| Hotline: 0983.970.780

Yếu kém, không giải thể thì để làm gì?

Thứ Sáu 22/11/2013 , 11:01 (GMT+7)

Đem chuyện thực trạng bi đát của nhiều nông lâm trường đặt lên bàn của ông Đinh Quang Tuấn - Phó trưởng ban Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), NNVN đã có cuộc trao đổi hết sức thẳng thắn.

Đem chuyện thực trạng bi đát của nhiều nông lâm trường đặt lên bàn của ông Đinh Quang Tuấn (ảnh) - Phó trưởng ban Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), NNVN đã có cuộc trao đổi hết sức thẳng thắn.

>> Đơn vị mạnh cũng kêu trời
>> Phó Giám đốc nấu cơm quét nhà, cán bộ kéo nhau đi phụ hồ làm thuê
>> Rạng Đông có ló rạng?
>> Lay lắt số phận nông lâm trường

Tình hình hoạt động của các nông, lâm trường sau khi chuyển đổi thành công ty ra sao, thưa ông?

Dù đến nay cơ bản các nông lâm trường đã được sắp xếp lại và đổi tên thành công ty TNHH một thành viên nhưng cơ chế hoạt động chưa có chuyển biến gì nhiều. Vừa rồi chúng tôi có khảo sát, đánh giá hiện trạng nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc.

Kết quả cho thấy việc tách bạch giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích đối với doanh nghiệp nông lâm nghiệp chưa thực sự rõ nét, ngoài những lâm trường được chuyển đổi thành Ban quản lý rừng. Hiện nay vẫn còn một số công ty nông, lâm nghiệp hoạt động hết sức khó khăn, thậm chí đã rơi vào tình trạng phá sản nhưng không thể phá sản. Đời sống của cán bộ, công nhân và người lao động ở những nơi này hết sức khó khăn.

Theo Nghị quyết số 28 NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, Nhà nước có chính sách phù hợp để hỗ trợ các nông lâm trường chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng hiện tại vẫn chưa có cơ chế, chính sách thực sự phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp này, do đó chưa tạo được động lực thực sự để thúc đẩy các doanh nghiệp nông lâm nghiệp đổi mới và phát triển như các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác.

Việc nghiên cứu, lựa chọn mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động phù hợp cho các công ty nông lâm nghiệp vẫn còn là bài toán khó chưa được giải đáp thỏa đáng. Hầu hết các nông lâm trường quốc doanh, kể cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa vẫn chưa thực hiện được việc rà soát, đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới tại thực địa, do đó chưa hoàn chỉnh được hồ sơ để làm thủ tục thuê đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về mô hình thí điểm sắp xếp nông, lâm trường ở nông trường Sao Vàng (Thanh Hóa) thì sao?

Nông trường quốc doanh Sao Vàng được sắp xếp đổi mới theo mô hình thí điểm. Theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông trường quốc doanh Sao Vàng được thí điểm sắp xếp theo hình thức: “Sử dụng nguyên trạng lao động, đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật, vật tư, tiền vốn của nông trường để cùng công ty CP Mía đường Lam Sơn thành lập công ty TNHH hai thành viên”.

Sau khi thành lập, bước đầu công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn - Sao Vàng đi vào hoạt động có nhiều chuyển biến tốt, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, đời sống người lao động được nâng cao hơn. Tuy chưa được tổng kết đánh giá, nhưng cuối năm 2012 chủ sở hữu vốn nhà nước ở đơn vị này là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã bán hết vốn nhà nước trong công ty.

Sau khi bán hết vốn nhà nước, công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn - Sao Vàng trở thành công ty một thành viên do công ty cổ phần mía đường Lam Sơn làm chủ sở hữu toàn bộ vốn. Hậu quả là: nông trường quốc doanh trở thành doanh nghiệp cổ phần mà không qua các bước cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước.

Toàn bộ lao động trong nông trường quốc doanh trở thành lao động trong công ty cổ phần nhưng lại không phải là cổ đông, người lao động không được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện hành. Toàn bộ đất sản xuất của nông trường Sao Vàng được nhà nước giao trước đây, nay được công ty cổ phần mía đường Lam Sơn sử dụng.


Ảnh minh họa

Vì vậy, cần có tổng kết mô hình thí điểm như ở nông trường Sao Vàng, qua tổng kết phải chỉ ra được những kết quả cần nhân rộng và những khiếm khuyết nên tránh để có căn cứ đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nông, lâm nghiệp trong thời gian tới.

Dư luận cho rằng, đất đai nông lâm trường ở nhiều nơi đang thực sự là miếng mồi béo bở cho các thế lực bao chiếm?

Theo tôi cần công khai hóa các đối tượng đang sử dụng đất ở các nông, lâm trường trước đây thông qua các hình thức khoán, mượn, liên doanh, liên kết. Có công khai mới có điều kiện xác định công khai trong danh sách đó ai là thật, ai là không thật (tức là người không có nhu cầu sản xuất nhưng lợi dụng bao chiếm đất để trục lợi).

Đến nay mới chỉ có tỉnh Tây Ninh làm sáng tỏ được vấn đề này, còn hầu hết vẫn án binh bất động vì đất đai nông, lâm trường dính đến con người qua nhiều năm và nhiều thế hệ, địa phương nào càng có nhiều nông lâm trường thì tình trạng đó càng nặng nề, nhân dân rất bức xúc và dư luận cho rằng nông lâm trường quốc doanh, nay là công ty nông lâm nghiệp còn đang bao chiếm đất, vẫn còn tình trạng lợi dụng đất được giao, không muốn chuyển sang thuê nhằm để trục lợi cá nhân cho một số người.

Điều kiện để một nông, lâm trường cổ phần hóa ra sao? Giải thể thể nào?

Muốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, điều kiện đầu tiên là doanh nghiệp đó phải hoạt động hiệu quả. Chúng ta đã có tiêu chí đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp thông qua lợi nhuận đạt được trên vốn, nhưng doanh nghiệp nông nghiệp khó đánh giá hơn vì là doanh nghiệp đặc thù, gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên có rất nhiều khó khăn, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, cơ sở hạ tầng chưa phát triển..., đặc biệt có nhiều doanh nghiệp ngoài làm kinh tế còn phải làm nhiệm vụ công ích xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Điều kiện thứ hai là giá trị doanh nghiệp phải được xác định rõ. Điều kiện thứ ba là toàn bộ đất đai phải thuê theo Luật Đất đai. Với các điều kiện như vậy, thực tế cho thấy các công ty nông lâm nghiệp có thể chuyển sang cổ phần hóa sớm hơn. Hiện hầu hết doanh nghiệp lâm nghiệp chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, diện tích đất sản xuất ở mỗi công ty lâm nghiệp thường lớn hơn nhiều lần so với công ty nông nghiệp.

Quá trình chuyển đổi ở công ty lâm nghiệp còn nhiều khó khăn hơn vì đến nay còn có quan điểm cho rằng tài sản trên đất của công ty lâm nghiệp là tài nguyên (rừng) nên không xác định được giá trị. Tôi cho rằng đây là lý luận, là lý do tạo cơ hội cho lâm tặc núp bóng, tranh thủ thời cơ mà phá hết rừng, cũng vì quan điểm này nên khi giao rừng cho doanh nghiệp quản lý chỉ giao tài nguyên chứ không giao vốn cụ thể. Với cách giao kiểu ang áng, giao màu xanh này nếu không nhanh sửa đổi thì thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ không biết đến khái niệm cây rừng là gì và cây gỗ lớn, gỗ quý là gì nữa.

Về việc tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp trong thời gian tới, tôi vẫn khẳng định rằng nếu công ty đã thuê đất sản xuất bình đẳng như các doanh nghiệp khác và đã hoạt động theo luật doanh nghiệp thì mới bàn đến việc cổ phần hóa. Nếu đất sản xuất vẫn là đất giao, chưa thuê thì phải giải quyết thủ tục đất đai trước, chưa thuê đất mà bàn về cổ phần hóa là không được.

Khi cổ phần hóa, tỷ lệ phần trăm vốn nhà nước phải xem xét căn cứ vào thực tế nhiệm vụ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chủ yếu hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng gắn chặt với an ninh, quốc phòng trên địa bàn thì chưa nên cổ phần hóa, nhà nước vẫn phải nắm 100% vốn; chỉ nên cổ phần hóa và Nhà nước nắm cổ phần chi phối ở những doanh nghiệp liên quan chính đến cung ứng giống, bình ổn giá, an ninh lương thực, vệ sinh an toàn thực phẩm..., còn lại các doanh nghiệp nông nghiệp khác có thể cổ phần hóa mà nhà nước không cần nắm giữ vốn nhằm tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư để phát triển doanh nghiệp.

Còn việc giải thể doanh nghiệp trong đó có công ty nông, lâm nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành, áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiều năm liền không có lãi và xét thấy sự tồn tại của nó không cần thiết cho nền kinh tế nữa. Chính tôi đã từng trực tiếp đề nghị với lãnh đạo địa phương nên giải thể các công ty trong tình trạng như vậy.

Xin cảm ơn ông! 

Đợt về Rạng Đông (Nam Định), tôi có ghi âm được toàn tiếng kèng kẹc, ồm ộp của ễnh ương, cóc nhái giữa trụ sở vắng lặng, mốc thếch đem cho ông Đỗ Thanh Hải - Chủ tịch công ty nghe và bảo: “Các ông đổi mới nông trường thế nào mà tôi chỉ thấy toàn cóc nhái thế này”.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.