Một gấp năm, một gấp mười, thực tiễn chứng minh hiệu quả rõ ràng sau khi chuyển đổi đất lúa sang các mô hình kinh tế khác. Nhưng ở nhiều nơi, cả người dân lẫn chính quyền dù khao khát nhưng vẫn phải “cố thủ” chờ chính sách cởi mở hơn, hoặc lén đầu tư kiểu nửa vời.
>> Không chuyển đổi không làm được gì cả
>> Chui rào đất lúa
Nếu cho chuyển đổi chắc chắn lãi gấp 10
Cánh đồng Chón (xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) là vùng rốn lũ, chiêm trũng chỉ cấy được vụ xuân, còn vụ mùa mênh mông nước, hầu hết người dân phải bỏ hoang. Độ 10 năm trước, một số người dân mạnh dạn thử nghiệm mô hình một lúa một cá để phát triển kinh tế.
Cứ gặt lúa xuân xong, khi nước ngập trắng đồng thì họ vược cá giống ra ruộng, chỉ việc chờ đến cuối năm thu hoạch. Nếu xét về hiệu quả kinh tế thì tiền thu tương đương nhau, mỗi ha đạt khoảng 33 triệu đồng, nhưng nuôi cá lãi ít nhất gấp 4-5 lần trồng lúa do chi phí đầu tư thấp, giá cả đầu ra ổn định hơn.
Đồng Chón rộng 300 ha. 1.300 hộ của xã, nhà nào cũng làm ruộng. Chỉ thị cấp trên yêu cầu xã Phú Lộc giữ nguyên hiện trạng đất lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ, thà bỏ tiền đầu tư các công trình thủy lợi để bà con có thể cấy hai vụ chứ nhất quyết không được làm biến dạng đất lúa. Ban đầu, lãnh đạo xã tuân thủ khá nghiêm ngặt, rất nhiều lần vận động người dân cấy hai vụ, nhưng thất bại nhiều quá nên nản.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, ông Nguyễn Xuân Biên phàn nàn: “Lúa rẻ quá, ruộng trũng nên chi phí đầu tư cao. Mấy năm trước làm 2 ô khoảng 34 ha nhưng chuột phá kinh khủng, đánh bao nhiêu thuốc cũng không lại. Năng suất thấp lắm, chỉ có 1,3 tạ/sào, lỗ nặng. Thậm chí nhiều vụ làm còn chẳng được ăn nên người dân bỏ hoang ruộng hết”.
10 năm triển khai mô hình lúa cá, hiệu quả kinh tế rất rõ ràng. Để nâng cao năng suất hơn nữa, người dân tha thiết xin chuyển đổi một diện tích nhỏ trong phần ruộng nhà mình, nhưng rốt cục chỉ nhận được những cái lắc đầu của xã. Cũng có gia đình mạnh dạn làm chui, nhưng họ chỉ đầu tư nhỏ lẻ, có lãi, nhưng vẫn còn lấn cấn vì làm chưa thỏa, chưa phát huy hết giá trị ruộng đồng.
Bản thân ông Biên cũng thừa nhận rằng, nếu được tạo điều kiện thì vùng chiêm trũng Phú Lộc nuôi cá chắc chắn sẽ lãi gấp nhiều lần trồng lúa. Dân có nguyện vọng, xã biết, nhưng không đủ thẩm quyền để quyết. Mãi gần đây, khi ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình vào cuộc rốt ráo giải bài toán lúa cá thì tình hình có vẻ sáng sủa hơn.
Thực tế, nếu lấy 100 ha đất lúa, cho chuyển đổi chỉ tầm 3 ha để cải tạo thành ao hồ thì hiệu quả kinh tế gấp 5-6 lần. Tính trên đơn vị một sào, nếu trồng lúa, năng suất cao nhất ở đây là một tạ. Với giá hiện nay vừa tròn một triệu đồng. Đấy là được mùa, làm vụ xuân, còn nếu làm thêm vụ mùa thì năng suất 30-40kg/sào là kịch kim.
Cũng sào ruộng ấy nếu cho chuyển đổi thành hồ cá, vụ đầu tiên chắc chắn lãi 5 triệu đồng, từ vụ thứ hai trở đi lãi tầm 10-12 triệu. Nhưng đó chưa phải là kết quả tối ưu. Nếu làm mô hình cá lúa đến tận cùng, cho mỗi hộ chuyển đổi 3 ha để làm ao hồ thì ít nhất cũng phải thu tiền tỷ một năm.
Nhưng cho dù bài toán kinh tế đã rõ ràng như thế, từ tỉnh đến xã có chấp thuận thì thực trạng “một mét vuông đất lúa muốn chuyển đổi cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ” cũng không cho phép nông dân Nho Quan chuyển đổi.
4 ông nông dân chân đất Vũ Văn Mạnh, Nguyễn Văn Lượng, Trần Văn Viết, Nguyễn Văn Lạm thầu cả cánh đồng Chón rộng tầm 70 ha từ chục năm nay. Dù hàng năm đóng cho HTX 100 triệu đồng tiền thầu cánh đồng ngập nước nhưng bình quân mỗi hộ nuôi cá vẫn lãi từ 100-150 triệu đồng.
Họ là những người biết rất rõ kết quả bài toán kinh tế trên đồng ruộng xã Phú Lộc. Bản thân những người trực tiếp nuôi cá giàu có đã đành, những gia đình bỏ hoang ruộng cũng được hưởng lợi tiền thầu.
Trường hợp anh nông dân Nguyễn Văn Lạm là một kết quả điển hình. Nhà Lạm có một mẫu ruộng ở đồng Chón. Từ năm 2005, cả gia đình chỉ làm lúa lấy lệ theo hô hào của xã, đủ gạo ăn, diện tích còn lại đầu tư nuôi cá hết. Tiếng là làm một vụ cá nhưng thực chất chỉ được nuôi có 4 tháng do không có ao ươm cá giống và chỗ cá trú ẩn khi phải trả ruộng lại cho người dân.
Cứ một sào ruộng, Lạm be bờ thành ao nuôi 6 vạn cá giống. Tháng 7, khi người dân vừa gặt xong, đồng ngập trũng thì vột cá ra, đến cuối tháng 11 thu hoạch. Bình quân một sào ao, 6 vạn giống thu về 5 tấn cá. Chỉ thế thôi cũng đủ lãi lớn rồi, nhưng những nông dân như Lạm còn khao khát lớn hơn.
“Nếu cho gia đình tôi chuyển đổi 3ha để đào ao thì mỗi một vụ cá sẽ thu ít nhất một tỷ đồng. Làm như bây giờ, lãi cũng nhiều rồi nhưng bỏ ra một chỉ ăn được ba, còn chuyển đổi rồi, mình có chỗ ươm cá, có chỗ dưỡng cá chủ động, lãi gấp năm, thậm chí là gấp mười lần”, vẫn theo Lạm.
Phải. Nếu cho gia đình Lạm chuyển đổi 3ha trong diện tích một mẫu ruộng của gia đình thì chi phí bỏ ra nuôi cá giống sẽ ít hơn, lại có chỗ để lùa cá về ươm khi người dân cần ruộng cấy. Năm ngoái, đến vụ người dân cấy, Lạm phải bán cá với giá 35 ngàn một cân, trong khi chỉ cần đợi thêm một tháng, giá cá sẽ tăng lên 50-55 ngàn.
“Nếu nói là lý do phá vỡ mặt bằng đất lúa thì không phải. Tiếng là chuyển đổi ruộng thành ao, làm biến dạng đất lúa, nhưng khi nhà nước cần thì chỉ mất vài tiếng đồng hồ cho máy ủi san là trả lại ruộng phẳng ngay. Vùng chiêm trũng này không nuôi cá thì dân cũng bỏ hoang, không hiểu vì sao mà Nhà nước không cho dân chuyển đổi nữa?”, Lạm thắc mắc, tiếc rẻ.
Vừa cảnh cáo vừa động viên
Cũng giống như Phú Lộc, lãnh đạo xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) rất muốn cho người dân chuyển đổi sang các mô hình kinh tế hiệu quả cao nhưng chưa dám. Ngay cả thời điểm này, khi có dự án quy hoạch 6,5 ha làm khu trang trại tập trung thì nhu cầu chuyển đổi của người dân vẫn còn rất lớn.
Giữ đất không hiệu quả, cho dân chuyển đổi lại vi phạm nên có trường hợp khi phát hiện các mô hình tự chuyển đổi chui, một mặt xã cảnh cáo, nhắc nhở, thậm chí là lập biên bản, nêu tên trên loa truyền thanh… Nhưng một mặt họ lại thấy mừng vì các mô hình chuyển đổi quá hiệu quả.
Ông Hoàng Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thành dẫn tôi xuống trang trại của nông dân Lại Văn Mỹ, người mà ông bảo là từng bị “bêu” tên trên loa, công an xã xuống tận nhà lập biên bản cảnh cáo… vì cái tội dám chuyển đổi chui từ 10 năm trước. Thậm chí, khi xẩy ra sự việc ông Mỹ đào ruộng, Thường vụ Đảng ủy xã phải thảo luận gay gắt, nhiều lần mới đi đến thống nhất là để cho gia đình làm trang trại.
Mô hình trang trại ông Lại Văn Mỹ
Bây giờ ông Mỹ là người giàu có tiếng ở xã Khánh Thành này. Gia đình có 2.037m2 đất thuộc diện 313, trước những năm 2001 đến 2003, một năm tất tần tật gia đình ông thu về chỉ có 18 triệu đồng. Còn bây giờ, sau chuyển đổi, diện tích đất mỗi năm thu 36 triệu đồng tiền trồng cây bạch chỉ, 30 triệu đồng tiền rau các loại, 40 triệu đồng tiền cá, 45 triệu đồng tiền vịt… 6 đứa con trong gia đình đều ăn học tử tế.
Thành tích mà ông bảo, nếu không nhờ làm trang trại chắc phải nợ đến cả tỷ đồng. Lãi cao đấy, nhưng bản thân gia đình cũng không dám mạnh dạn đầu tư hơn nữa, luôn đề phòng phương án chính quyền bắt san ruộng để trả lại mặt bằng đất lúa.
Cả xã Khánh Thành hiện có khoảng 10 ha đất lúa chuyển đổi chui. Từ lãnh đạo xã đến người dân đều khẳng định, con số này quá ít so với nhu cầu thực tế. “Các mô hình chuyển đổi, dù chưa được quy hoạch, chưa được đầu tư bài bản nhưng hiệu quả đều cao, ít nhất cũng gấp 3-5 lần trồng lúa, làm vụ đông.
Những diện tích đất xen kẹt, đất xấu, đất cao, đất ngân sách của xã (5%) còn nhiều, cần phải chuyển đổi sang các mô hình kinh tế hiệu quả hơn. Nếu cứ khư khư giữ đất lúa thì không tài nào mở mang kinh tế được, kìm hãm lắm”, ông Thành tiếc rẻ.
Kết quả bài toán lúa cá, câu hỏi bao giờ người dân có thể chuyển đổi, tôi đã mang đi gặp lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện, lãnh đạo Sở NN-PTNT ở tỉnh Ninh Bình, ai cũng bảo là chính xác, là cần thiết. Họ cũng biết rất rõ hiệu quả của việc chuyển đổi, thậm chí đã nghiên cứu rất kỹ những mô hình như anh nông dân tên Lạm và rất hài lòng. Vậy vì sao không triển khai được? Câu trả lời vẫn là vướng mắc về chính sách, chưa dám cho dân làm.