Đường cao tốc lại xôn xao dư luận bởi vụ ồn ào về biển báo. Cụ thể, tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu có biển báo với dòng chữ “Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm”, đã bị một đơn vị quản lý trên địa bàn cho người xóa đi. Có hai luồng ý kiến khác nhau, một bên cho rằng ghi chú như vậy để thấy trách nhiệm đơn vị thi công là tập đoàn Sơn Hải, một bên ủng hộ tuân thủ khoản 3 điều 45 Luật Giao thông đường bộ quy định “không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ”.
Thực tế, Tập đoàn Sơn Hải gần một thập niên tham gia thi công những tuyến đường, đều trưng biển báo khẳng định uy tín doanh nghiệp. Ví dụ, quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk Song của tỉnh Đắk Nông, có biển báo “Đoạn đường được tập đoàn Sơn Hải bảo hành 5 năm”. Từ năm 2022 đến nay, Tập đoàn Sơn Hải thi công đường cao tốc và nâng thời hạn bảo hành lên 10 năm, với cam kết mặt đường không hằn lún, không bong bật, kể cả khi thời tiết bất lợi hay phương tiện quá tải trọng. Tập đoàn Sơn Hải khẳng định, mục đích của việc lắp biển biển báo là để người dân cùng giám sát việc bảo hành của doanh nghiệp, không phải quảng cáo.
Rõ ràng, trong xu hướng phát triển và hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam, thì ý thức bảo hành của Tập đoàn Sơn Hải đáng hoan nghênh. Bởi lẽ, có không ít tuyến cao tốc vừa khánh thành chưa được bao lâu đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn khiến người tham gia giao thông phải lo lắng.
Bảo hành đường cao tốc, rất cần thiết. Tuy nhiên, quan trọng hơn, là phương pháp vận hành đường cao tốc vẫn còn nhiều bất cập. Tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài hơn 100 km qua tỉnh Bình Thuận, liên tục xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Lý do, gọi là đường cao tốc, nhưng thiết kế mỗi bên hai làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp. Khoảng 5 km mới có một điểm dừng khẩn cấp và không có điện chiếu sáng, nên đêm khuya xe chạy phía sau thường tông vào đuôi xe chạy phía trước cùng chiều.
Đường cao tốc TP.HCM - Dầu Giây gần đây gây ức chế và ngao ngán cho người tham gia giao thông, vì sự ùn tắc diễn ra như cơm bữa. Chỉ cần một vụ va quệt, thì xe nối xe xếp hàng dằng dặc vài cây số, mệt mỏi và lãng phí. Câu hỏi đặt ra: Đã có sự phối hợp đầy đủ giữa các lực lượng liên quan chưa? Vì sao, khi có sự cố, không ai thông báo để tài xế chọn lựa lộ trình khác, mà vẫn cho xe vào đường cao tốc? Rõ ràng, cách vận hành đường cao tốc hiện nay chỉ tạm dừng ở việc lắp camera để phạt nguội, mà chưa phát huy tiện ích công nghệ để đảm bảo sự đi lại thông suốt.
Với một đất nước còn nhiều khó khăn kinh tế như Việt Nam, xây dựng đường cao tốc là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thật băn khoăn, khi người tham gia giao thông trả khoản phí không nhỏ lại phải di chuyển bằng tốc độ chậm chạp trên đường cao tốc. Sự sòng phẳng giữa người thu phí và người sử dụng đường cao tốc, không được xem như bài toán văn minh chăng? Từ câu chuyện bảo hành của Tập đoàn Sơn Hải, cần rà soát và điều chỉnh năng lực vận hành đường cao tốc.