Đà Lạt có khá nhiều đặc sản nổi tiếng. Những đặc sản ấy sẽ càng nổi tiếng hơn khi sắp đến, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tổ chức công bố các đặc sản được xếp vào các tốp đặc sản nổi tiếng, đặc sản có giá trị kinh tế cao, món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên… của Việt Nam được công nhận. Dự kiến sẽ có 14 tốp đặc sản nổi tiếng, giá trị… như vậy sẽ được công nhận.
Lướt qua “danh sách”, điều đáng mừng là có khá nhiều các đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt được công nhận. Trước hết, đó là rượu vang Đà Lạt. Thứ rượu này hiện nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn xa đến tầm quốc tế. Tiếp đến, phải kể đến là trái dâu tây và quả hồng của Đà Lạt cũng được xếp vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Rồi, phải kể đến atisô Đà Lạt (nấu với giò heo) cũng được công nhận là một trong 50 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Còn xếp ở loại hình “đặc sản thiên nhiên” nổi tiếng thì Lâm Đồng có 3 đặc sản được công nhận là hoa Đà Lạt, rau Đà Lạt và trà Bảo Lộc.
Điều đáng lưu ý ở đây là, về phân chia loại hình đặc sản, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam “định” ra đến 14 tốp, trong đó đặc biệt lưu ý là tốp các “đặc sản có giá trị kinh tế cao” (cùng với các tốp món ăn đặc sản nổi tiếng, trái cây đặc sản nổi tiếng, đặc sản thiên nhiên nổi tiếng...). Đáng buồn thay, trong tốp “đặc sản có giá trị kinh tế cao” hầu như không có đặc sản nào của Lâm Đồng, nhất là những đặc sản của Đà Lạt từng nổi tiếng xưa nay như trái hồng, dâu tây, atisô…
Tuy nhiên, suy cho cùng, hội đồng bình xét này đã thật có lý khi không thể chọn những đặc sản của Đà Lạt như dâu tây, hồng, atisô, nho (làm rượu vang)… để đưa vào tốp các đặc sản có giá trị kinh tế cao được. Bởi lẽ, trong thực tế, những thứ đặc sản này của Đà Lạt – Lâm Đồng, xét về mặt kinh tế, nó chỉ được xếp ở hàng thứ yếu ngay trong “bản đồ kinh tế” các mặt hàng nông sản đặc trưng của Đà Lạt.
Như vậy, nói gì thì nói, đây cũng chính làm một trong những điều rất đáng để mọi người cùng suy nghĩ khi vạch ra và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế đối với các đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt sao cho đảm bảo vừa là “đặc sản thiên nhiên”, vừa là “món ăn đặc sản”, “trái cây đặc sản”… nhưng đồng thời cũng phải là “đặc sản có giá trị kinh tế cao”. Và dĩ nhiên, vấn đề này không thể giải quyết chỉ trong ngày một ngày hai mà phải lâu dài!