bức xúc. Sau khi liên tiếp chứng kiến cảnh lâm tặc tấn công kiểm lâm, ông Hảo đã đệ đơn xin chuyển công tác chứ không dám ngồi “ghế nóng” để suốt ngày bị lâm tặc đòi xử nữa. Chuyện cũng không phải lạ lắm, bởi ở BQL rừng Sông Tiêm thì nhiều đời trưởng ban trước xin nghỉ chế độ trước tuổi hưu cả chục năm vì bị lâm tặc đe dọa, khống chế. Đã hơn một năm nhưng đơn của ông Hảo vẫn chưa được giải quyết vì tìm được người chịu giữ rừng ở thời điểm này rất khó.
Tay không giữ rừng
Đó là thực trạng mà rất nhiều chủ rừng cầu khẩn các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Theo cách nói của Trưởng ban Nguyễn Tất Hảo thì những đơn vị giữ rừng đang phải dùng tay không để chiến đấu với lâm tặc bởi họ đang thiếu tiền, thiếu người, thiếu cơ chế chính sách.
Chẳng hạn như BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm được giao quản lý gần 16 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp nhưng chỉ có 18 người được hưởng lương ngân sách, còn lại 26 người hợp đồng. Chỉ có 3 trạm bảo vệ rừng được bố trí ở những vị trí xung yếu. Tiền đầu tư cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ hàng năm nhà nước rót về chỉ đáp ứng được 1/3, còn lại ban quản lý phải tìm nguồn tự trang trải. Lương bảo vệ rừng ở BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm phần lớn được khoán 15 triệu đồng/người/năm.
Ngay cả khi phối hợp với Đồn biên phòng Phú Gia và kiểm lâm địa bàn nhưng năm 2012 vừa rồi BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm chỉ thu giữ được 3 chiếc xe máy, 20 mét võng, 30 mét tăng bạt, phá hủy 20 lán trại của lâm tặc, bắt 53 m3 gỗ. Lực lượng bảo vệ rừng đơn độc ở địa phương đã đành, đối với những cấp cao hơn họ dường như cũng chẳng mấy khi nhận được sự chia sẻ. Năm 2012 BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm bị UBND tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 40 triệu đồng, tịch thu công quỹ nhà nước 16 hộp gỗ xẻ từ nhóm 2 đến nhóm 6 với khối lượng gần 5 m3 do để rừng bị khai thác trái phép. Mấy năm nay, khi phong trào xây dựng NTM, xóa nhà tranh tre dột nát nên người dân địa phương vào rừng lấy gỗ về làm nhà. Mượn cớ đó, lâm tặc trà trộn vào phá rừng, không ai kiểm soát nổi. |
Nếu trừ các khoản đóng bảo hiểm này nọ thì chỉ còn lại khoảng 1 triệu đồng/người/tháng. UBND tỉnh Hà Tĩnh từng quy định đơn giá chung 200 ngàn cho mỗi ha rừng được bảo vệ. Nhưng mấy năm nay, do không có nguồn nên chỉ cấp được 80 ngàn đồng/ha. Thiếu tiền, lương thấp nên vẫn còn xẩy ra tình trạng một số cán bộ chấp nhận thỏa hiệp với lâm tặc để kiếm thêm thu nhập. Dù không ít lần bắt quả tang quân mình làm chuyện đó nhưng ông Hảo cũng không dám xử lý mạnh tay vì “họ sẵn sàng bỏ việc vì làm nghề bảo vệ rừng khổ quá, mình mà làm căng thì chẳng tìm đâu ra người thay thế cả”.
Mặt khác, nếu chia đầu người, mỗi cán bộ kiểm lâm ở Sông Tiêm phải bảo vệ 1.000 ha rừng, gấp đôi quy định của Chính phủ nhưng quyền hạn, chức năng bảo vệ rừng gần như không có. Phương tiện, dụng cụ hỗ trợ, vũ khí cũng không trong khi lâm tặc ngày càng liều lĩnh. Ông Hảo bức xúc: “Bảo vệ rừng cũng như chữa cháy nhà, khi phát hiện lâm tặc, hành động phải nhanh, nhưng nếu gặp sự chống trả, hành hung của lâm tặc thì cơ chế bảo vệ người bảo vệ rừng lại chẳng thấy đâu. Bảo vệ rừng là thi hành công vụ nhưng nếu người bảo vệ rừng bị lâm tặc tấn công thì các đối tượng lại không bị khép tội chống người thi hành công vụ. Quy định nhà nước còn cứng nhắc quá”.
Ở rừng phòng hộ Sông Tiêm hiện giờ có một đầu nậu rất có số má là H. Mượn mác xin giao đất để trồng rừng và làm kinh tế trang trại nhưng thực chất H tuyển “bộ đội”, những thành phần bất hảo vào dựng lán trại để phá rừng. Nếu huy động hết lực lượng bảo vệ rừng ở tất cả các trạm của BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm cũng chỉ mới bằng một nửa so với đội quân của H. Thế nên dễ hiểu vì sao rừng Sông Tiêm vẫn bị phá dù cho lực lượng bảo vệ đã làm hết sức mình. “Mấy lần chúng tôi định tổ chức truy quét nhưng các đối tượng quá liều lĩnh, chúng lại sống ngay trong rừng, lực lượng mình quá mỏng, không làm gì được”, ông Hảo trần tình. (Hết)