Năm 2013, ngành cá tra ở ĐBSCL vẫn còn nằm trong vòng luẩn quẩn, phải đối mặt nhiều thách thức lớn về giá cả đầu vào, lẫn đầu ra.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.Cần Thơ, cho biết: “Năm 2013, nếu không có chính sách mới cho nông dân và DN, thì ngành cá tra cũng giống như năm 2012 vừa qua. Hiện cả người nuôi, nhà chế biến lẫn nhà XK đang gặp nhiều khó khăn khi giá cá tra thương phẩm liên tục giảm dưới giá thành. Giá cá loại I (650 gram/con) hiện chỉ còn 21.000 đồng/kg; cá loại II (0,9-1kg/con trở lên) giá 19.000-20.000 đồng/kg; trong khi giá thành nuôi từ 24.000-25.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi đang lỗ nặng”.
Theo ông Hải đề nghị, trong 2013, để cá tra thoát khỏi tình cảnh lao đao như các năm trước; trước tiên cần siết chặt khâu quản lí giá cả XK và cả sản lượng nuôi. Có như vậy mới mong cải thiện được tình hình và lúc đó cá tra sẽ đi vào ổn định. Nếu không làm tốt các khâu đó, cá tra sẽ tiếp tục khó khăn. Thứ hai, khâu kiểm soát giá cả tiêu thụ và XK, cần sớm đưa ra giá sàn cụ thể (cũng giống như Hiệp hội Lương thực đưa ra giá sàn XK gạo). Ai sai phạm phải bị xử phạt mạnh và nghiêm.
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang tiếp tục thua lỗ, do giá cá dưới giá thành đầu tư
Còn ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, cho rằng: “Hiện nay, tình hình suy thoái kinh tế chưa khôi phục được, đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành XK cá tra Việt Nam nói riêng và thủy sản nói chung. Do vậy, người nuôi cá tra ở Đồng Tháp vẫn còn gặp vô vàn trở ngại, tỉ lệ hộ treo ao khá cao từ 30-40% trên tổng số diện tích toàn tỉnh là 1.600 ha. Năm 2013, Đồng Tháp cố gắng giữ nguyên diện tích nuôi cá tra bằng năm qua. Tập trung rà soát vấn đề quy hoạch đối với vùng nuôi không có điều kiện. Khuyến khích nâng cao chất lượng nuôi theo các tiêu chuẩn của thế giới yêu cầu”.
Cá tra nhiều năm qua giá cả bấp bênh, gần đây liên tục rớt giá, người nuôi ngày một bỏ ao nhiều hơn, chuyển sang nuôi đối tượng khác. Mong sao Nhà nước có chính sách kịp thời để SX và XK cá tra tới đây phát triển ổn định. |
Khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi cũng như các DN chế biến, XK cá tra là thiếu vốn. Điều kiện mà các ngân hàng đưa ra là phải có tài sản thế chấp và yêu cầu trả nợ cũ thì sẽ cho vay mới. Nhưng do nợ cũ chưa trả được, tài sản thế chấp không còn, nên đa phần người đi vay không đủ điều kiện.
Ông Ngô Văn Mậu ở xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú (An Giang), cho biết: “Tôi đang thả nuôi 5.000m2 cá tra. Cá đạt trọng lượng từ 600-650 gram/con. Dự định qua Tết Nguyên đán vài ngày, tôi kêu lái đến cân”. Ao cá của ông Mậu ước tính khoảng 150 tấn. Hiện ông đang lo vì giá cá tra chỉ nằm ở mức 19.500 đồng/kg; nếu có nhích lên cao lắm cũng khoảng 20.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành đầu tư nuôi cá tra hiện nay bình quân 23.000-24.000 đồng/kg, nên nếu không khéo sẽ gây lỗ khoảng 2.500-3.500 đồng/kg.
Đó là chưa kể chi phí lãi suất ngân hàng do một số DN mua cá trả tiền chậm cho người nuôi. Ông Mậu nói: “Trong bối cảnh giá cá tra bấp bênh như hiện nay, nhiều nông dân nuôi cá tra chỉ mong muốn sao giá cá ổn định, dù lời ít chỉ 1.000 - 1.500 đồng/kg cũng đã vui rồi. Cầu mong sau năm mới này cá tra đừng rớt dưới giá thành”...