| Hotline: 0983.970.780

Phát huy thế mạnh của rừng ngập mặn Cà Mau

Thứ Hai 18/11/2024 , 16:57 (GMT+7)

Cà Mau có lợi thế để phát triển du lịch, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt có hệ sinh thái rừng ngập mặn dồi dào, nhiều sinh kế.

Mô hình nuôi Vọp dưới tán rừng tại huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình nuôi Vọp dưới tán rừng tại huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Đa dạng nguồn lợi từ rừng

Vùng đất Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều sản vật giàu giá trị về kinh tế lẫn nét văn hoá của vùng đất phù sa, nên được mệnh danh là xứ “rừng vàng, biển bạc”. Chính sự trù phú, phì nhiêu ấy đã tạo nên một hệ sinh thái rừng vô cùng màu mỡ mà ít nơi nào có được. Tận dụng tiềm năng, lợi thế ấy, bằng nhiều cách khác nhau, người dân vùng ngập mặn ở huyện Ngọc Hiển đã bám vào rừng để phát triển kinh tế, nhờ đó không ít hộ gia đình đã thay đổi số phận vươn lên khá giàu.

Quê tận miền Bắc xa xôi, nhưng ông Nguyễn Đức Toàn, cán bộ đang công tác tại một Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Ngọc Hiển lại chọn phương án “Nam tiến” để lập nghiệp và bén duyên với vùng đất cuối cùng ở cực Nam của Tổ quốc hàng chục năm nay. Giờ với ông Toàn, rừng là máu thịt, là cuộc sống đã giúp ông vững bước hàng chục năm qua.

“Ngày rời miền Bắc vào đây lập nghiệp, lúc ấy tôi chỉ là chàng sinh viên mới ra trường, tuổi mới đôi mươi và cũng chẳng biết Cà Mau ở đâu, huyện Ngọc Hiển như thế nào. Chỉ biết, qua thơ ca, đây là xứ nhiều muỗi, rắn, rết... với rừng thiêng, nước độc. Vậy mà, khi vào công tác ở Ban Quản lý rừng, ngày ngày băng rừng để tuần tra, bảo vệ rừng, tôi lại yêu khung cảnh thiên nhiên nơi đây và gắn bó đến nay đã hàng chục năm. Giờ, nơi đây là quê hương thứ 2 của tôi. Tôi yêu những con người nghĩa tình, sống chan hòa, thật thà ở vùng đất này”, ông Toàn dành những lời chia sẻ đầy tình cảm cho quê hương Đất Mũi Cà Mau.

Rừng ngập mặn xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Rừng ngập mặn xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Nói về hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Mũi Cà Mau, ông Toàn cho hay, nơi đây là vùng bãi bồi trẻ, bề mặt được tạo thành bởi các vật liệu trầm tích từ sông mang tới đọng trong môi trường biển ven bờ và chuyển sang môi trường đầm lầy biển. Vùng bãi bồi Mũi Cà Mau có chế độ thủy triều rất đặc biệt do tiếp giáp với 2 vùng biển có chế độ triều khác nhau.

“Bờ Đông có chế độ bán nhật triều không đều, biên độ triều có trị số lớn từ 2,5-3m, bờ Tây thuộc vùng nhật triều với độ lớn của biên độ triều lúc triều cường là 1-1,5m. Thủy triều ở phía Đông đẩy nước triều vào sâu trong nội địa còn thủy triều ở phía Tây có xu thế hút triều ra phía biển. Nhờ lợi thế này, nguồn lợi thủy hải sản như nghêu, sò, chem chép, ốc len... cũng sinh sôi, phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao”, ông Toàn nói.

Nhìn những cánh rừng từ xa xa, ông Toàn chỉ tay về vùng đất bãi bồi khi hình thành, loài cây mắm biển với hệ thống rễ đặc biệt và có sức chịu muối cao, đây là loài xâm nhập trước hết ở bãi bùn mới, hình thành các lâm phần dày đặc dọc cửa sông. Khi những loài cây này xuất hiện, chúng làm giảm cường độ của sóng triều, đẩy nhanh quá trình lắng đọng phù sa, làm cho mặt đất cao lên, các vật liệu rơi rụng hàng năm đã góp phần làm cho nền đất cao nhanh chóng. Khi mặt đất ổn định thì nhiều loài cây khác nhau sẽ tham gia vào quá trình sinh sôi, phát triển tự nhiên của rừng ngập mặn nơi đây.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tiết Hữu Thành, cán bộ quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đánh giá, rừng ngập mặn Cà Mau có giá trị rất cao về mặt sinh thái, có tác dụng quan trọng trong việc phòng hộ, chống gió, chống xói lở. Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, duy trì chất lượng nước thông qua các chức năng như lưu giữ đất, phù sa và chất hữu cơ, lọc dưỡng các chất ô nhiễm thông qua cây cối và quá trình lắng đọng.

“Dưới tác động của các dòng chảy những con sông lớn mang nguồn nước sạch dồi dào dinh dưỡng và ấu trùng nhiều giống thủy, hải sản cung cấp cho nội đồng tạo nên môi trường bền vững cho vùng nuôi trồng thuỷ sản khoảng 280.000ha của tỉnh Cà Mau. Góp phần đảm bảo năng suất ổn định cho chiến lược nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, tăng trưởng kinh tế toàn diện và giảm đói nghèo. Mũi Cà Mau còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học. Đây cũng là vùng đất linh ở điểm cuối cùng của Tổ quốc mà ai cũng ước ao sẽ có một lần được đến”, ông Thành chia sẻ với chúng tôi.

Mô hình nuôi sò huyết tại xã Tam Giang Đông, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình nuôi sò huyết tại xã Tam Giang Đông, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Tiềm năng du lịch sinh thái rừng

Cùng với những tiềm năng, lợi thế đặc biệt và cũng rất khác biệt, hiếm có nơi nào có được. Ngoài việc tạo sinh kế cho người dân lao động bằng nguồn lợi đa dạng, vô cùng màu mỡ. Hệ sinh thái rừng ngập mặn còn giúp người dân “hái ra tiền” từ việc kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hình thức du lịch này đã và đang phát triển mạnh mẽ ở Mũi Cà Mau suốt nhiều năm qua.

Ông Huỳnh Văn Lập, ngụ huyện Ngọc Hiển, bày tỏ: “Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau rất đa dạng, không chỉ có nguồn lợi dưới tán rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Nơi đây, còn là nơi bảo tồn giúp cho nhiều loài động vật quý hiếm như rái cá, rắn hổ mang, khỉ... sinh sống và phát triển an toàn. Đặc biệt, với hệ sinh thái màu mỡ như vậy, nên nhiều du khách rất thích đến Mũi Cà Mau tham quan, trải nghiệm, nhất là hoạt động xuyên rừng, xổ vuông, lội bùn bắt cua, câu cá thòi lòi”.

Ông Lê Minh Tỵ, Giám đốc Công ty TNHH Tư Tỵ, huyện Ngọc Hiển, cho hay: “Tận dụng lợi thế từ rừng, tôi đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh lĩnh vực du lịch. Đến đây, ngoài được thưởng thức các mon ăn dân dã, đậm vị phù sa thì du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: xổ vuông, giăng lưới, câu cá... rồi bắt những con cá, con tôm tự luộc, nướng ăn tại vuông tôm. Rất nhiều du khách yêu thích, lựa chọn trải nghiệm này”.

Cà Mau đã phát huy hiệu quả các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ảnh: Trọng Linh.

Cà Mau đã phát huy hiệu quả các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ảnh: Trọng Linh.

Nói về tiềm năng, thế mạnh của hệ sinh thái rừng, ông Lê Chí Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Ngọc Hiển có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt có hệ sinh thái rừng ngập mặn dồi dào, nhiều sinh kế. Để phát huy lợi thế đó, thời gian qua, huyện đã phối hợp với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các ngành chức năng cấp tỉnh tổ chức hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng như mở tour xuyên rừng. Đồng thời, phát huy hiệu quả các điểm du lịch sinh thái, du lich cộng đồng với nhiều sản phẩm hấp dẫn”.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ngọc Hiển, với những sản phẩm du lịch đó, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau.

“Thời gian qua, địa phương luôn phát huy tiềm năng, đẩy mạnh công tác mời gọi, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng”, ông Thắng nói thêm.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.