| Hotline: 0983.970.780

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Thứ Năm 21/11/2024 , 15:31 (GMT+7)

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Bà Trần Thị Như Trang - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Vì Tầm Vóc Việt.

Bà Trần Thị Như Trang - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Vì Tầm Vóc Việt.

Tối 15/11 vừa qua, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Đây là quỹ xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đóng góp cho các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), với các giá trị cốt lõi: Vì một tầm vóc Việt, Kết nối cộng đồng, Khơi dậy và nuôi dưỡng tính nhân văn.

Tạo “cú hích” về các hoạt động hỗ trợ trẻ em

Trong 10 năm qua, Quỹ kiên trì sứ mệnh vì tầm vóc Việt, cụ thể là góp phần chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho cộng đồng, trước hết là trẻ em. Đó là sứ mệnh rất to lớn, vẻ vang nhưng cũng đầy khó khăn. Là người điều hành Quỹ ngay từ đầu cho đến nay, bà có thể đánh giá, sau 10 năm, Quỹ đã đạt được  những thành tựu như thế nào về sứ mệnh đó? 

Sau 10 năm hoạt động, chúng tôi tin rằng, Quỹ đã tạo ra được những tác động tích cực và đáng kể với cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. 

Chăm lo cho trẻ em là một hành trình dài. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm gần 1,5 triệu trẻ em được sinh ra và chúng tôi luôn nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các hoạt động để thúc đẩy giáo dục công bằng và tiếp cận dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, đặc biệt tại các vùng khó khăn. 

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em, chúng tôi còn có những hoạt động truyền thông, tập huấn đến người chăm sóc trẻ, đến cộng đồng xung quanh trẻ như Hội Phụ nữ xã/phường, các nhà trường và rộng hơn là các chương trình hướng tới cộng đồng như hoạt động về bình đẳng giới, chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, kỷ luật tích cực,...

Hình ảnh em nhỏ trong dự án Cùng em khôn lớn.

Hình ảnh em nhỏ trong dự án Cùng em khôn lớn.

Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ xây mới, cải tạo các công trình dân sinh như cầu, đường, trường học. Chúng tôi tin rằng, trẻ được an toàn và phát triển toàn diện khi cộng đồng xung quanh trẻ đều có kiến thức, kỹ năng và sẵn sàng đồng hành cùng trẻ trong hành trình phát triển.

Về con số, chúng tôi tự hào khi đem đến hơn 110 triệu ly sữa và 8 triệu bữa ăn dinh dưỡng tới các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao hơn 100 tỷ học bổng cho học sinh, sinh viên tài năng, học sinh sinh viên nghèo vượt khó, trao 138 tỷ đồng tài trợ xây dựng các công trình dân sinh. Tính đến hiện tại, đã có hơn 5 triệu lượt trẻ em hưởng lợi từ các chương trình của Quỹ.  

Như Bác Hồ đã nói, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”; chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước - không phải là câu chuyện ngắn hạn, mà là nhiệm vụ then chốt lâu dài của cả dân tộc, của mỗi tổ chức và cá nhân. Quỹ VTVV rất hạnh phúc được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp đó.

Hình ảnh tại Dự án Trường học hạnh phúc do Quỹ triển khai.

Hình ảnh tại Dự án Trường học hạnh phúc do Quỹ triển khai.

Việc bảo vệ, giúp trẻ phát triển toàn diện được nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ tham gia, sự khác biệt của Quỹ VTVV là gì, thưa bà?

Sự khác biệt đầu tiên là việc huy động sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội. Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ tài chính, hiện vật từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự đồng hành vô cùng quý giá và quan trọng từ khối doanh nghiệp. Đây là nguồn lực bền vững, đa dạng, đảm bảo tính ổn định và lâu dài của các dự án. 

Chúng tôi cũng kêu gọi được sự vào cuộc của mạng lưới chuyên gia đồng hành đa dạng, từ các nhà báo kỳ cựu, chuyên gia truyền thông đến chuyên gia đào tạo, chuyên gia y tế dự phòng, nhà hoạt động xã hội, v.v. để cố vấn Quỹ trong các hoạt động cho trẻ em, thanh niên.

Ngoài ra, Quỹ kêu gọi được mạng lưới cá nhân song hành cùng mình trong các dự án về trẻ em, hỗ trợ cả tài chính, công sức. Tính đến năm 2024, Quỹ đã nhận được sự tham gia của 1 triệu lượt tình nguyện viên trong các hoạt động của mình. 

Khác biệt thứ hai là Quỹ đã tạo ra “cú hích” về nâng cao nhận thức và sự chung tay của toàn xã hội trong một số hoạt động hỗ trợ trẻ em. Điển hình như “Chương trình Sữa học đường”. Bên cạnh vai trò khởi xướng và thúc đẩy để Chương trình Sữa học đường Quốc gia được triển khai trên toàn quốc, Quỹ đã trao tặng sữa cho trẻ em nghèo, cận nghèo để giúp các em được tiếp cận nguồn dinh dưỡng quan trọng trong giai đoạn phát triển nhanh nhất (từ 2-12 tuổi). Quỹ đã thực hiện hàng trăm cuộc tập huấn dinh dưỡng cho các thầy cô, người chăm sóc trẻ và cộng đồng về chăm sóc và thực hành dinh dưỡng hợp lý.

Sữa học đường, Mô hình điểm Bữa ăn học đường là những chương trình mà VSF tham gia khởi xướng.

Sữa học đường, Mô hình điểm Bữa ăn học đường là những chương trình mà VSF tham gia khởi xướng.

“Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực” do Quỹ phối hợp triển khai tại 10 tỉnh thành trong năm học 2020-2021 được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích nhân rộng và là cơ sở cho Bộ khuyến nghị các chính sách về dinh dưỡng học đường.

Dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học xây dựng nhà vệ sinh tại các trường tại các địa bàn khó khăn trong cả nước mang đến sự tiếp cận công bằng cho trẻ về sức khỏe học đường.

Các hoạt động thể chất cho học sinh cũng được Quỹ đẩy mạnh. Trong đó, nổi bật nhất là việc đồng hành cùng giải chạy S-Race dành cho học sinh sinh viên trên toàn quốc. Giải chạy góp phần thúc đẩy lối sống lành mạnh, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Đồng thời, chương trình lan tỏa trong các em tinh thần nhân văn, tương thân tương ái, khi mà mỗi bước chạy của các em còn đóng góp vào quỹ hỗ trợ điều trị khuyết tật vận động cho bệnh nhi của Quỹ VTVV.

Quỹ đồng hành cùng giải chạy S-Race dành cho học sinh sinh viên.

Quỹ đồng hành cùng giải chạy S-Race dành cho học sinh sinh viên.

Và điều chúng tôi tự hào nhất là nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tiếp tục duy trì các hoạt động xã hội sôi nổi sau khi tham gia các chương trình của chúng tôi. Quỹ hiểu rằng, mỗi tổ chức đều có một nguồn lực giới hạn, không thể thực hiện hết các hoạt động cứu trợ hay các dự án phát triển cộng đồng. Vì vậy, việc góp phần lan tỏa cho các đơn vị khác về  tầm quan trọng của sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và chung tay thực hiện tiếp các hoạt động là thành công lớn nhất của chúng tôi.

“Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã trải qua một quá trình hoàn thiện định hướng hoạt động. Giai đoạn đầu, chúng tôi chủ yếu tập trung vào các hoạt động cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ nhanh chóng những nhu cầu thiết yếu cho người dân. Trong những năm tiếp theo, thấu hiểu được tầm quan trọng của các chiến lược phát triển bền vững và dài hạn, chúng tôi mở rộng thêm các hoạt động tăng cường nhận thức, năng lực của các đối tượng hưởng lợi nhằm giúp họ có thể chủ động cải thiện cuộc sống về lâu dài”, bà Trần Thị Như Trang.

Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực trong nước là xu thế tất yếu

Quỹ ngày càng  huy động được sự hợp tác của rất nhiều doanh nghiệp khác nhau. Theo bà, nguyên nhân do đâu mà Quỹ có thể mở rộng mạng lưới kết nối thuận lợi như vậy? 

Anh hùng Lao động Thái Hương là nhà sáng lập, là người xây dựng nền móng và định hướng chiến lược của Quỹ. Đồng thời, bà cũng là người truyền cảm hứng sâu sắc cho cộng đồng về tinh thần cống hiến và tâm huyết vô điều kiện. Điều đó tạo ra tiền đề cho chúng tôi nhận được sự quan tâm và tin tưởng từ những ngày đầu thành lập. 

Nhưng chính sự tận tâm, chuyên nghiệp và minh bạch là nguyên nhân khiến chúng tôi duy trì được sự tin tưởng hợp tác đó, và xây dựng mạng lưới ngày một lớn mạnh trên hành trình 10 năm qua. 

Ở Việt Nam trước đây, chúng ta thấy có rất nhiều tổ chức quốc tế hoạt động và họ đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Nhưng khi nước ta vươn lên là nước có thu nhập trung bình, nhiều tổ chức quốc tế đã và đang rút dần hoạt động. Đây chính là lúc cần sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, có trách nhiệm trong nước.  

Chúng tôi cho rằng việc huy động nguồn lực trong nước là một bước đi cần thiết và dài hạn. Không ai hiểu và thương cộng đồng của mình hơn chính những người đang sống và làm việc trong cộng đồng đó.

Minh chứng sinh động là các dự án ý nghĩa của Quỹ đã thu hút rất nhiều nhà tài trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước khác tham gia. Những đối tác đa dạng này không chỉ góp phần quan trọng vào nguồn lực tài trợ mà còn giúp Quỹ mở rộng phạm vi và chiều sâu của các dự án, tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng.

Nhà sáng lập Thái Hương trao hỗ trợ người dân tỉnh Yên Bái chịu thiệt hại do bão Yagi vừa qua.

Nhà sáng lập Thái Hương trao hỗ trợ người dân tỉnh Yên Bái chịu thiệt hại do bão Yagi vừa qua.

Quỹ đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế trong thời gian không phải quá dài. Điều đó cho thấy phương thức hoạt động của Quỹ rất bài bản. Bà có thể cho biết, làm thế nào để Quỹ hoạt động ổn định và nhanh chóng chuyên nghiệp như vậy?

Ngay từ khi thành lập, Quỹ VTVV đã quyết tâm xây dựng một tổ chức hoạt động minh bạch, hiệu quả và đáng tin cậy đối với cộng đồng. Để đạt được điều đó, chúng tôi luôn giữ sự minh bạch về tài chính và kiện toàn bộ máy quản lý. 

Quỹ tuân thủ nghiêm túc các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về tổ chức hoạt động của Quỹ xã hội - từ thiện. Chúng tôi cũng định kỳ báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động với cơ quan chủ quản của Quỹ là Bộ Nội Vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, và trao đổi thường xuyên để kịp thời được giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn triển khai sao cho hiệu quả và đúng quy định. 

Bên cạnh đó, Quỹ luôn duy trì mối liên kết chặt chẽ với các đối tác, tổ chức và nhà tài trợ. Chúng tôi chủ động trao đổi thông tin, cập nhật tiến độ thường xuyên để đối tác có thể yên tâm về mức độ minh bạch và hiệu quả mà Quỹ mang lại. Đây là yếu tố quan trọng giúp Quỹ thu hút và duy trì mối quan hệ lâu dài với nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Việc duy trì quan hệ chặt chẽ này giúp cho nguồn tài trợ đến với Quỹ không chỉ ổn định mà còn tăng  qua mỗi năm, và các hỗ trợ về nhân lực, chuyên môn cũng ngày càng đa dạng, phong phú. 

Gần đây, việc “check VAR” sao kê tiền từ thiện đã tạo sự đồng thuận rất lớn trong xã hội. Với Quỹ VTVV, chúng tôi cũng đã để các nhà từ thiện tự “check VAR” từ lâu. Nhà tài trợ chỉ cần vào trang web của Quỹ, chọn chương trình đang gây quỹ và tài trợ bất cứ khoản tiền nào, khi tiền về tài khoản của Quỹ sẽ ngay lập tức hiện lên danh sách đóng góp trên màn hình. 

Quỹ VTVV để các nhà từ thiện tự 'check VAR' từ lâu.

Quỹ VTVV để các nhà từ thiện tự “check VAR” từ lâu.

Một yếu tố quan trọng khác là tinh thần cầu thị, sẵn sàng học hỏi của Quỹ. Đội ngũ nhân sự của Quỹ luôn được khuyến khích phát triển năng lực thông qua các chương trình đào tạo và học hỏi từ các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế. Chính sự tận tâm, trách nhiệm của từng thành viên đã giúp Quỹ đạt được những thành tựu như hôm nay, xây dựng được lòng tin từ cộng đồng và các đối tác trong và ngoài nước.

Trong các hoạt động, Quỹ luôn đề cao sự “thấu hiểu”. Sự thấu hiểu đó được vận dụng, thể hiện như thế nào trong các hoạt động của Quỹ, thưa bà? 

Thấu hiểu là giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động của Quỹ VTVV, bởi chúng tôi hiểu rằng, chỉ khi đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và thật sự thấu hiểu nhu cầu, khó khăn của họ, chúng tôi mới có thể tạo ra những thay đổi ý nghĩa và lâu dài. 

Các hoạt động của Quỹ đều được khảo sát, thực hiện và đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu và hiệu quả với người hưởng lợi, để đảm bảo dự án thật sự “thấu hiểu” và mang đến những điều mà cộng đồng mong muốn. Chúng tôi cũng kết nối sát sao với chính quyền địa phương, hội đoàn thể để có được sự đánh giá toàn diện, cũng như giám sát, điều chỉnh kịp thời. Chính từ sự thấu hiểu này, Quỹ không ngừng nỗ lực để xây dựng và triển khai các chương trình hướng đến những cải thiện thực chất cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế. Chúng tôi tin rằng từ thấu hiểu sẽ tạo thay đổi.

Hình ảnh tại Dự án Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt.

Hình ảnh tại Dự án Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt.

Việt Nam đang vươn mình phát triển và đạt được vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên các vấn đề mà xã hội đối mặt cũng còn rất nhiều. Chúng tôi thấu hiểu các khó khăn đó, đồng thời cũng thấu hiểu được sự hữu hạn của nguồn lực của mỗi cá nhân, tổ chức.

Vì vậy, chúng tôi lựa chọn mắt xích mà chúng tôi cho rằng quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển tương lai của đất nước và giải quyết các vấn đề xã hội, đó chính là yếu tố “con người”. Chúng tôi lựa chọn lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ, bao gồm cả thể lực và trí lực, cùng với việc bảo vệ trẻ em là các mục tiêu chiến lược để xây dựng các chương trình hành động của mình. 

Một trong những thế mạnh của Quỹ là kêu gọi được lực lượng tình nguyện viên tham gia chương trình của mình rất đông, không khí rất sôi động. Có đối tác nước ngoài còn cho rằng, lý do họ muốn kết hợp với Quỹ chính là ở thế mạnh này. Xin bà chia sẻ kinh nghiệm về việc này?

Hơn 1 triệu lượt tình nguyện viên đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt 10 năm qua, tôi nghĩ rằng đây là một con số cũng rất đáng tự hào của tổ chức. Tình nguyện viên với vai trò chuyên gia, cố vấn cho các hoạt động phát triển.

Tôi nghĩ rằng, kinh nghiệm tốt nhất mà chúng tôi làm được là vai trò cầu nối. Chúng tôi hiểu rằng, rất nhiều cá nhân đều mang trong mình sự thôi thúc thực hiện các hoạt động vì cộng đồng, nhưng chưa có điều kiện hoặc thời gian để thực hiện. Vì vậy, chúng tôi tạo ra nhiều cơ hội đồng hành cho họ, khuyến khích họ tham gia các hoạt động ý nghĩa cùng chúng tôi. Đó là các chuyến đi tặng quà cho trẻ vùng cao, xây dựng công trình dân sinh, những hoạt động phát triển thanh niên, người lao động trong các khu công nghiệp, v.v.

Hơn 1 triệu lượt tình nguyện viên đồng hành cùng Quỹ trong 10 năm qua.

Hơn 1 triệu lượt tình nguyện viên đồng hành cùng Quỹ trong 10 năm qua.

Quỹ cũng luôn tuyển tình nguyện viên công khai để thu hút nhiều tình nguyện viên mới đến các chương trình. Có những tình nguyện viên đi cả trăm cây số về Hà Nội để cùng chúng tôi tiếp tục đi thêm vài trăm cây số nữa đến các điểm trường. Có những tình nguyện viên chuyến nào cũng có mặt. Đó thực sự là những điều đáng quý và là động lực cho chúng tôi tiếp tục hành trình này.

Ngoài ra, Quỹ cũng phát triển một cộng đồng thanh niên có tấm lòng nhân ái qua việc tổ chức các tọa đàm về văn hóa chia sẻ, hỗ trợ các sáng kiến vì cộng đồng. Đây là “của để dành” của chúng tôi hiện tại và trong tương lai.

Đồng thời, Quỹ luôn chú trọng đến việc ghi nhận và tôn vinh đóng góp của tình nguyện viên thông qua các lễ tổng kết và cấp chứng nhận hoạt động. Chúng tôi xem tình nguyện viên của Quỹ không chỉ là những người hỗ trợ mà còn là những đại sứ lan tỏa thông điệp và giá trị của Quỹ đến với cộng đồng rộng lớn hơn. 

Trong hành trình đồng hành cùng Quỹ, bà chắc hẳn đã đi thực địa nhiều nơi, trải nghiệm nhiều sự việc. Bà có thể chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc ấn tượng nhất của bà qua những chuyến đi ấy?

Chuyến đi đáng nhớ với tôi là chuyến lên điểm trường Huôi Xái, thuộc trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An năm 2019. Điểm trường này chỉ có giáo viên nam mà không có bất kỳ giáo viên nữ nào do đường lên đó cực kỳ khó khăn. Chúng tôi lên trường trong một ngày mưa cuối năm. Đường lên trường không đi được ô tô mà phải đi bằng xe máy. Thầy giáo đã đợi sẵn ở chân núi để đưa chúng tôi lên. Nhưng trời mưa trơn trượt, chúng tôi hầu như phải đi bộ trên quãng đường hơn 16 km và phải mất 5 tiếng mới lên đến nơi. 

Đến nơi, thấy cảnh trường lớp tạm bợ, mưa dột, lạnh buốt, tôi thực sự cảm thấy xót xa, thương các em nhỏ và khâm phục các giáo viên cắm bản. Những hình ảnh của chuyến đi ngày hôm ấy là động lực rất lớn để tôi và các thành viên của Quỹ nỗ lực hơn nữa để giúp các em nhỏ tại điểm trường Huôi Xái nói riêng và các em nhỏ vùng sâu vùng xa nói chung.

Bà Như Trang trong chuyến đi đáng nhớ tới điểm trường Huôi Xái (Quế Phong, Nghệ An) năm 2019.

Bà Như Trang trong chuyến đi đáng nhớ tới điểm trường Huôi Xái (Quế Phong, Nghệ An) năm 2019.

Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Xin bà cho biết những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của Quỹ trong tương lai?

Trong 10 năm từ 2025-2034, mục tiêu của Quỹ VTVV là trở thành quỹ xã hội hàng đầu Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Quỹ từ thiện được hiểu là “cứu trợ, giúp đỡ khẩn cấp”. Với mô hình quỹ xã hội, chúng tôi vẫn thực hiện hoạt động cứu trợ nhưng muốn hướng tới một kết quả lâu dài, phổ quát hơn. Sự khác biệt giữa quỹ từ thiện và quỹ xã hội như cách người ta vẫn nói là “cho con cá hay cho cần câu”.  

Trẻ em vui vẻ trên cây cầu Vì Tầm Vóc Việt do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tài trợ xây dựng tại Khuổi Luồn (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang).

Trẻ em vui vẻ trên cây cầu Vì Tầm Vóc Việt do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tài trợ xây dựng tại Khuổi Luồn (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang).

Để thực hiện được việc “trao cần câu”, Quỹ sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm. Trong đó, Quỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các chính sách liên quan đến phát triển sức khỏe học đường và dinh dưỡng người Việt, nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Chúng tôi sẽ thực hiện hiệu quả vai trò cầu nối với các bên liên quan nhằm huy động và quản lý nguồn lực hiệu quả, mang lại tác động tích cực và bền vững cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng yếu thế. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu kết nối mạng lưới ở cấp độ khu vực và quốc tế để học hỏi mô hình tiên tiến trong các hoạt động phát triển cộng đồng, gây quỹ từ các nguồn trong và ngoài nước.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Chúc bà và Quỹ thực hiện thành công các kế hoạch của mình!

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.