Ngày 15/11, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo về Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực lớn, đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở vùng còn nhiều khó khăn; thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói, giảm nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo như: xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi,….
Năm 2020, Học viện triển khai mô hình sản xuất khoai tây hàng hóa tại huyện Hòa Quảng, tỉnh Cao Bằng. Học viện trực tiếp chuyển giao kỹ thuật trồng khoai tây, cung ứng giống, hỗ trợ tiền vật tư, thiết bị kỹ thuật cho mô hình và chịu trách nhiệm là đầu mối cam kết thu mua, sản phẩm thu hoạch cho người dân.
Giai đoạn 2021- 2022, Học viện tiếp tục triển khai thành công mô hình giảm nghèo phát triển chăn nuôi dê theo hướng công nghiệp tại các huyện Đà Bắc, Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình). Mô hình được lựa chọn là mô hình giảm nghèo tiêu biểu do Văn phòng Quốc gia giảm nghèo là chủ đầu tư;
Trong năm 2022, Học viện cũng triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tiêu biểu như mô hình nuôi cá lót bạt tại xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ.
"Các mô hình Học viện đã thực hiện góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị, có sự tham gia của doanh nghiệp, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội tại địa bàn khó khăn", PGS.TS Vũ Ngọc Huyên nhấn mạnh.
Hội thảo đã đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 (đánh giá giữa kỳ) trên cả nước; tổng hợp các nhóm vấn đề còn vướng mắc, kiến nghị của địa phương đối với Bộ NN-PTNT. Cùng đó, các địa phương đã chia sẻ về công tác tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.