Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tôm Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức điều tra vụ kiện chống trợ cấp, và những giải pháp để ứng phó với vụ kiện này.
Theo Bộ Công thương, trong vụ kiện, DOC sẽ điều tra tới 20 chương trình, chính sách của Chính phủ Việt Nam mà phía Mỹ cho rằng đã trợ cấp cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước ấm đông lạnh vào nước họ, như miễn giảm thuế đất, tiền nước, mặt nước, hoàn thuế, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp…
Đặc biệt, so với những vụ kiện trước đây, vụ kiện này, Liên minh Công nghiệp tôm vùng vịnh Mỹ (COGSI) đã đưa ra thêm 4 cáo buộc mới: Trợ cấp theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản; trợ cấp theo kế hoạch phát triển chế biến thủy sản; các khoản vay trợ cấp cho việc nâng cấp nuôi trồng thủy sản; trợ cấp bằng việc giảm thuế thu nhập đối với ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Chưa hết, bên nguyên đơn vẫn đang tiếp tục có quyền đưa ra thêm những cáo buộc mới trong quá trình điều tra vụ việc. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng chương trình, chính sách đối với con tôm Việt Nam mà phía Mỹ tiến hành điều tra có thể sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Theo Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), việc các nước tăng cường sử dụng, thậm chí là lạm dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ cho sản xuất nội địa là một xu hướng có thể dự đoán được. Là một nước xuất khẩu, Việt Nam phải chấp nhận thực tế này khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, đặc biệt xuất khẩu sang Mỹ, bởi nước này có truyền thống kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy, Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung chuẩn bị và có phương án thích hợp để có thể vừa gia tăng xuất khẩu, vừa đối phó với nguy cơ bị kiện. Qua đó, nếu vụ kiện xảy ra thì kháng kiện sẽ đạt kết quả tốt nhất, chứ không phải là tranh luận về tính công bằng hay không của các vụ kiện này.
Kinh nghiệm cho thấy trong những vụ kiện như thế, vai trò tư vấn của luật sư, nhất là luật sư ở Mỹ rất quan trọng. Vì các luật sư Mỹ có sự am hiểu về pháp luật phòng vệ thương mại nói chung và pháp luật về các biện pháp phòng chống trợ cấp nói riêng của nước này. Đồng thời họ có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tranh tụng. Trong vụ kiện chống trợ cấp ống thép hàn cacbon, luật sư đã làm rất tốt việc tư vấn, hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình DOC tiến hành điều tra. Nhờ đó, DOC đã phải ra phán quyết Chính phủ Việt Nam không có trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất ống thép hàn cacbon.
Vì thế để có thể kháng kiện thành công trong vụ kiện chống trợ cấp tôm, Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ này được chủ trì lựa chọn một văn phòng luật sư ở Mỹ để tư vấn, đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong suốt quá trình kháng kiện lại vụ kiện chống trợ cấp nhằm vào con tôm Việt Nam.