Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đã đến hồi báo động khi cơ quan chức năng nước này vừa quyết định kiểm tra toàn bộ các lô tôm Việt Nam về Ethoxyquin.
Theo tin từ VASEP, vào ngày 31/8 vừa rồi, Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã kiểm tra 100% các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin với mức dư lượng MRL không đổi là 0,01ppm. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho hay, mới đây lại có thêm 1 lô tôm của Việt Nam bị Nhật Bản phát hiện có dư lượng Ethoxyquin. Vì thế cơ quan chức năng Nhật Bản đã nâng ngay tần suất kiểm tra lên 100% như trên.
Như vậy, chỉ trong 1 thời gian ngắn, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đã trải qua những cung bậc trạng thái rất khác nhau. Ngày 11/7/2012, sau khi phát hiện Ethoxyquin từ lô tôm của một DN Việt Nam, Nhật Bản đã quyết định áp dụng kiểm tra 100% đối với các DN có lô hàng tôm đã bị phát hiện có dư lượng Ethoxyquin và 30% đối với các DN khác. Đến ngày 9/8/2012, trang web của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã đưa tin Bộ này đã ra quyết định gỡ bỏ việc kiểm tra 30% các lô tôm từ Việt Nam đối với chất Ethoxyquin, nhưng vẫn thực hiện việc kiểm tra dạng giám sát (monitor) và giữ nguyên mức MRL là 0,01ppm đối với các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Thông tin này vừa giúp cho các DN xuất khẩu tôm sang Nhật Bản vui lên được mấy ngày thì đến 20/8, các nhà nhập khẩu Nhật Bản lại thông báo rằng cơ quan thẩm quyền nước này lại tiếp tục kiểm tra 30% số lô tôm Việt Nam (có 2 DN bị kiểm tra 100% lô tôm) sau khi phát hiện thêm 1 lô nhiễm Ethoxyquin trong chế độ kiểm tra giám sát. Và như đã nói ở trên, đến nay tôm Việt Nam đã bị kiểm tra 100% tại Nhật Bản về dư lượng Ethoxyquin. Ông Trương Đình Hòe cho rằng chắc chắn xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 9 này sẽ còn giảm mạnh.
Trước tình hình trên, ngày 4/9 vừa rồi, VASEP đã gửi công văn tới Tổng cục Thủy sản thông báo về việc Nhật Bản kiểm tra 100% lô tôm Việt Nam về Ethoxyquin và đề nghị Tổng cục cần có biện pháp nhanh chóng và cấp thiết xử lý vấn đề này. Trước hết là trình Bộ NN-PTNT ra quy định về hàm lượng tối đa cho phép chất Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm ở mức 0,5ppm (thay vì mức 150ppm như hiện nay). Theo một số đơn vị nghiên cứu, 0,5ppm là ngưỡng tối đa trong thức ăn mà có thể giúp làm giảm hoặc không phát hiện được chất Ethoxyquin trong thành phẩm tôm.
Bên cạnh đó, VASEP cũng đề nghị Tổng cục Thủy sản nhanh chóng tìm chất thay thế Ethoxyquin trong việc chống oxy hóa cho thức ăn nuôi tôm. Về việc này, ông Bùi Đức Quý, GĐ Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản, cho biết Trung tâm này đã tìm ra 2 chất chống ôxy hóa như Ethoxyquin là BHA (Butylated Hydroxyl Anisole) và BHT (Butylated Hydroxyl Toluence) trong một số mẫu thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, có thể là chất thay thế Ethoxyquin. Tuy nhiên, có một trở ngại là 2 chất thay thế này có thể khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao hơn nữa. Dầu vậy, Trung tâm cũng khuyến cáo các DN sản xuất thức ăn thủy sản và nguyên liệu thức ăn thủy sản nên lựa chọn và sử dụng các chất BHA và BHT để thay thế Ethoxyquin, với hàm lượng không quá 20 ppm.