Hơn một tháng sau khi báo chí tràn ngập thông tin về đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thông xe, nhân một chuyến công tác vào Ninh Bình, tôi quyết định “hy sinh” bảy chục ngàn đồng tiền phí, đánh chiếc xe “cỏ” của mình lướt trên con đường đó, với mục đích là chiêm ngưỡng, xem nó đẹp, nó êm đến mức nào...
Quả là “danh bất hư truyền”. Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có độ dài 54 km, khởi công từ ngày 7/1/2006, phải sau 6 năm xây dựng mới hoàn thành, là con đường bộ cao tốc đầu tiên của đồng bằng Bắc bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam, nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc bộ, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A.
Đường có mặt cắt ngang cho 6 làn xe, ngoài bề rộng mặt đường 22 mét, đường còn có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn. Đường trải giữa những cánh đồng bát ngát một màu lúa xanh cốm non, nhìn mát rượi cả mắt. Mặt đường mịn như nhung, xe chạy êm ro, lướt veo veo. Kim đồng hồ tốc độ chỉ đến vạch 100 km/h mà xe vẫn bình thường, khác hẳn với khi chạy trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, kim đồng hồ tốc độ chỉ với đến ngưỡng 80 km/h là xe đã rung lắc ầm ầm, tay cầm vô lăng không còn cảm giác chuẩn nữa.
Chỉ có điều khiến tôi ngạc nhiên, là các phương tiện tham gia giao thông trên đường... ít quá. Xe máy bị cấm đã đành, nhưng còn các loại xe tải, sao cũng hầu như không có, xe khách cũng vậy. Thỉnh thoảng có một vài chiếc xe 16; 24 hay nhiều chỗ ngồi hơn lướt qua, thì đều treo băng rôn là xe tham quan, xe du lịch chứ không phải xe chở khách. Taxi lại càng vắng. Xe con chủ yếu là xe biển xanh, và cũng rất ít. Có đoạn cả chục cây số, chỉ mình tôi trên con đường mênh mông, hun hút. Cái vắng vẻ khiến tôi cứ thấy lành lạnh trong người.
Đường rất đẹp, thế mà vắng như chùa bà Đanh
Đem thắc mắc này ngỏ với một anh tài xe khách là anh Nguyễn Thế Hoan ở Ninh Bình, rằng sao đường tốt thế mà không chạy, cứ len lách trên quốc lộ 1A chật chội làm gì. Là một người đứng tuổi, thời bao cấp từng là “lơ” xe khách nên Hoan khá từng trải trong nghề. Nghe câu hỏi của tôi, anh cười buồn sau một điếu thuốc lào “tụt nõ”:
- Cứ nhớ đến cái thời ấy (ý nói thời bao cấp) mà thèm. Bến xe nào cũng la liệt những khách trong khi chỉ có mấy cái xe cà mèng. Tuyến Ninh Bình - Hà Nội ngày có đúng 2 chiếc xe, chạy làm 2 chuyến, một chuyến sáng một chuyến chiều. Khách xếp hàng cả mấy tiếng đồng hồ trước giờ bán vé, có người phải vạ vật đến hai ba ngày mới mua được cái vé. Xe xuất bến có ba chục khách, ra ngoài bắt thêm hơn ba chục nữa, tiền khách “bắt” thêm ấy em thu, nộp bác tài 3 phần còn mình một phần. Tuy chỉ là thân phận một thằng “lơ”, suốt ngày chỉ biết “vặn cổ đổ nước” (quay bằng tay quay cho máy nổ và đổ nước vào két nước của xe) thôi, mà khoản thu nhập phụ ấy một tháng cũng bằng mấy lần lương kỹ sư, bác sỹ, chưa kể rượu ngon gà béo lúc nào cũng nhẫy mồm.
Bây giờ, xuất bến có khi chỉ vài ba khách, phải vớt từng người dọc đường, ai vẫy đi mươi, mười lăm cây số cũng phải dừng mà rước, nếu không thì đói nhăn răng. Thế nên chúng em phải bám lấy các tuyến đường chạy qua nhiều khu dân cư mới hòng vớt được khách. Hơn năm chục cây số đường cao tốc không chạy qua khu dân cư nào. Những làng xóm gần nhất cũng cách đường cao tốc cả cây số, lại qua cánh đồng, chẳng ai dại gì mà lội đồng cả cây số lên đường cao tốc đón xe, trong khi ở đường 1A cũ, chỉ cần ra khỏi ngõ là xe khách đã trờ tới gạ rồi. Hết đường cao tốc là gặp ngay đường Cầu Giẽ - Pháp Vân, cũng chẳng có mấy ai đứng vẫy xe ở quãng này. Thế nên quãng quốc lộ 1A cũ từ Ninh Bình, qua thành phố Phủ Lý, qua Đồng Văn đến Cầu Giẽ mới chính là “quãng đường cơm áo” của bọn em. Chạy trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, chẳng vớt được khách nào lại mất thêm 280 ngàn tiền phí, đã đói lại đói thêm...
- Nhưng chạy trên quốc lộ 1A cũ thì lại hay gặp... cảnh sát giao thông?
- Không phải hôm nào cảnh sát giao thông cũng lập chốt. Mà có lập thì cũng “có chừng có mực” thôi. Chạy nhiều nên quen nhau cả ấy mà. Chứ bác tính cái xe khách 45 chỗ, rời bến có mươi khách, ra khỏi thành phố bắt vào đường cao tốc ngay, lên đến Mỹ Đình cũng chỉ chừng ấy khách, lại thêm gần ba trăm ngàn tiền phí nữa, thì chỉ sau vài tháng là phải bán tháo xe để cắt lỗ.
Còn anh Thứ, một lái xe tải “Ka- Mát” thì cho biết:
- Có 3 lý do khiến chúng em tránh đường cao tốc. Thứ nhất là khi xe đã chất đầy hàng rồi, thì cũng chẳng có nhu cầu phải chạy nhanh, cứ tà tà mà đi, nên chẳng cần gì đường cao tốc. Thứ hai, đã là xe tải thì xe nào cũng phải chở quá tải, thường là gấp rưỡi, có khi gấp đôi tải trọng cho phép, nếu không muốn lỗ, nên chuyện xe gặp trục trặc dọc đường là chuyện rất hay xẩy ra. Hai bên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình toàn là đồng lúa, không có một xưởng sửa chữa hay một ga ra ô tô nào, mà có thì xe cũng không rẽ vào được vì không có đường rẽ, lại vướng thanh chắn vệ đường, trong khi dọc quốc lộ 1A cũ, bình quân chỉ dăm cây số là có một chỗ sửa chữa. Gặp trục trặc về lốp, nhấc điện thoại lên là bọn làm lốp lưu động nó đến ngay. Còn với những hỏng hóc khác, có gọi cứu hộ cũng chỉ phải kéo dăm ba cây số là gặp nơi sửa chữa, chi phí rất nhẹ. Chạy trên cao tốc không may nổ lốp, có gọi cũng phải hàng tiếng bọn làm lốp lưu động nó mới đến được. Còn nếu chết máy phải đưa vào xưởng, gọi cứu hộ thì mất vài ba triệu là cái chắc. Thứ ba là phí. Xe khoán từng chuyến, mỗi chuyến là bao nhiêu tiền đấy. Chủ xe không bao giờ chấp nhận chi tiền phí cao trong khi đã có con đường khác mà phí nhẹ hơn.
Những anh taxi lại càng tránh xa đường cao tốc, bởi tiền “mua xe” (tiền phải nộp cho công ty trong mỗi ca chạy xe) đã ấn định rõ ràng rồi. Trừ tiền “mua xe”, tiền xăng dầu và mọi thứ tiền khác, trong đó có tiền phí đường bộ, còn lại mới được hưởng. Ngày hên ngày xui, nhưng bình quân mỗi ca, lái xe cũng chỉ có thu nhập từ 150 đến 200 ngàn đồng. Rước được một khách vào xe, sau khi nghe khách cho điểm đến, thì chạy đường nào là quyền của lái xe (tất nhiên là không thể cố ý đi đường vòng để lấy thêm tiền của khách), nên lái xe nào cũng chọn con đường có mức phí ít nhất. Đi trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hai lượt đi về mất toi trăm tư tiền phí, coi như mất một ngày thu nhập, trong khi đi theo quốc lộ 1A cũ, chỉ mất 20 ngàn cho hai lượt đi về, đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là nếu xuất phát từ Hà Nội, chở khách đến Ninh Bình, khi về theo quốc lộ 1A cũ may ra còn vớt vát được một vài ông bà khách vẫy dọc đường, còn kiếm chác được tý chút, chứ chạy theo đường cao tốc cầm chắc là “suông”.
Con đường cao tốc mở ra, ích nước lợi dân đã rõ. Nhưng với mỗi con người cụ thể, điều khiển một phương tiện giao thông cụ thể, thì bài toán kinh tế luôn luôn là điều mà họ phải giải trước khi quyết định có cho phương tiện lăn bánh trên con đường đó hay không.