* DN cãi nhau quá hăng, Bộ Công thương lúng túng!
Các nhà máy đường đang tồn kho lượng đường khá lớn, trong khi các doanh nghiệp tiêu thụ đường lại đang đòi được nhập khẩu đường. Trước tình hình đó, ngày 28/3, tại TP HCM, Bộ Công thương đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ, nhưng xem ra vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung, khi bên nào cũng chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của mình.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng đường niên vụ 2011/2012 khoảng 1,4 triệu tấn. Ngoài ra còn 100 ngàn tấn đường tồn kho từ vụ trước chuyển sang và đường nhập lậu. Như vậy là đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, hiện tại đang có tình trạng các nhà máy đường tồn kho một lượng đường không nhỏ, nhưng các doanh nghiệp tiêu thụ đường lớn lại đang kêu không mua được đường.
Thực tế chuyện không mua được đường này ra sao? Đại diện Cty Red Bull Việt Nam cho hay, Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất đường nhưng lượng đường RE chất lượng cao rất ít nên công ty này không thể tìm nguồn cung trong nước đạt chất lượng, số lượng ổn định. Bà Dương Thị Tô Châu, GĐ Thương mại Cty Bourbon Tây Ninh thừa nhận, hiện nay mới chỉ có 5 nhà máy sản xuất được đường RE, còn lại chủ yếu làm đường RS. Thành ra đường RE sản xuất trong nước được ký hợp đồng tiêu thụ ổn định, còn đường RS đang bị ế khá nhiều.
Do dư thừa, giá đường trong nước hiện khá dễ chịu với người tiêu dùng (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp tiêu thụ đường đã xin nhập khẩu một lượng đường không nhỏ. Từ tháng 11 năm ngoái, các doanh nghiệp sử dụng đường lớn đã đăng ký xin nhập khẩu gần 270.000 tấn đường. Cụ thể: Vinamilk 100.000 tấn, Cty Tân Hiệp Phát 25.000 tấn, Coca Cola Việt Nam 20.000 tấn, Pepsico Việt Nam 20.000 tấn, Cty Friesland Campina 14.000 tấn, Red Bull Việt Nam 7.000 tấn, Vinacafe Biên Hòa 7.000 tấn, Cty Tân Việt Xuân 5.000 tấn, Cty Hải Châu 5.000 tấn, Cty CP sữa Quốc Tế 5.000 tấn… Trong khi đó, lượng đường mà các doanh nghiệp này dự kiến mua trong nước trong năm nay chỉ khoảng 200.000 tấn.
Lý giải cho việc xin nhập khẩu với khối lượng cao hơn nhiều so với lượng đường định mua trong nước, ngoài việc kêu rằng thiếu đường RE, dư đường RS nói trên, các nhà tiêu thụ còn cho rằng có nguyên nhân không nhỏ ở vấn đề giá cả. Ông Trương Phúc Chiến, Tổng giám đốc Cty CP Bánh kẹo Biên Hòa, nói thẳng, giá đường nhập khẩu hiện đang thấp hơn giá đường trong nước. Hiện nay giá đường các nhà máy bán ra là 17.000 đ/kg, còn đường nhập khẩu về tới Việt Nam, chỉ khoảng 700 USD/tấn, tức khoảng trên 14.000 đ/kg. Không những thế, khi mua đường của các nhà máy trong nước Bibica phải trả trước tới 50% giá trị lô hàng. Còn nhập khẩu đường, chỉ phải đưa trước 10%. Giá đường ở các nước thường ổn định từ đầu vụ tới cuối vụ, nên nhà nhập khẩu dễ tính toán. Còn giá đường ở trong nước lại rất không ổn định, có những thời điểm lên khá cao. Ông Mai Hoài Anh (Cty Vinamilk) cho hay theo dõi giá đường trong nước những năm qua cho thấy giá đường vào cuối vụ thường cao hơn đầu vụ tới 4.000 đ/kg.
Đại diện một số công ty thương mại và tiêu thụ đường còn cho rằng giá đường do các nhà máy bán ra là không hợp lý, kể cả ở mức 17.000 đ/kg như bây giờ. Ông Hà Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cty Hanoimilk, phân tích: giá mua mía hiện nay 1 triệu đ/tấn (10 CCS). Giá thành sản xuất 1 kg đường là 13.500 đồng. Nếu nhà sản xuất bán ra với giá trên 15.000 đ/kg, họ vẫn sẽ sống khỏe.
Chính vì thế, các doanh nghiệp tiêu thụ đường tỏ ra không đồng tình với những biện pháp bảo hộ ngành đường trong nước. Ông Chiến cho rằng cả nước chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp chế biến đường, mà có tới doanh nghiệp tiêu thụ đường lớn hàng trăm doanh nghiệp tiêu thụ đường. Vì thế không nên vì lợi ích cục bộ của 40 doanh nghiệp mía đường mà ảnh hưởng tới hàng trăm doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng khi mua các sản phẩm có đường. Bởi thế, những doanh nghiệp này đang đề nghị Bộ Công thương sớm công bố thời hạn nhập khẩu 70.000 tấn đường trong năm nay theo cam kết WTO.
Thế nhưng, ngành mía đường lại có những ý kiến ngược lại. Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường, cho rằng lượng đường RE sản xuất trong nước hiện ở mức 500-600 ngàn tấn/năm, đủ sức đáp ứng cho nhu cầu các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, bánh kẹo… Tức là không cần thiết phải nhập khẩu. Trong khi đại diện Hanoimilk cho rằng giá thành sản xuất đường ở nước ta chỉ khoảng 13.500 đ/kg, thì theo ông Hải, giá thành 1 kg đường trắng phải là 16.000 đồng/kg.
Chính vì thế, các nhà máy đường cho rằng các doanh nghiệp tiêu thụ xin nhập khẩu chẳng qua chỉ nhằm phục vụ lợi ích riêng của họ. Ông Đỗ Thành Liêm, TGĐ Cty Đường Khánh Hòa, khẳng định: “Doanh nghiệp sử dụng đường chỉ muốn có qouta nhập khẩu để hưởng lợi, nhất là khi giá đường nhập khẩu rẻ hơn giá trong nước. Rõ ràng nhập khẩu đường đang có lợi lớn cho các doanh nghiệp tiêu thụ, nếu không họ đã không cố nài xin qouta như thế. Vì thế, cho dù Bộ Công thương, Hiệp hội kêu gào như thế nào về việc tiêu thụ đường trong nước, thì họ cũng chỉ mua đường trong nước một cách miễn cưỡng như thể làm nghĩa vụ”.
Hai bên cãi nhau hăng quá, bên nào cũng đưa ra những chứng cứ, lý lẽ cho rằng mình đúng, chẳng ai chịu ai, khiến cho Bộ Công thương cũng phải lúng túng. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương đành phải nói nước đôi rằng ý kiến của nhà sản xuất và nhà tiêu thụ đường đều có lý nếu xét trên khía cạnh mỗi doanh nghiệp đang kinh doanh. Ông Biên đành phải yêu cầu Vụ Công nghiệp nhẹ của Bộ Công thương tổng hợp nhu cầu tiêu thụ đường của các nhà sản xuất bánh kẹo, nước giải khát…, xem có doanh nghiệp nào có thay đổi nhu cầu nhập khẩu đường hay không (hiện có 26 doanh nghiệp xin nhập khẩu đường tinh luyện, đường thô, đường vàng…).
Qua đó giúp cho Hiệp hội Mía đường tiếp cận được với những doanh nghiêp tiêu thụ … để hai bên tìm hiểu và tiến đến ký kết hợp đồng tiêu thụ đường. Đến tháng 5 tới, nếu 2 bên vẫn không “gặp nhau” trong việc thương lượng hợp đồng mua bán đường trong nước, Bộ Công Thương sẽ thông qua qouta nhập khẩu đường cho các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát…